Sa thải người lao động không dễ
Sa thải là hình thức xử lý kỷ luật (XLKL) nghiêm khắc đối với người lao động (NLĐ) được quy định trong Bộ luật Lao động khiến cho NLĐ mất việc làm, mất uy tín... và gặp nhiều khó khăn trong việc tìm công việc mới. Chính vì vậy, sa thải luôn tiềm ẩn tranh chấp phát sinh giữa NLĐ và người sử dụng lao động (NSDLĐ). Thực tế, vì nhiều lý do khác nhau, không ít trường hợp NSDLĐ đã thua kiện vì sa thải NLĐ trái với quy định của pháp luật. Ths. LS Lê Ngô Hoài Phong, Trưởng CN Văn phòng Luật sư Phạm và Liên Danh tại Đà Nẵng chia sẻ rõ hơn về vấn đề này như sau: có 4 vấn đề mà NSDLĐ cần phải quan tâm khi sa thải NLĐ. Một là, chỉ được XLKL lao động khi NLĐ có hành vi vi phạm được quy định trong nội quy lao động và không trái với quy định của pháp luật. Cụ thể, NSDLĐ chỉ có quyền sa thải NLĐ khi: NLĐ có hành vi trộm cắp, tham ô, đánh bạc... trong phạm vi nơi làm việc, tiết lộ bí mật kinh doanh và công nghệ, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của NSDLĐ, có hành vi gây thiệt hại nghiêm trọng hay đe dọa gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng về tài sản, lợi ích của NSDLĐ; hoặc NLĐ đã bị XLKL kéo dài thời hạn nâng lương mà tái phạm trong thời gian chưa xóa KL hoặc bị XLKL cách chức mà tái phạm; hoặc NLĐ tự ý bỏ việc 5 ngày làm việc cộng dồn trong phạm vi 30 ngày kể từ ngày đầu tiên tự ý bỏ việc hoặc 20 ngày làm việc cộng dồn trong phạm vi 365 ngày kể từ ngày đầu tiên tự ý bỏ việc mà không có lý do chính đáng. Hai là, không được sa thải trong một số trường hợp đặc biệt dù NLĐ rơi vào một trong các trường hợp trên. Cụ thể, NSDLĐ không được sa thải NLĐ trong thời gian nghỉ ốm đau, điều dưỡng; nghỉ việc được sự đồng ý của NSDLĐ; đang bị tạm giữ, tạm giam; đang chờ kết quả của cơ quan có thẩm quyền điều tra xác minh và kết luận đối với hành vi vi phạm trộm cắp, tham ô, đánh bạc...; lao động nữ có thai, đang trong thời gian nghỉ thai sản; NLĐ là cha đẻ, mẹ đẻ hoặc cha nuôi, mẹ nuôi hợp pháp đang nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi. Ba là, cần lưu ý đến thời hiệu XLKL: thời hiệu XLKL sa thải là 6 tháng kể từ ngày xảy ra hành vi vi phạm, nếu vi phạm liên quan trực tiếp đến tài chính, tài sản, tiết lộ bí mật công nghệ, bí mật kinh doanh thì khoản thời hạn này là 12 tháng; khi trong thời hiệu XLKL nhưng NSDLĐ không thể thực hiện XLKL được vì các lý do đã nêu trên thì thời hiệu XLKL sa thải sẽ được gia hạn thêm tối đa 60 ngày kể từ ngày các sự kiện này chấm dứt. Bốn là, phải tuân thủ trình tự, thủ tục XLKL: NSDLĐ phải chứng minh được lỗi của NLĐ; phải gửi thông báo bằng văn bản ít nhất 5 ngày làm việc trước khi tiến hành cuộc họp XLKL sa thải cho tổ chức đại diện tập thể lao động tại cơ sở, NLĐ (nếu NLĐ dưới 18 tuổi thì phải có sự tham gia của cha, mẹ hoặc người đại diện theo pháp luật); trong trường hợp NSDLĐ đã 3 lần thông báo bằng văn bản mà một trong các thành phần tham dự không có mặt thì NSDLĐ được tiến hành cuộc họp vắng mặt họ; việc XLKL lao động phải được lập thành biên bản, được ký bởi những người tham dự và người lập biên bản, nếu có người không ký vào biên bản thì phải ghi rõ lý do.
Chuyên mục này có sự hợp tác về chuyên môn của CN Văn phòng Luật sư Phạm và Liên Danh tại Đà Nẵng. Đường dây nóng hỗ trợ tư vấn: 0236.3572456; 0905102425