Săn mật dưới lòng đất

Thứ sáu, 14/06/2019 14:25

Ánh bình minh lên, cả một khoảng đồi bắt đầu rộn ràng tiếng chim. Đó cũng là lúc loài ong chuyên làm tổ dưới đất đi kiếm ăn. Và cũng là lúc những người thợ chuyên tìm mật của loài ong này bắt đầu hành nghề. Chỉ cần nhìn cánh ong chớp lên giữa ánh mặt trời, người thợ “săn” ong có thể đoán được đàn ong đang đóng mật ở hang nào.

Chỉ cần đào sâu khoảng 30cm, một tổ ong đã được phát hiện.

Tháng 6, nhóm thợ “săn” mật ong phải chạy đua với thời gian khi Tây Nguyên bắt đầu chớm mùa mưa, đàn ong sẽ cạn mật và bắt đầu tách đàn. Tuy nhiên, thời điểm này nếu gặp được tổ ong sẽ bội thu khi những tổ ong cuối mùa đều đầy mật ngọt và phấn hoa... Sau nhiều lần hẹn, nhóm thợ “săn” mật ở H. Chư Prông (Gia Lai) cũng đã gọi điện báo cho tôi về buổi đi “săn”. Không như những cánh rừng của đại ngàn Tây Nguyên khác, vùng đất xã Thăng Hưng (H. Chư Prông) khá nhiều núi đá và đó cũng là nơi loài ong làm tổ trong lòng đất trú ngụ nhiều hơn cả. Khác với những lần đi “ăn mật” ở các cánh rừng già, hai thợ “săn” ong Nguyễn Thành Trung và Kpă Vin đã yêu cầu tôi đến từ sáng sớm bởi đó là thời gian thích hợp tìm loài ong này nhất. Có mặt đúng hẹn, đồ nghề của 2 thợ “săn” ong đơn giản: cuốc để đào, dạo rựa để phát đường đi, tấm màn che mặt và thùng đựng mật. 5 giờ, ánh mặt trời đã le lói phía chân trời, chúng tôi ngược lên ngọn Chư Bôi. Để chiếc xe máy giữa lưng chừng núi, tôi theo chân các thợ “săn” ong đi dọc con suối đã bắt đầu rỉ nước sau vài cơn mưa đầu mùa. “Loài ong này chỉ kiếm ăn từ sáng sớm, khi ánh mặt trời lên cao chúng rút hết về tổ và chỉ vài con đi kiếm ăn. Và đây cũng là thời điểm để có thể tìm được tổ của chúng dễ nhất”, Trung nói.

Ngược lên sườn núi, chếch về phía mặt trời đang lên, Trung và Vin khum bàn tay lại che trước trán để tìm cánh ong bay. “Dưới ánh mặt trời đang lên, từ hướng ngược lại anh sẽ thấy tất cả, kể cả một con kiến bay qua”, Trung nói tiếp. Học theo, tôi cũng khum bàn tay che ánh nắng dọi vào mặt, tất cả mọi vật đều hiện lên dưới ánh bình minh. Trong đó, cánh của những loài côn trùng đều lấp loáng, hiện lên như nhìn qua tấm kính hiển vi. Tuy nhiên, để phân biệt đâu là ong, đâu là côn trùng khác thì chỉ có thợ săn loài ong đất như Trung, Vin mới rõ được. Sau một hồi trò chuyện và ngược núi theo dòng suối, Vin cũng bắt đầu tiết lộ những “bí quyết” săn loài ong này. “Tập tính của ong này thường làm tổ trong những hang mối bỏ đi. Tuy nhiên, chúng rất khôn và thường chọn những sườn núi nghiêng chứ không thẳng đứng bao giờ bởi nơi đó không bị gió thổi, không bị mưa tạt vào ướt. Cứ thế mình sẽ định hình được khu vực nào ong có thể làm tổ rồi bắt đầu đi tìm. Tuy nhiên đó cũng là công đoạn đầu để xác định thôi!”, Vin cười cho biết. Theo lời Vin, người Gia Rai vẫn gọi đây là loại: Dơm Mră (ong mật làm tổ dưới đất) để phân biệt với Hni (ong mật làm tổ trên cây).

Hóa ra, mỗi thợ săn ong đều có bí quyết của riêng mình khi Vin kể thêm: Chỉ cần nhìn, dưới ánh mặt trời đang lên sẽ biết đâu là loài ong này và chúng làm tổ bao xa. Thấy tôi vẫn đang “hoang mang”, Trung tiếp lời và chỉ tay về phía xa giải thích: “Những loài côn trùng thường bay chập chờn dưới ánh nắng nhưng loài ong mật có tổ dưới đất lao vút đi nhanh, phải tinh mắt và nhiều lần đi “săn” như tụi em thì mới biết được. Chỉ cần nhìn cánh ong lấp loáng lao vút xuống là tụi em đã biết tổ của chúng ở hướng nào, cứ thế đi theo tìm thôi”. Vừa dứt lời, tiếng Vin kêu lớn rồi lao nhanh qua bên kia sườn núi. Chúng tôi bám theo, sau vài lần khum tay nhìn về phía trước, Vin cười lớn: “có tổ ong rồi nhé!”. Ngay bên sườn núi cạnh bờ suối che khuất dưới đám cỏ, tiếng vo ve và những tiếng cất cánh đi kiếm ăn của loài ong mật phát từ lòng đất. “Tổ này chắc chắn nhiều mật đây, vì cuối mùa nhưng chúng vẫn đi “ăn” và đi vừa phải”, Trung vui mừng.

Đồ nghề chuẩn bị sẵn, khoác tấm áo ấm dày, Vin lấy tấm màn trùm kín đầu. Vin cười: “Che để khỏi bị ong đốt sưng mặt, xấu trai thôi, chứ anh em mình quen, bị đốt nhiều nên miễn dịch rồi nhưng anh nên tránh ra xa vì lúc đầu đàn ong tấn công dữ lắm”. Những nhát cuốc bổ xuống, đàn ong túa ra tìm kẻ xâm phạm vào tổ của chúng. Đàn ong bâu kín người Vin và Trung và quay qua tấn công cả tôi buộc tôi phải tháo chạy ra xa. Cách mặt đất không xa khoảng 20-40cm, những bánh mật vàng óng đã hiện ra dưới ánh ban mai. Một lát sau, khi bánh mật đầu tiên được gỡ xuống, tiếng Vin gọi tôi quay trở lại. Vin vừa dùng dao gọt nhẹ những phần mật vừa giải thích: “Lúc đầu nó bay ra tấn công dữ dội nhưng khi mình bắt đầu lấy mật thì chúng sẽ bớt tấn công hơn vì chúng vây kín lại để bảo vệ ong chúa”. 2 thợ “săn” nhẹ nhàng cắt từng bánh mật phần ngoài và để lại 2 bánh mật khác cho đàn ong. “Ước tổ này chắc được 2 lít mật đấy anh. Dù tổ nhiều hay ít thì mình vẫn phải để lại để chúng có cái ăn còn sinh trưởng đàn nữa, có khi năm sau chúng lại quay về đây làm tổ. Đó cũng là điều truyền lại của dân làng khi đi lấy mật ong từ nhiều đời qua”, Vin giải thích. Cắt một miếng tổ chứa đầy mật, Trung mời tôi nếm thử, khác với vị ngọt của ong làm tổ trên cây, vị mật của loài ong làm tổ dưới đất đậm đà, ngọt thanh chứ không gắt và lẫn mùi nồng nồng của đất rừng.

Sau khi thu chiến lợi phẩm chúng tôi tiếp tục men theo sườn núi. Tuy nhiên, chúng tôi chỉ bắt gặp thêm 1 tổ ong nữa nhưng đã bắt đầu có con non, 2 thợ “săn” ong lấp một phần cửa hang lại để đàn ong yên tâm phát triển đàn mới. “Ngày trước, rừng quanh khu vực này còn nhiều lắm. Hồi đó, mình có thể đi gặp 5-6 tổ ngày nhưng giờ ít rồi, phải đi xa mới có tổ, mỗi ngày đi có thể lấy cả chục lít mật là chuyện bình thường. Giờ thì ít lại rồi!”, Trung kể. Mỗi vụ mật, những thợ “săn” ong như Trung, Vin có thể thu cả chục triệu đồng bán cho các điểm thu mua trên địa bàn hoặc để lại cho những người quen. Tuy vậy, đánh đổi lại là những buổi đi bộ có khi cả chục cây số qua rừng núi nhưng không gặp một tổ ong nào. Hay những buổi đầu bị ong đốt về sốt mê man nằm suốt mấy ngày liền.

Nghề săn ong rừng tuy vất vả, nguy hiểm nhưng với những người thợ “săn” như Trung, Vin và những người dân Gia Rai nơi đây chính là nguồn thu nhập để lo thêm miếng cơm, manh áo hàng ngày. “Mỗi mùa mình cũng kiếm được gần 20 triệu đồng, phần thì để mua sắm vật dụng gia đình, phần thì gửi mẹ cất để sau này cưới vợ chứ!”, Vin cười xòa giữa cái nắng đang lên trên đỉnh núi Chư Bôi.

MINH TÂN