Rưng rưng mùi củi của ba

Thứ ba, 24/09/2019 14:00

Chiều tà, lang thang về miền quê ven phố, nhìn khói bếp nhà ai bay lên trên những tàu lá chuối nỗi nhớ nhà, nhớ quê trào dâng mạnh mẽ, lòng nao núng không thôi.

 

Ký ức về miền quê yên ả ở ven sông Ô Lâu giữa hai tỉnh Quảng Trị và TT-Huế khiến tôi nhớ da diết bóng mẹ còng lưng trên cánh đồng làng, đàn trâu thong thả gặm cỏ trên đê, và đặc biệt nghe lòng rưng rưng quay quắt khi nhớ về bóng dáng ba tôi ôm từng bó củi xếp đặt gọn gàng trên chái bếp và quanh các chuồng gà vào những ngày hè.

Mùa nắng nào cũng vậy, mấy chục năm ròng, ba tôi vẫn luôn giữ thói quen chuẩn bị củi cho chuyện bếp núc mùa mưa rét. Nhà tôi có trồng tre chắn gió trước và sau vườn nhà. Sau công việc đồng áng, ba lại lụi cụi lượm từng nhánh tre khô gọi là củi nè, rồi các cành cây khô trong vườn cột thành từng bó gọn gàng. Hết củi trong vườn ba lại ra cồn Mưng (gọi là cồn Mưng vì có cây mưng già nằm giữa cồn cỏ) trước cánh đồng để tỉa bớt những nhành cây khô già mang về kịp phơi nắng. Ba lại lên động cát trên khe nước cách nhà tôi một cây số để kiếm củi từ cây tràm hoa vàng, gốc cây cỏ dại khác. Ba mang về phơi trước sân hai, ba ngày.

Củi khô, ba tôi chia ra thành nhiều loại, khúc to bó thành bó riêng, cành nhỏ thì lọn lại. Loại củi nào đượm dễ cháy ba đặt ngay trên chái bếp để nấu nước, nấu cơm hằng ngày; loại nào cháy lâu ba đặt trên chuồng lợn để nấu cám lợn. Những khúc gỗ to ba gác lên chuồng gà để nấu bánh chưng cho ngày Tết. Tất bật với việc cấy cày cho kịp vụ hè thu, vậy mà chưa bao giờ ba quên công việc chuẩn bị củi cho mùa đông rét mướt. Ba nói: "Ngày mưa mà thiếu củi là thiếu lửa. Lửa phải đỏ suốt ngày để lấn át cái lạnh cắt da cắt thịt". Thấy ba hì hà hì hục vác từng ôm củi, gánh củi, chị em tôi kéo nhau ra sân phụ việc nhưng ba nhất định không cho. Một phần ba sợ hơi nắng từ cái sân đất cả ngày chiều xuống lại bốc hơi, một phần ba sợ chị em tôi đặt củi không đúng chỗ. 

Ở quê tôi, sau vụ mùa, nhà nào cũng có một đụn rơm to để vừa làm chất đốt nấu nướng, vừa cho trâu ăn những ngày lạnh. Đụn rơm to vẫn không đủ. Vì thế hầu như nhà nào cũng chuẩn bị thêm củi. Rơm để nấu ở chái bếp ngoài, củi thường đun ở gian bếp trong nhà. Ngày trước chẳng nhà nào biết đến bếp gas. Tất cả đều cần đến củi và rơm rạ. Vậy là củi theo bàn tay mẹ vào bếp nấu nướng, cháy rừng rực suốt ngày đêm. Cái xoong, cái nồi, cái chảo nấu nướng thức ăn, cái ấm đun nước... bắc trên kiềng hay hai thanh sắt dài đều đầy mùi khói bếp. Tôi nhớ mãi trò chơi  tuổi thơ. Cả đám con nít ngồi bệt giữa nền nhà để chơi đánh bài. Cái nồi đen màu lửa củi để ở giữa. Đứa nào thua là bị quẹt mụ nghẹ từ cái nồi đen sì. Mặt mũi đứa nào đứa nấy nhem nhuốc lọ lem...

Nhà có việc, mẹ và chị tôi vào bếp nấu xào để đặt cúng trên bàn thờ. Mẹ nhẹ nhàng đun củi vào bếp. Củi được phơi khô nên lửa bén đượm rất nhanh. Bên bếp lửa, dù mẹ bận rộn suốt ngày nhưng tôi vẫn nhận ra niềm vui trên gương mặt đã in nếp chân chim. Dù không nói ra nhưng tôi biết mẹ rất biết ơn và hài lòng lắm về ba, về sự lo toan, chu toàn cho vợ, cho con.

Miền Trung mưa nắng hai mùa rõ rệt. Nắng lắm, mưa nhiều. Những ngày mưa rét, chính những bó củi chất đầy của ba chuẩn bị từ trước có giá trị biết bao. Mùi khói bếp từ củi, mùi thức ăn mẹ nấu hòa quyện tạo nên mùi vị đặc trưng sao mà thân thương quá nơi miền quê nghèo. Tiếng nổ lách tách từ củi tre, củi nè trong bếp lửa nghe vui vui như niềm háo hức tiếng trẻ thơ chờ mẹ đi chợ về.

Tốt nghiệp Đại học, tôi lập nghiệp ở phố thị. Sống ở thành phố nhiều năm, tôi không dùng bếp củi, bếp rơm nhưng nỗi nhớ về bếp lửa đun củi, về những giàn củi ba chất vào mùa nắng chuẩn bị cho ngày đông thì vẫn cứ vẹn nguyên. Mẹ tôi đã yên nghỉ được 3 năm rồi, ba tôi đã bước qua tuổi 83 nhưng vẫn giữ thói quen chuẩn bị củi cho mùa mưa. Dù anh em tôi đã sắm cho ba một cái bếp gas nhưng ba vẫn có thêm một cái bếp đun bằng củi. Hình như mỗi lần ngồi bên bếp củi, ba lại thấy hình ảnh của người vợ tảo tần, nhân hậu của mình. Cái chái bếp bên hè nhà ngày xưa mẹ nấu vẫn tỏa khói mỗi ngày.

Cuộc sống đổi thay, từ thành phố đến làng quê nhiều nhà đã thay bếp rơm rạ, củi than bằng bếp gas, bếp điện, ấm siêu tốc... Còn tôi, dù ở đâu và bao lâu thì mùi lửa  củi, mùi khói bếp xộc vào mũi, vào mắt cay xè vẫn là mùi nhớ thương da diết. Ngọn lửa củi đượm nồng, ngọn lửa tình thương của mẹ, của ba vẫn cháy cả miền ký ức về những ngày đói cơm rách áo mà ấm áp, thảo thơm...

TRẦN VĂN TOẢN