Rủi ro nghề lặn hải sâm
(Cadn.com.vn) - Tối 21-11, hai tàu cá chở 2 ngư dân tử vong do lặn từ Trường Sa trở về cập cảng Sa Kỳ, thuộc xã Bình Châu, H. Bình Sơn (Quảng Ngãi). Suốt đêm, người thân và chính quyền địa phương ra bến cảng Sa Kỳ đón 2 tàu cá trở về. Không khí tang thương bao trùm bến cảng. Hai ngư dân bị tử vong là Nguyễn Thành Lan, 29 tuổi, ở thôn Phú Quý, xã Bình Châu đi trên tàu cá số hiệu QNg 92018 TS của ông Tiêu Viết Lành, 29 tuổi, thôn Châu Thuận Biển (xã Bình Châu) và ngư dân Đặng Công Danh, 26 tuổi, ở TX Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa đi trên tàu cá QNg 90947 TS của anh Tiêu Viết Nhung, 32 tuổi. Xác của 2 ngư dân được bảo quản trong hầm đá trên tàu. Ngay trong đêm, Công an, BĐBP tỉnh cũng đã tổ chức khám nghiệm tử thi, lấy lời khai các ngư dân đi trên 2 tàu cá. Hai thi thể ngư dân cũng được bàn giao cho gia đình đưa về an táng.
Cả hai ngư dân đều có hoàn cảnh khó khăn, không có cha. Trường hợp Nguyễn Thành Lan, mồ côi cha từ nhỏ. Anh Lan là trụ cột gia đình nuôi mẹ già cùng vợ và 2 con nhỏ. Hoàn cảnh ngư dân Đặng Công Danh khó khăn không kém. Theo ông Phạm Anh Nhuần, ở TX Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa, là người thân của Đặng Công Danh cho biết: “Cha Danh mất sớm, còn lại mẹ già, em gái cùng vợ con. Hoàn cảnh gia đình nghèo khó, ngôi nhà như lều chòi chứ không phải nhà. Danh cũng biết nghề lặn nên ra Quảng Ngãi theo tàu cá lặn hải sâm. Danh là người trụ cột gia đình, bây giờ Danh mất, gia đình như rơi vào bế tắc vì không có người lo toan cuộc sống cho người già, con nhỏ”.
Cơ quan chức năng làm việc với tàu cá trở về. |
Trước đó, tàu QNg 90018 xuất bến từ Trạm kiểm soát Biên phòng Sa Kỳ ngày 18-10-2014, Tàu QNg 90947 xuất bến từ Trạm kiểm soát Biên phòng Sa Kỳ ngày 22-10-2014, hành nghề lặn khác hải sản xa bờ. Đến ngày 11-11-2014, thuyền viên Đặng Công Danh đi trên tàu QNg 90947 bị ngừng thở, đột ngột tử vong trong lúc đang lặn khai thác hải sản. 3 ngày sau đó (14-11), thuyền viên Nguyễn Thanh Lam đi trên tàu QNg 90081 cũng bị tử vong như trường hợp thuyền viên Danh. Theo ông Tiêu Viết Nhung, chủ tàu QNg 90947 kể lại: “Trong lúc ngư dân Đặng Công Danh lặn bắt hải sâm thì phát hiện hải sâm nhiều nên Danh lặn độ sâu không thực hiện đúng quy trình giảm áp nên khi lên bờ yếu lả. Chúng tôi vội đưa Danh xuống lại ngâm nước tuy nhiên sức khỏe Danh càng nguy kịch. Chúng tôi làm mọi cách cũng không cứu sống được Danh”. Theo chủ tàu Tiêu Viết Nhung, sau khi Danh tử vong, tàu cá bị hỏng máy, phải mất 4 ngày sửa chữa tàu hoạt động lại và đưa xác Đặng Công Danh về xã Bình Châu.
Vị trí lặn hải sâm của 2 tàu cá đều trên vùng biển Trường Sa. “Nghề lặn của chúng tôi luôn rình rập rủi ro tử vong cao bởi phải lặn sâu dưới đáy biển. Biết làm sao, chúng tôi không học hành đến nơi đến chốn chỉ biết theo nghề biển, nối tiếp nghề truyền thống bao đời nay của ông cha”-chủ tàu Tiêu Viết Nhung chia sẻ.
Nghề lặn, mò bắt hải sản ở xã Bình Châu, H. Bình Sơn và H. Lý Sơn được tiếp nối đời này sang đời khác như nghề truyền thống vì đây là kế mưu sinh chính của họ. Tính sơ bộ có gần 2.000 thợ lặn từ 2 địa phương này. Giá trị hải sản mỗi năm thu về từ thợ lặn có khi gấp 2 - 3 lần ngư dân đánh bắt bình thường. Vì thế, nghề lặn ngày càng có giá. Theo ông Nguyễn Văn Thành, chủ cơ sở thu mua hải sản ở cảng Sa Kỳ cho biết: “Nghề lặn biển là một nghề mang lại thu nhập cao, nhưng cũng đòi hỏi người thợ lặn phải được trang bị những kĩ năng hành nghề tốt nhất, cùng với sự gan dạ, thông minh và khéo léo xử lý tình huống dưới nước, ở độ sâu. Riêng ở H. Lý Sơn, hằng năm, sản lượng hải sản quý đánh bắt được bằng nghề lặn cũng là một thế mạnh trong phát triển kinh tế của huyện đảo, góp phần đem lại nguồn lợi thu nhập ổn định cho ngư dân”.
Gia đình nạn nhân đau xót trước sự mất mát . |
Theo ông Nguyễn Thanh Hùng, Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá Bình Châu, H. Bình Sơn cho biết: “Kinh nghiệm và quy tắc của thợ lặn phải tuân thủ để bảo toàn tính mạng là sau 30 phút lặn dưới độ sâu 60m, khi trồi lên cách mặt nước khoảng 40m thì thợ lặn phải dừng lại đó khoảng 10 - 15 phút để cơ thể thích ứng với áp suất của nước, sau đó khi còn cách mặt nước 15m cần phải nghỉ một lần nữa mới được lên tàu. Sau khi lên tàu phải để cơ thể nghỉ ngơi 30 phút mới được sinh hoạt bình thường”. Thực tế cho thấy nhiều thợ lặn trẻ vì ỉ vào sức khỏe nên đã không tuân thủ theo quy tắc này dẫn đến thương vong. Nếu không tử vong thì phải chịu sống nốt quãng đời còn lại với tật nguyền.
Hằng năm ngư dân Bình Sơn, Lý Sơn đều có người thương vong do nghề lặn nguy hiểm trên biển. Biết rằng hiểm nguy, nhưng ngư dân vẫn bám nghề biển mưu sinh. Với tính chất nguy hiểm của nghề, chính quyền và các cơ quan chức năng của địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền về sự nguy hại, có biện pháp căn cơ lâu dài để bảo vệ tính mạng người dân, đồng thời trang bị cho họ những cách sơ cứu cơ bản khi gặp tai nạn trên biển.
T. Sự