Sài Gòn quen và lạ...

Thứ ba, 09/06/2015 08:46

(Cadn.com.vn) - Trở lại Sài Gòn-thành phố Hồ Chí Minh lần này đối với tôi thật nhiều cảm xúc khó tả. Sài Gòn vừa quen mà vừa lạ. Nói quen, bởi tôi đã đến với Sài Gòn cách đây gần 20 năm. Nhưng thật ra trước đó, tôi đã đến Sài Gòn lần đầu tiên vào năm 1995, khi đang làm phóng viên báo Quảng Nam- Đà Nẵng...

Sài Gòn những ngày cuối tháng 5 bầu trời đầy nắng, nhưng thời tiết lại khá dễ chịu, nhiệt độ trung bình 29 độ C. Buổi chiều, những cơn mưa đầu mùa nặng hạt bắt đầu đổ xuống nhưng chỉ sau thoáng chốc trời lại ráo hoảnh. Bây giờ, Sài Gòn đã bắt đầu vào mùa mưa nhưng khác với những cơn mưa thối đất ở xứ Quảng quê mình hay dầm dề như cố đô Huế. Tôi bất chợt khe khẽ “Nắng Sài Gòn anh đi mà chợt mát, bởi vì em mặc áo lụa Hà Đông, anh vẫn yêu màu áo ấy vô cùng...” (Áo lụa Hà Đông- Ngô Thụy Miên).

Ấn tượng đầu tiên của tôi khi máy bay hạ độ cao để chuẩn  bị đáp xuống sân bay Tân Sơn Nhất là chiêm ngưỡng thành phố như ngàn sao đang lấp lánh ánh đèn. Những ngã đường ánh sáng lung linh, huyền diệu giăng giăng như mắc cửi dưới mặt đất, như những dòng sông ánh sáng nhập nhòa dưới cánh bay chảy dài như vô tận... Gần 12 giờ khuya mà thành phố chưa chịu đi ngủ. Dân Sài Gòn thức khuya lắm. Có những  con phố “Tây” như Phạm Ngũ Lão, khách đến ăn uống, trò chuyện nhộn nhịp cả đêm.

Tác giả (ngoài cùng bên trái) tham quan địa đạo Củ Chi.

Sài Gòn với những con phố quen đối với tôi cách đây mấy chục năm ở các quận trung tâm thành phố như Nguyễn Đình Chiểu, Nguyễn Huệ, Lý Chính Thắng,... bây giờ nhiều nhà cao tầng, cao ốc, trung tâm thương mại đã mọc lên, khách thập phương đến tham quan, du lịch, giao lưu, buôn bán tấp nập. Khu phố đi bộ Nguyễn Huệ vừa khánh thành vào dịp kỷ niệm 40 năm ngày giải phóng thành phố 30-4 vừa rồi, trước đây chỉ là đường hoa Nguyễn Huệ vào những dịp Tết, ngày lễ đông nghịt khách thập phương tụ họp về vui chơi, giải trí, tay trong tay dìu dắt nhau đi ánh đèn màu sặc sỡ.

Anh bạn thân tên Ánh, dân gốc Quế Sơn, Quảng Nam vào Sài Gòn làm ăn đã mấy chục năm nay, lâu ngày gặp nhau bèn quyết định chọn một vị trí khá đặt biệt để hai đứa ngắm toàn cảnh thành phố về đêm từ trên cao. Đó là tòa nhà cao nhất thành phố, tòa nhà Bitexco, cao 68 tầng. Nghe đâu đây còn là tòa nhà cao nhất Việt Nam tính đến thời điểm hiện nay. Nơi đây vừa là trung tâm thương mại, căn hộ cao cấp, văn phòng làm việc,... Ngồi nhâm nhi ly cà-phê đen đá Sài Gòn trong một quầy bar nhìn xuống toàn cảnh Sài Gòn thật huyền dịu trong một đêm thành phố rực rỡ ánh đèn, những ngã đường như  những vệt ánh sáng kéo dài bất tận.

Kìa là hầm Thủ Thiêm đi dưới lòng sông Sài Gòn qua Q. 2 đang bắt đầu phát triển, kia là bến Nhà Rồng nơi lưu giữ những kỷ vật của người thanh niên Nguyễn Tất Thành–Nguyễn Ái Quốc đi tìm đường cứu nước. Và, nhìn theo phương gần thẳng đứng xuống phía dưới tòa nhà, phố đi bộ Nguyễn Huệ lung linh ánh sáng và miên man dòng người như bức tranh tuyệt đẹp. Một ấn tượng in đậm trong mắt tôi là Sài Gòn có rất nhiều cây xanh. Những hàng xà cừ, sao đen cổ thụ cao vút, tỏa bóng mát xum xuê những ngã đường trung tâm thành phố như những bàn tay khổng lồ ôm ấp phố xá thân quen.

Chúng tôi chọn xe buýt để về Củ Chi - đất thép thành đồng của  Sài Gòn- Gia Định một thời, của địa đầu phía Nam Tổ quốc trong chiến tranh chống đế quốc Mỹ xâm lược. Ngồi trên xe buýt, tình cờ gặp một anh chàng dân Củ Chi chính gốc nói như khoe với tôi: Củ Chi bây giờ không sản xuất nông nghiệp bằng lúa mà chủ yếu bằng chăn nuôi, chủ yếu là nuôi bò theo trang trại và trong từng hộ gia đình, chỉ có một ít trồng câu cao su mà thôi. Thành phố đang đầu tư một dự án khá lớn, nghe đâu 500 ha để xây dựng công viên thanh niên của thành phố, vừa giảm áp lực cho vùng nội thị vừa phát triển vùng đất Củ Chi giàu truyền thống cách mạng đang còn khó khăn, chật vật... Tham quan Địa đạo Củ Chi, trong mắt tôi như được tái hiện gần như toàn bộ những sự kiện, hình ảnh một thời chiến tranh oanh liệt của quân và dân đất thép.

Và có đến đây, tôi mới thấu hiểu hết sự ác liệt của chiến tranh và sự hy sinh gian khổ của nhân dân Củ Chi một thời anh hùng, mà trước đây chỉ hình dung qua sách báo. Một cô bạn mới quen bên quán cà-phê cóc buổi sáng trên đường Nguyễn Đình Chiểu bảo rằng quê ngoại cô ở Đà Nẵng. Và cô rất yêu, rất nhớ về mảnh đất bên sông Hàn thơ mộng. Dù ở Sài Gòn, nhưng mỗi khi gặp một người quen nói giọng Quảng là lòng cô lại nhớ những ngày thơ ấu ở quê ngoại, muốn quay về thăm cố hương. Cô bảo, em xem truyền hình, đọc báo, thấy Đà nẵng bây giờ phát triển nhanh quá, thành phố của những cây cầu rất đẹp, có những bãi biển thơ mộng, quyến rũ. Nghe cô  xuýt xoa khen lấy khen để, lòng tôi cảm thấy tự hào về Đà Nẵng - mảnh đất quê hương mình đang sống, lao động cống hiến.

Xa Sài Gòn trên chuyến bay đêm để trở về Đà Nẵng, thành phố đang rực rỡ sắc màu lùi dần ở phía sau theo cánh bay, lòng bỗng lâng lâng cảm xúc khó tả. Sài Gòn lạ mà quen, xa xôi mà vẫn ở gần bên tôi.

 Đinh Văn Dũng