Sáng tạo lan tỏa thương yêu của học trò vùng “đất lửa”

Thứ sáu, 05/04/2024 11:15
Cuối tháng 3 vừa qua, Bộ GD-ĐT đã có thông báo lựa chọn dự án “Găng tay điện tử chuyển đổi ngôn ngữ ký hiệu thành ngôn ngữ tự nhiên dành cho người câm điếc” của học sinh Trần Ngọc Long (lớp 11 chuyên Lý) Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn (TP Đông Hà, Quảng Trị) là 1 trong những dự án tham gia Hội thi khoa học kỹ thuật quốc tế năm 2024 (ISEF 2024) tại Hoa Kỳ. Đây là dự án giải Nhất cuộc thi Khoa học, kỹ thuật cấp quốc gia học sinh trung học năm 2023-2024. Sáng tạo này không chