Sai phạm ở Trường tiểu học Lê Lai (2)

Thứ năm, 13/12/2007 00:00

Kỳ 2: Ban Giám hiệu buông lỏng
công tác quản lý

Các bài liên quan:

>>> Nhân viên bảo vệ bị trù dập, chấm dứt hợp đồng

>>> Ban Giám hiệu buông lỏng công tác quản lý

 

(Cadn.com.vn) - Theo đơn khiếu nại của ông Ngọ gửi cho Báo Công an TP Đà Nẵng, Trường TH Lê Lai (Q.Hải Châu, TP Đà Nẵng) có những sai phạm sau: nội bộ nhà trường có hiện tượng bè phái, thiếu dân chủ; lãnh đạo xử sự có tính thiên vị, thiếu khách quan, không công tâm dẫn đến mất đoàn kết nội bộ. BGH có nhiều sai phạm trong công tác dạy bồi dưỡng HS giỏi khối lớp 3, 4, 5; thiếu công khai, minh bạch trong thu chi tài chính, cắt xén khẩu phần ăn bán trú của HS, thu tiền quỹ PHHS và sử dụng không rõ ràng; không phải là GV trong trường và không đứng lớp nhưng vẫn được nhận 35% tiền đứng lớp. Cũng theo ông Ngọ, sự vi phạm này có tính hệ thống và kéo dài trong nhiều năm (từ năm 2004-2007)...

Quá trình xác minh vụ việc, chúng tôi nhận thấy, một số nội dung ông Ngọ phản ánh là có cơ sở. Ví dụ, việc 2 cán bộ của Phòng GD-ĐT Q. Hải Châu không phải là giáo viên trong trường nhưng vẫn nhận lương và 35% tiền đứng lớp là sai về nguyên tắc. Bà Hoàng Thị Ban Mai - kế toán của trường - cho biết, bà chỉ làm theo mệnh lệnh cấp trên. Những người này do Phòng GD-ĐT quận gửi lương về. Đầu tháng 1-2007, kể từ khi ông Nguyễn Đăng Ngưng về nhận công tác Trưởng Phòng GD-ĐT Q. Hải Châu, việc làm này đã được chấm dứt.

Liên quan đến hiện tượng cắt xén khẩu phần ăn của HS bán trú qua xác minh là có thật. Ngay trong đợt thanh tra lần I, Đoàn Thanh tra của Phòng GD-ĐT Q. Hải Châu cũng đã xác định điều này. Cụ thể, trong năm học 2006-2007 đã có 17 CBNV của trường ăn trưa với HS nhưng không nộp tiền. Sau khi có thông báo kết luận của đoàn thanh tra đợt I, ngày 26-11-2007, Hiệu trưởng Trường TH Lê Lai Thái Văn Lành đã có báo cáo giải quyết các kiến nghị của Thanh tra Phòng GD-ĐT, trong đó có viết “nhà trường sẽ truy thu tiền ăn trưa của CBNV phục vụ công tác bán trú của trường kể từ năm học 2006-2007 (9 tháng) với mức đóng 50.000 đồng/người/tháng. Tất cả số tiền này sẽ được nhập vào quỹ ăn bán trú của trường. Riêng Hiệu trưởng sẽ gương mẫu truy thu tiền ăn trong 3 năm học từ 2004-2007”... Tuy nhiên, khi trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, nhiều CBNV cho biết, từ ngày 27-2-2007 trở về trước, chuyện cơm nước của CBNV ở lại trưa không đàng hoàng, đầy đủ. Sau khi cho HS ăn xong, nếu còn phần cơm canh thì họ mới ăn, nếu hết thì nhịn. Khi bà Vân làm Hiệu phó, bắt đầu từ ngày 27-2-2007, CBNV ở lại trưa mới có khẩu phần ăn chính thức.

