Rừng thu hẹp, nhưng gà rừng sẽ được nhân rộng
(Cadn.com.vn) - Cuộc thi “Ý tưởng kinh doanh” trong chương trình “Giáo dục kinh doanh- KAB” trong khuôn khổ dự án “Thị trường lao động” do Liên minh Châu Âu tài trợ và quản lý bởi Tổ chức Lao động Quốc tế và Bộ LĐ-TB&XH, lần đầu tiên được triển khai thực hiện tại TP Đà Nẵng, đã thu hút đông đảo giới sinh viên của các trường đại học, cao đẳng nghề trên địa bàn TP. Cuộc thi đã chọn được “ứng cử viên” xuất sắc- em Võ Duy Nghĩa (V.D.N), sinh viên Trường Cao đẳng Nghề Hoàng Diệu- đoạt giải nhất với ý tưởng kinh doanh “Phương pháp mới trong chăn nuôi động vật hoang dã khó tính- gà rừng”.
Song, nhiều người quan tâm hơn cả là sau cuộc thi, những ý tưởng kinh doanh đoạt giải sẽ đi về đâu và hành trình để những ý tưởng ấy trở thành hiện thực như mục đích của cuộc thi này là khơi dậy ý tưởng kinh doanh trong giới trẻ; tìm và phát hiện ra các cá nhân có tố chất doanh nhân để hỗ trợ thực hiện các ý tưởng kinh doanh khả thi... Phóng viên Báo Công an TP Đà Nẵng đã có cuộc trao đổi với em V.D.N về vấn đề này.
P.V: Ý tưởng kinh doanh gà rừng của em đã thu hút được sự quan tâm của rất nhiều người, cả những nhà kinh doanh giỏi của Đà Nẵng, bởi tính độc đáo, mới lạ. Em có thể cho biết, vì sao em lại có ý tưởng kinh doanh đặc biệt này?
V.D.N: Mẹ em là cán bộ thú y. Mỗi lần đi công tác về, mẹ lại tâm sự về nguy cơ tiệt chủng của giống gà rừng trong danh sách đỏ của động vật quý hiếm ở Việt Nam, bởi thực trạng phá rừng làm rẫy đang diễn ra ở nhiều địa phương, rừng bị thu hẹp dần, đồi núi trọc càng nhiều, nên giống gà này ngày càng trở nên hiếm hoi. Từ đó, em luôn suy nghĩ làm một điều gì đó để bảo tồn giống gà quý hiếm này và em đã được thầy hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nghề Hoàng Diệu quyết định chọn lựa cho em đi học lớp ý tưởng kinh doanh của dự án “Thị trường Lao động”.
Lẽ ra, với sinh viên năm thứ nhất như em chưa được tham gia, vì lớp học này dành cho sinh viên năm cuối, nhưng thầy hiệu trưởng, cô giáo chủ nhiệm và các thầy cô vẫn động viên em cố gắng. Vì vậy, em đã quyết tâm thực hiện ý tưởng kinh doanh gà rừng, với hy vọng diện tích rừng dù đang bị thu hẹp, nhưng bằng phương pháp kinh doanh mới, em sẽ nhân rộng giống gà quý hiếm này.
Em Võ Duy Nghĩa đang chăm sóc gà rừng.
P.V: Được biết, em là một học sinh giỏi có nhiều thành tích trong học tập, nhưng tại sao em không thi vào một trường đại học nào đó, mà lại chọn Trường Cao đẳng Nghề Hoàng Diệu? Với ý tưởng kinh doanh này, em có hy vọng mình sẽ trở thành một doanh nhân nổi tiếng với “thương hiệu” gà rừng?
V.D.N: Nguyện vọng của em là thi vào Trường đại học CA, nhưng vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, em đã vào học Trường Cao đẳng Nghề Hoàng Diệu. Tại đây, em hiểu ra rằng, không nhất thiết ai cũng phải học đại học, điều quan trọng là mỗi người biết nỗ lực, phấn đấu để tìm cho mình một công việc phù hợp. Ở Trường Cao đẳng Nghề Hoàng Diệu, đội ngũ thầy cô giáo rất nhiệt tình, yêu nghề và đã hết lòng truyền đạt kiến thức cho chúng em, để ra đời, chúng em hoàn toàn tự tin vững bước trong con đường nghề nghiệp mà mình đã chọn.
