Rượu cần ai uống, ai say?
(Cadn.com.vn) - Quả không ngoa khi nói rằng nếu ai đã một lần đặt chân đến vùng đất Tây Nguyên mà chưa nếm hương vị rượu cần thì coi như chưa từng đến. Bởi, một khi đã được thưởng thức món rượu cần thơm ngây ngất, ngòn ngọt, chua chua, một chút đăng đắng sẽ làm ta say đến mê dại chất núi rừng này…
Không biết từ bao giờ, chỉ biết rằng từ rất lâu rồi rượu cần đã gắn liền mật thiết với đời sống đồng bào Tây Nguyên. Đặc biệt rượu cần là thứ thức uống quý và không thể vắng mặt trong tất cả các lễ tục của bản làng, từ lễ cúng thần linh, cúng Yang, cúng mừng lúa mới, lễ bỏ mả, đám chết, cưới hỏi, những ngày lễ hội hay tiếp đãi khách. Không có rượu cần thì các lễ tục coi như sẽ không tiến hành được. Người dân nơi đây uống rượu cần quanh năm, người người, nhà nhà đều gắn kết với men rượu cần. Người Tây Nguyên cho rằng, rượu cần của họ là do Trời (Yang) sai thần linh xuống trần dạy cho con người cách làm rượu đủ loại: từ gạo, mì, bắp cho đến bo bo, kê... để tế lễ các đấng tối cao trong năm. Với họ đây là một thứ rượu quý và linh thiêng vô cùng. Trong lễ cúng phải có rượu cần thì Yang mới chứng giám và lời cầu nguyện của họ mới được linh nghiệm. Vì sự linh thiêng và sự thiết yếu đó mà việc uống rượu cần đã trở thành một nét văn hóa đặc sắc riêng và là đặc sản của người đồng bào dân tộc Tây Nguyên.
Để hiểu rõ hơn về thứ rượu làm say mê lòng người này, chúng tôi tìm đến nhà bà Hven làng Chuết II – P. Phù Đổng–TP Pleiku để được “mục sở thị” món rượu cần trứ danh nơi đây. Nhà bà Hven được xem là địa chỉ làm rượu cần nổi tiếng, ngon nhất làng, chuyên sản xuất rượu cần bán cho các nhà buôn trong thành phố.
Men rượu, cây Hjam và ghè rượu đang được ủ. |
Bà Hven chia sẻ, làm rượu cần thoạt nghe qua rất đơn giản, nhưng đến khi tự tay làm thử một ché rượu thì mới biết để tạo ra một thứ nước ngòn ngọt, chua chua, đăng đắng như vậy không hề đơn giản chút nào. Thứ nguyên liệu không thể thiếu và quyết định đến mùi vị của rượu đó là men rượu. Men rượu được làm từ gạo, riềng, và vỏ cây Hjam. Tất cả các nguyên liệu được làm sạch, gạo và cây Hjam sẽ được ngâm trong 30 phút cho đến khi nước cây Hjam chuyển sang màu đỏ hoặc tím là được. Gạo sau khi ngâm và riềng sẽ giã nhuyễn, thật mịn trộn đều với nước cây Hjam cho đến khi những nguyên liệu kết dính lại với nhau tạo thành một chất bột sền sệt, sau đó vo lại thành từng bánh và đặt trên một lớp trấu để men rượu không bị thoát hơi và mất ngon. Công đoạn phơi men cũng kén không kém, men phải được phơi trong bóng mát để men tự khô đến khi cầm lên cảm thấy nhẹ tay là men đã khô và có thể ủ rượu được. Khâu tiếp theo là làm cơm rượu. Người làng Chuết thường làm rượu cần từ gạo nếp hoặc củ mỳ gòn, theo bà Hven “làm rượu từ mỳ gòn nhanh uống hơn, chua hơn và cũng nhanh hư hơn nên tôi thường làm từ gạo nếp. Gạo được nấu thành cơm sau đó trải ra nia để cơm nguội hẳn thì giã men rượu trộn thật đều tay với cơm và trấu sau đó cho tất cả vào ghè”. Công đoạn ủ rượu cũng rất quan trọng, rượu phải được ủ kín và kỹ bằng một lớp nilon, đến một lớp lá, cuối cùng dùng một lớp vải bịt chặt miệng ghè độ 10 đến 15 ngày là đã có thể uống được, tuy nhiên ủ càng lâu rượu càng có độ nồng cao và càng thêm đậm đà. Rượu ngon là loại rượu có màu vàng đục như mật, khi rót ra dòng chảy không bị đứt đoạn, sờ vào thấy hơi dính, có mùi thơm ngây ngất, cay nồng xen lẫn với vị ngọt rất đặc trưng.
Nếu như các công đoạn để có được một ghè rượu cần lắm công phu bao nhiêu thì việc thưởng thức rượu cần lại vô cùng dân dã và thú vị bấy nhiêu. Đúng với cái tên của nó, rượu được uống bằng cách dùng cần để hút. Cần rượu được làm bằng cây trúc hoặc cành tre nhỏ, dài từ 1,2 – 1,5m, soi thông ruột. Đầu cần là mấu đã được khoét thành khe và đục 3-4 lỗ nhỏ, đủ để rượu thấm mà không mang theo bã hoặc trấu. Cắm vào ché sao cho vừa tầm của người ngồi uống và cần không bị tắc, đó cũng là cái khéo của người cắm cần. Sau khi gài lá là đổ nước vào cho đầy đến miệng ché. Nước uống rượu phải là nước suối tinh khiết lấy vào buổi sáng sớm, đổ trước khi uống từ 5-7 tiếng để rượu đủ ngấm. Nước đã đổ, cần rượu đã cắm, nhưng vẫn còn một nghi thức cuối cùng đó là bẻ một thanh nứa nhỏ đặt ngang lên miệng ché, ở giữa thanh nứa lại bẻ một cọng nhỏ gập xuống mặt nước khoảng chừng 2-3 đốt ngón tay làm cữ, gọi là “ keang drô”. Uống hết một keang là được tiếp thêm nước. Trước khi vào cuộc, chủ nhà hoặc chủ lễ sẽ khấn xin phép các Yàng để mọi người được uống rượu. Già làng hoặc chủ lễ sẽ uống keang rượu đầu tiên, sau đó lần lượt theo thứ tự già trẻ, lớn bé, nam nữ. Nếu có khách, người đó được mời cầm cần đầu tiên.
Có thể thấy rằng uống rượu cần là một nét văn hóa đẹp của người Tây Nguyên. Ngoài ý nghĩa rượu cần như là một thứ kết nối và là một tế phẩm không thể thiếu của người Tây Nguyên với Yang và các thần linh, nó còn biểu hiện đầy đủ tính tập thể của cộng đồng, lòng mến khách của gia chủ. Trong khi uống rượu, nam nữ có thể múa hát, chơi cồng chiêng, nhảy điệu xoang. Các nghệ nhân già kể chuyện cổ tích, về Yang và những luật lệ của dân tộc mình. Men rượu cần nhẹ là thế nhưng lại tạo nên cảm giác say ngà ngà, lâng lâng vì vậy ai đã từng đến với Tây Nguyên và một lần được nếm hương vị của men rượu cần thì không thể nào quên.
Trang Trần