Sai phạm ở Trường THPT Lê Quý Đôn (Chư Prông, Gia Lai)
(Cadn.com.vn) - Vừa qua, Văn phòng thường trú Báo Công an TP Đà Nẵng tại Gia Lai nhận được thông tin về những sai phạm nghiêm trọng xảy ra tại Trường THPT Lê Quý Đôn (H. Chư Prông, Gia Lai): lãnh đạo nhà trường đã tổ chức khai khống nhằm hợp pháp hóa hóa đơn chứng từ quyết toán; cắt xén tiền trợ cấp của học sinh miền núi và lợi dụng danh nghĩa “xã hội hóa giáo dục”, núp bóng ban đại diện hội cha mẹ học sinh để thu nhiều khoản tiền ngoài ngân sách với số tiền lên đến hàng trăm triệu đồng...
![]() |
Trường THPT Lê Quý Đôn, nơi để xảy ra nhiều vi phạm về công tác quản lý tài chính. |
Ngày 10-5, tại buổi làm việc với ông Nguyễn Văn Giới, Hiệu trưởng Trường THPT Lê Quý Đôn, chúng tôi đặt vấn đề có hay không việc lập hóa đơn khống với số tiền gần 28 triệu đồng vào tháng 6-2011 nhằm chi cho 6 khoản sửa chữa tài sản nhà trường, gồm: Thay tôn hỏng phòng học lớp 8, thay la phông phòng thí nghiệm, nhân công, xi măng, cát tô và đá nền? Ông Giới thừa nhận: “Việc lập hóa đơn này là có. Thực tế số tiền gần 28 triệu là nguồn tiền trong ngân sách, do trước đó 2 học kỳ trong năm 2009, nhà trường trích để duy trì hoạt động ngoài giờ lên lớp nhằm kích thích nhu cầu học tập của các em bằng các phần thưởng... Do vậy, nguồn chi trên không thể làm được quyết toán với kho bạc. Năm 2011, kho bạc mới hướng dẫn cho kế toán nhà trường hợp pháp hóa nguồn chi bằng cách lập hóa đơn chứng từ khống vào mục có mã số 6907(mục sửa chữa duy tu trường học) như trên nhằm để thanh toán hợp lý hóa đơn chứng từ”.
Không chỉ làm “ảo thuật” hóa đơn để bù chi, 1.291 học sinh của trường được hưởng chế độ chính sách hỗ trợ học tập cho học sinh miền núi theo Nghị định 49/NĐ-CP cũng bị nhà trường bớt xén. Nghị định 49 quy định mỗi em được hưởng 350 ngàn đồng/5 tháng nhưng thực tế các em chỉ nhận 340 ngàn đồng. Lý giải về điều này, hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Ngay sau khi nhận tiền trợ cấp từ Phòng LĐ-TB-XH về, kế toán nhà trường là Lê Thị Lan nói với tôi nên trích lại 10 ngàn đồng/em để làm quỹ chi cho khoản văn phòng phẩm của nhà trường. Nghe vậy, tôi phân vân không trả lời nhưng chỉ nói là nên trả tiền cho các em kẻo để ở két sợ mất tiền (năm 2009, nhà trường từng mất két sắt với số tiền 168 triệu đồng-PV). Nhưng ngày sau, tôi đã có cuộc họp và chỉ đạo cho kế toán trả đủ số tiền 350 ngàn đồng/1 học sinh”.
Song theo cô Lan, sau khi “tham mưu” cho thầy hiệu trưởng về việc trích lại 10 ngàn đồng, thầy Giới đồng ý và nói rằng chi lại từ 10 đến 15 ngàn đồng cũng được, nhưng cô Lan nói mức 10 ngàn đồng là hợp lý và ngay trong ngày 15-6-2011, cô đã cùng với các giáo viên tổ chức phát số tiền 340 ngàn đồng cho 660 học sinh. Một ngày sau khi thầy hiệu trưởng có ý kiến chỉ đạo nên trả đủ số tiền 350 ngàn đồng thì có 70 em đến nhận thêm 10 ngàn đồng do ngày trước nhận chưa đủ và đến nay vẫn còn 561 em chưa nhận thêm 10 ngàn đồng bởi rất nhiều trong số này đã ra trường...
Bên cạnh đó, lợi dụng chính sách “xã hội hóa giáo dục”, đại diện hội cha mẹ học sinh, nhà trường cũng “lạm thu”, chi nhiều khoản ngoài ngân sách trái quy định của ngành, UBND tỉnh Gia Lai, gây không ít bức xúc cho phụ huynh, học sinh. Cụ thể: năm học 2011-2012 thu hơn 162 triệu đồng từ quỹ hội phụ huynh học sinh (trong đó HS lớp 10, 11 thu 100 ngàn đồng, lớp 12 thu 200 ngàn đồng/1 học sinh); thu tiền in sao giấy của mỗi học sinh 100 ngàn đồng/1 năm, tổng mức thu 132 triệu đồng; tiền ghế đóng từ đầu năm lớp 10 dùng cho 3 năm với số tiền 30 ngàn đồng/1 em, tổng số tiền 15 triệu đồng; tiền vệ sinh và nước uống lên đến 50 ngàn đồng, tổng tiền thu 66 triệu đồng (trong khi UBND tỉnh quy định tiền nước uống chỉ được thu không quá 10 ngàn đồng/1 học sinh)... Tổng tiền thu trong năm qua lên đến 375 triệu đồng và dù gần hết năm nhưng nguồn chi ra rất ít: tiền in sao giấy mới chi 73 triệu đồng; vệ sinh nước uống 19 triệu đồng và quỹ của phụ huynh chi hơn 78 triệu đồng, đặc biệt, riêng phần quà tết cho giáo viên lên đến hơn 18 triệu đồng..
![]() |
Các hóa đơn khống và nhiều chứng từ cho thấy hành vi sai phạm của Lãnh đạo nhà trường |
Nguồn quỹ nhiều là vậy, nhưng theo quan sát của chúng tôi, trường có 3 phòng ở nội trú dành cho học sinh người đồng bào dân tộc thiểu số học nội trú hiện có hoàn cảnh khó khăn chưa được quan tâm đúng mức. Nhà trường đã được UBND tỉnh đầu tư xây dựng nhà nội trú từ năm 2004, đến nay đã xuống cấp, không được duy tu, sửa chữa, vì thế đầu năm học 2011-2012, Hiệu trưởng nhà trường đã cho gần 30 em học sinh người đồng bào phải ra ở trọ bên ngoài, trong khi với số phòng trên, chỉ cần một số tiền nhỏ từ hóa đơn khống mà hiệu trưởng đã thừa nhận đã có thể ổn định chỗ cho các em ăn học.
Kết thúc bài viết, chúng tôi vẫn thắc mắc không biết có chăng sự ngẫu nhiên hay không trong vấn đề lạm thu quỹ, cắt xén tiền trợ cấp chính sách của nhà trường dẫn đến hệ quả trong 2 năm gần đây, tỉ lệ học sinh ở trường bỏ học ở mức cao hơn 9% trên tổng số học sinh theo học (đây là con số cao của tỉnh)... Và, việc thu, chi những khoản ngoài ngân sách, được gọi là “xã hội hóa giáo dục”, liệu đã đúng với những điều kiện cấp thiết của nhà trường hay chưa trong khi học sinh ở đây hoàn cảnh còn quá khó khăn? Có lẽ câu trả lời nằm ở các cơ quan chức năng liên quan mới có thể giải đáp dư luận, bức xúc của phụ huynh, học sinh.
Hoàng Lịch