Theo họ, nếu có truy thu thì nên truy thu tiền ăn kể từ ngày 27-2 cho đến hết năm học 2006-2007. Riêng về 800kg gạo thừa của HS nhà trường đã sử dụng vào việc khác do Trưởng Ban thanh tra nhà trường (cũ) phản ánh, qua kiểm tra sổ sách trong đợt thanh tra lần I, Đoàn Thanh tra Phòng GD-ĐT cho rằng, trong sổ sách không thể hiện số gạo dôi dư trên. Song, trong sổ theo dõi cá nhân do thủ quỹ Phạm Thị Trâm cung cấp lại thể hiện số tiền dôi dư. Cụ thể, từ ngày 5-11-2004 đến 31-1-2005, số tiền thu vào là 2.865.000 đồng, chi ra là 2.825.000 đồng. Từ thời điểm 8-4-2005 đến 1-5-2005, số tiền thu vào 1.960.000 đồng, chi ra 1.240.000 đồng, tồn quỹ 720.000 đồng. Theo đoàn kiểm tra, “trong sổ này không cộng phần thu, chi, đoàn kiểm tra tự cộng và rút số dư các khoản thu không có người ký nộp và hầu hết các khoản chi không có người ký nhận (chỉ có chữ ký của ông Lành - Hiệu trưởng ký nhận tạm ứng số tiền 600.000 đồng). Sổ này chỉ có cô Trâm giữ theo dõi, tự ghi chép, kể cả phần thu và phần chi, sổ không có dấu giáp lai. Về mặt nguyên tắc tài chính, các khoản thu chi trên là sai, đề nghị nhà trường thu hồi số tiền này là 4.825.000 đồng, nộp vào quỹ bán trú và báo cáo về Phòng GD-ĐT”...

Về việc bà Lê Ái Nguyệt không làm thư ký HĐSP nhưng vẫn hưởng tiền thư ký HĐSP, được biết, trước đây bà Hương - nguyên nhân viên thư viện của trường - làm thư ký HĐSP. Đầu năm học 2006-2007, sau khi có quy định những người không trực tiếp đứng lớp không được làm thư ký HĐSP, nhà trường đã bàn giao công việc này cho bà Nguyệt. Do đã 53 tuổi, lại bị đau tay nên bà Nguyệt thỏa thuận với bà Hương viết giúp mình. Bà Nguyệt trên danh nghĩa là thư ký HĐSP nhận số tiền bồi dưỡng này, sau đó giao lại cho bà Hương. Đến học kỳ II năm học 2006-2007, bà Hương được đứng lớp nên không có việc nhận thay như trên nữa.

Về việc BGH cùng một cán bộ ở Phòng GD-ĐT dạy bồi dưỡng HSG lớp 3, 4, 5 mà ông Ngọ phản ánh là có thật. Ông Lành và bà Vân cho biết, việc BGH tham gia dạy bồi dưỡng HSG đã có từ thời Hiệu trưởng (cũ), các giáo viên không có ý kiến gì. Thậm chí, đó cũng là nguyện vọng của giáo viên để họ dành thời gian đầu tư cho công tác chuyên môn và quản lý lớp. Và thực tế nhiều năm nay, Trường TH Lê Lai luôn dẫn vị thứ cao trong phong trào thi HS giỏi cấp TP.

Việc thu tiền quỹ cha mẹ HS và sử dụng không rõ ràng, trong đợt thanh tra đầu tiên, Đoàn Thanh tra đã làm rõ vấn đề này, cụ thể: “Đầu năm học 2005-2006, nhà trường có thu tiền của PHHS nhưng khi có chủ trương của UBND TP không cho phép thu, nhà trường đã trả lại cho PHHS. Đến tháng 1-2006, Hội PHHS đã kêu gọi ủng hộ mỗi HS 25.000 đồng với tổng số tiền là 20.825.000 đồng. Hội PHHS đã gửi số tiền này cho bà Trâm là thủ quỹ giữ nhằm phục vụ các hoạt động của nhà trường, tuy nhiên các chứng từ chi là do Hiệu trưởng ký duyệt, không có chữ ký của Hội trưởng Hội PHHS là không đúng thủ tục...”.

Những sai phạm, lỏng lẻo trong công tác quản lý tài chính của Trường TH Lê Lai chỉ được phát hiện, tố giác sau khi có chủ trương cắt giảm 1 nhân viên bảo vệ. Qua các sự việc nói trên, có thể thấy, BGH nhà trường mà trực tiếp là ông Hiệu trưởng đã không có phương pháp xử lý, giải quyết dứt điểm những vấn đề phát sinh trong nội bộ. Chúng tôi mong rằng, Đoàn Thanh tra Phòng GD-ĐT Q. Hải Châu sớm có kết luận trong đợt thanh tra lần II (đã diễn ra khoảng 10 ngày qua) để trả lại môi trường sư phạm yên lành cho CBGV, CNV của Trường Lê Lai yên tâm dạy học.

Phương Thuỷ