"Săn" lộc trời

Thứ năm, 10/12/2020 17:57

Cứ vào dịp tháng 9 đến tháng 11 (ÂL) hàng năm, khi thời tiết se lạnh cũng là lúc người dân xã Châu Nhân (H. Hưng Nguyên, Nghệ An) lại hì hục ra đồng vây lưới "săn" lộc trời. Đó là loài rươi - loại thủy sản mang lại giá trị kinh tế và thu nhập khá cho người nông dân. 

Ban ngày người dân sửa sang ruộng và vớt những con rươi còn sót lại.

Xã Châu Nhân được mệnh danh là "rốn lũ" của tỉnh Nghệ An. Hàng năm cứ đến mùa mưa bão, tầm tháng 7, 8 (ÂL), nơi đây được xem là "túi đựng nước" của cả tỉnh. Chỉ cần vài ngày mưa to, nước sông Lam dâng cao là xã này lại chìm trong biển nước. Cũng bởi vậy, cuộc sống người dân nơi đây khá vất vả, phải chấp nhận sống chung với lũ. Trung bình mỗi năm, bà con nông dân chỉ làm một vụ lúa, vụ còn lại dành công sức và thời gian để đi "săn" lộc trời.

Từ sáng sớm, bà con xóm 1 xã Châu Nhân đã đổ ra đồng để đắp lại "trẹm" (nơi dẫn nước từ ruộng ra mương tưới tiêu), chỉ cho một lượng nước vừa phải vào ruộng; sửa lại những tấm lưới buộc vào cọc tre đã giăng và cắm sẵn trước đó để vớt rươi. Rươi xuất hiện nhiều vào các buổi chiều tối (từ 18-20 giờ) vào ngày rằm và mùng 1 (ÂL) và một số ngày trong tháng. Khi nước thủy triều sông Lam dâng lên chảy vào ruộng là rươi từ dưới bùn sẽ dần ngoi lên. Nước bắt đầu rút ra cũng là lúc rươi theo nước ra ngoài. Người dân đắp "trẹm" lại, vây lưới cao chừng 1 mét ở cửa ruộng và chỉ cần lấy vợt vớt rươi cho vào xô. Rươi ở ruộng nhà nào, nhà đó vớt và thương lái sẽ đến mua rươi ngay tại ruộng. 

Hôm nay, gia đình ông Phan Đình Phượng may mắn hơn những gia đình khác, chỉ trong chừng 1 giờ đồng hồ, gia đình ông vớt được 2kg rươi. Theo giá mua tại ruộng 400 nghìn đồng/kg, gia đình ông bỏ túi gần 1 triệu đồng. "Không biết nghề vớt rươi có từ bao giờ, chỉ biết rằng khi sinh ra là đã thấy ông cha mình đi bắt rươi để làm mắm. Tôi cũng làm rươi được 20 năm nay. Làm rươi quan trọng là lượng nước vào ruộng, khi nước vào một lượng vừa đủ thì phải đắp "trẹm" lại để rươi ngoi lên và tranh thủ vớt. Làm rươi, việc canh thời điểm để cho nước vào ra cũng rất quan trọng vì có đủ lượng nước thì rươi mới ngoi lên. Có hôm, nhiều nhà vớt được khoảng 1,5 - 2 yến rươi, thu nhập được 6-8 triệu đồng" - ông Phượng thông tin. 

Theo kinh nghiệm của ông Phượng thì phải có nước mặn rươi mới từ đất ngoi lên. Khi vớt phải nhẹ tay nếu không sẽ làm cho rươi bị vỡ và chết. Ngoài ra, vớt được rươi nhiều hay ít phụ thuộc vào sự may mắn của mỗi người, ruộng nhiều hay ít bởi rươi sinh sản hằng ngày từ trong lòng đất và chỉ ngoi lên khi có nước mặn vào ruộng. Cứ tầm 40 con rươi sẽ cân được 1 lạng và có giá 40 nghìn đồng, tính ra mỗi con bằng đầu đũa có giá 1 nghìn đồng. Bởi vậy, đi vớt rươi nổi vào buổi ngày được người dân gọi là đi nhặt bạc lẻ còn ban đêm mới là thu nhập chính.



Rươi nổi đỏ cả một góc, người dân chăng đèn pin vớt và bán tại ruộng.

Ông Phạm Văn Khánh người có gần 30 năm bắt rươi cho biết: "Ở đây, hầu như nhà ai cũng có ruộng rươi, nhà nhiều, nhà ít. Ruộng nhà ai nhà ấy bao lại để khi thủy triều xuống rươi không chạy sang ruộng nhà khác. Có nguyên tắc bất di bất dịch là rươi vào ruộng của nhà ai thì nhà ấy bắt, không được ai tranh giành của ai. Ai may mắn, siêng năng thì vớt được nhiều, không may mắn thì được ít, đó là lẽ tự nhiên bởi "lộc trời" là trời cho mà".

Trước đây rươi chủ yếu được người dân bắt để ăn, làm mắm để dành. Từ khi trở thành đặc sản thì giá trị của nó tăng gấp đôi, gấp ba. Rươi có thể chế biến thành các món chả rươi trứ danh, canh rươi nấu măng, mắm rươi, lẩu rươi... trong các nhà hàng. Cũng bởi có giá trị lớn nên một con rươi cũng được người dân "nhặt" bằng hết.

Chúng tôi trở lại cánh đồng rươi lúc 18 giờ là thời điểm cao điểm người dân ra đồng vớt rươi. Trời chuyển tối, gió ngoài sông thổi vào lạnh tê tái. Khi nước thủy triều bắt đầu rút cũng là lúc người dân đổ ra đồng mỗi lúc một đông, ánh đèn pin sáng rực cánh đồng. Các bà, các chị lội xuống bùn, sục rổ xuống "trẹm" hốt lên, đổ vào xô. Những cánh tay vớt rươi thoăn thoắt, nhịp nhàng như xua tan cái lạnh của mùa đông. Nhiều người do đứng lâu nên mỏi cứng cả lưng nhưng không khí trò chuyện, cười đùa vẫn huyên náo. 

"Rươi là "đặc sản", chúng tôi cũng đã nghĩ đến việc thuần hóa loại thực phẩm đặc sản giàu dưỡng chất này nhưng khu vực này ở ngoài đê Tả Lam, cứ đến mùa lũ là ngập trắng đồng, để nuôi rươi không phải là dễ. Thôi cứ trời cho đến đâu thì nhận đến đấy. Có khi vài tiếng buổi đêm kiếm được tiền triệu, có khi lại được có mấy đồng"-  ông Trịnh Xuân Đào, người có kinh nghiệm 30 năm vớt rươi nói.

DƯƠNG HÓA