Săn cây trong rừng

Thứ tư, 25/02/2009 00:00

(Cadn.com.vn) - Họ lùng sục trong rừng, sống chung với muỗi và rắn, sẵn sàng treo mình trên vách đá chỉ nhằm mục đích duy nhất là tìm được một cây cảnh đẹp. “Thà để người trầy vi tróc vẩy chứ không để cây trầy da, gãy thế” - đó là phương châm trong nghề của “dân săn cây cảnh” ở các xã Đại Đồng, Đại Lãnh (Đại Lộc- Quảng Nam).

Hiểm nguy nghề săn cây

Dù đã được vợ chuẩn bị rất kỹ cho lương thực và các vật dụng cần thiết cho một chuyến đi rừng nhưng trước giờ lên đường, anh Bùi Lương Thân (Đại Hồng- Đại Lộc) vẫn cẩn thận kiểm tra lại cho chắc. Thứ không thể thiếu cho chuyến đi săn cây cảnh của anh là một con dao bén và lưỡi cưa, hai thứ đã gắn bó, thiết thực với anh mấy chục năm đi rừng. Đã có 22 năm kinh nghiệm trong việc “săn cây” nên giờ anh Thân được nhiều người ở Đại Đồng tôn lên hàng “sư phụ săn cây thế”. Ai phát hiện được cây cảnh đẹp trong rừng cũng nhờ anh đến nhìn thế cây rồi mới bứng đem về. Anh Thân kể: “Tôi bắt đầu tìm cây cảnh trong rừng cũng vì thú vui thôi.

Anh Thân bên vườn cây đã săn được từ rừng. Ảnh: H.A  

Trước đây, khi đi trầm hoặc làm rẫy tôi thường để ý cây nào đẹp, có thế thần là bứng đem về. Nhưng đem được một cây về nhà là khổ lắm, có lúc nguy hiểm đến tính mạng, còn việc bị rắn cắn, trầy da là chuyện bình thường”. Để có được một cây cảnh ưng ý, dân săn phải lùng sục trong rừng 2 - 3 ngày, họ dầm mưa dãi nắng chấp nhận sống chung với muỗi và rắn để tìm cây. Nếu phát hiện cây nào nhỏ vừa sức thì bứng đem về ngay, còn cây nào thuộc dạng đại thụ thì phải quay về huy động thêm lực lượng. “Có một lần, tôi đi trong rừng 2 ngày liền mà không tìm được cây nào ưng ý, đến khi định quay về thì lại thấy trên vách núi có một cây sanh rất đẹp, thế là tôi quyết lấy cho bằng được. Tôi dùng dây rừng buộc vào người, rồi leo lên cưa, sau hơn nửa tiếng đồng hồ tôi mới hạ được cái cây ấy. Nói dại, chứ lúc đó mà dây rừng bị đứt thì tôi tiêu rồi. Chừ nhớ lại mới thấy... sợ”- anh Thân kể lại một kỷ niệm đi săn cây của mình.

Loại cây rừng thường được dân săn truy tìm nhiều nhất là sanh, si, sung hoặc khế rừng, sộp và lộc vừng... vì những cây này luôn được người chơi cây cảnh tìm mua. Để bán được cây, dân săn thường giữ nguyên thế đứng tự nhiên của nó và cố tránh không làm trầy xước vỏ cây. Anh Lê Hoàng Vũ (ở Đại Đồng) là một người săn cây kể: “Vừa rồi, tôi  tìm được một cây sộp rất to, nên phải huy động mấy chục thanh niên trong làng vào khiêng. Đường rừng thì nhỏ mà cây lại to, để giữ cho cây không bị trầy xước nên nhiều người bị té ngã, chảy cả máu. Đi một ngày đường chúng tôi mới ra được đến bìa rừng, khi đưa lên xe công nông để chở về nhà thì cái cây nặng quá đã làm cho xe lao xuống vực. Thế là mất luôn cả xe lẫn cây, may mà lúc đó mọi người tránh được, nếu không chết như chơi”.

 Xa rừng, cây đứng giữa phố chơ vơ. (Ảnh chụp tại một điểm bán cây cảnh tại cầu vượt Hòa Cầm).

Người giàu - rừng nghèo

Phong trào săn cây cảnh trong rừng rộ lên từ vài năm trở lại đây kể từ khi có nhiều khu du lịch và ngôi biệt thự ở thành phố được xây dựng nên có nhu cầu về cây cảnh rất lớn để tạo cảnh quan. Nắm bắt được nhu cầu này, người dân ở các vùng núi đã vào rừng săn cây cảnh để bán vì vậy rất nhiều người nhờ đó mà thoát nghèo. Nếu như trước đây, người dân ở các xã Đại Đồng, Đại Lãnh (Đại Lộc) trồng lúa cả năm cũng không đủ ăn thì nay chỉ cần bán được một cây cảnh cổ thụ có thế đẹp là họ đã có đủ tiền chi tiêu. Một cây cảnh nhỏ có thế đứng đẹp thường được bán với giá 5 triệu đồng, còn những cây to thì giá cao hơn nhiều. Anh Thân tâm sự: “Trước đây nhà tôi khó khăn lắm nhưng nhờ sau này bán được cây cảnh nên có khá hơn. Một năm cũng thu được vài chục triệu. Mới vừa rồi tôi bán 2 cây khế rừng cho một quán cà-phê ở Đà Nẵng với giá 8 triệu đồng. Cũng nhờ cây cảnh tôi mới có thể nuôi được hai đứa con học đại học”. Phần lớn những cây cảnh được người dân khai thác từ rừng, khi đã được nuôi sống là có nhiều đầu mối ở khắp nơi đến mua. Vì vậy, người đi săn cây không sợ bị “ế hàng”, đôi khi họ còn chờ cho giá thật cao rồi mới bán...

Điều đáng tiếc là vì nguồn lợi từ việc khai thác cây cảnh trong rừng lớn nên nhiều người đổ xô đi tìm cây. Nhiều người không biết gì về cây cảnh cũng đi... săn! Họ thấy cây nào có trong “danh sách” là bứng, không cần biết cây đó đẹp hay xấu và do không biết cách nên khi đem cây về đến nhà là chết. Chính vì thế mà chỉ trong một thời gian ngắn, các cánh rừng ở Đại Lộc đã hết sạch các loại cây cảnh. Bây giờ, muốn tìm được cây cảnh phải vào sâu trong rừng, hoặc tuốt lên núi cao mới có. Việc săn cây tuy vất vả nguy hiểm nhưng mang lại nguồn kinh tế lớn cho gia đình nên hiện nay ở Đại Lộc vẫn còn rất nhiều người theo đuổi nghề này.

Lưu Hoàng Anh