Ý tưởng kinh doanh gà rừng của em được giải nhất, cũng là nhờ sự quan tâm của Ban Giám hiệu nhà trường, các thầy cô giáo và nhất là mẹ em đã giúp đỡ em rất nhiều. Với sự thành công này, em đã được một số nhà doanh nghiệp quan tâm và họ cho biết rất tâm đắc với ý tưởng kinh doanh của em, hứa sẽ giúp đỡ em tiếp tục triển khai thực thi, biến ý tưởng kinh doanh thành hiện thực. Em cũng rất hy vọng mình sẽ thành công với “thương hiệu” gà rừng, để những con gà rừng đang có nguy cơ tiệt chủng từ vùng núi Tiên Phước (Quảng Nam) quê em, sẽ trở thành nổi tiếng trên cả nước.
P.V: Một số nhà doanh nghiệp có kinh nghiệm rất tâm đắc với ý tưởng kinh doanh độc đáo của em, nhưng họ vẫn lo ngại tính khả thi của ý tưởng này, vì em mới chỉ là sinh viên năm thứ nhất, mà những khó khăn trong thực tế kinh doanh trên thị trường lại rất nhiều. Em có thể cho biết, em sẽ làm gì để biến ý tưởng kinh doanh thành hiện thực?
V.D.N: Hiện, em được UBND H. Tiên Phước cấp Giấy Chứng nhận đăng ký kinh doanh gây nuôi động vật hoang dã thông thường (gà rừng). Em cũng đã có 50 triệu đồng tiền vốn và được Ngân hàng NN&PTNT cho vay 100 triệu đồng. Em đã tiến hành xây dựng chuồng trại, làm hàng rào để gà không đi xa. Trong quá trình thực hiện ý tưởng kinh doanh này, em đã lặn lội, đi hàng trăm cây số đường rừng, tìm đến những nơi người ta làm rẫy để mua lại những con gà rừng và trứng gà rừng do người dân bắt được để gom về nuôi. Những quả trứng gà rừng đầu tiên, em cho gà nhà ấp.
Nhưng, sau đó, em phát hiện ấp trứng bằng máy công nghiệp hiệu quả hơn, trứng ít bị hư và nhanh nở. Cứ thế, từ 1-2 con gà nuôi để làm cảnh, em đã nhân giống lên, giờ đã được khoảng 100 con gà và mỗi tháng số gà này có thể đẻ ra 500- 600 con gà. Để lấy ngắn, nuôi dài, phục vụ cho kinh doanh lâu dài, em đã hợp đồng với một cơ sở bán chim cảnh ở Quảng
Vì vậy, đã có một số cơ sở đến hỏi mua gà rừng (giá gà trống thịt: 150.000 đồng/con, gà mái thịt: 200.000 đồng/con); những người làm ở trường đấu gà cũng đến nhờ em phối giống với giá khá cao. Song, để kinh doanh lâu dài, em sẽ ký hợp đồng cung cấp gà rừng thịt cho một nhà hàng kinh doanh nổi tiếng và có uy tín ở Quảng Nam và 1 nhà hàng ở Đà Nẵng. Sở dĩ, em chỉ chọn mỗi địa phương 1 nhà hàng, là để tạo sự độc quyền, thu hút và gây ấn tượng với khách hàng; sau đó, sẽ mở rộng cung cấp gà rừng ra các tỉnh miền Trung, ra Bắc, vào Nam.
P.V: Khó khăn lớn nhất hiện nay của em là gì?
V.D.N: Em có thuận lợi lớn là mẹ làm thú y, lại rất tâm huyết và có kinh nghiệm trong chăn nuôi gà rừng. Mẹ em giúp em tiêm chủng, cho gà ăn đủ chất dinh dưỡng, chăm sóc gà khi đẻ trứng và kỹ thuật ấp trứng hiệu quả... Nhưng, khó khăn lớn nhất hiện nay của em vẫn là vốn. Em hy vọng, những nhà doanh nghiệp có quan tâm và đã đánh giá cao ý tưởng kinh doanh này của em, sẽ giúp đỡ em trong việc hỗ trợ vay vốn và hợp đồng kinh doanh lâu dài.
P.V: Cảm ơn V.D.N. Chúc em thành công!
Hồng Nhật
(Thực hiện)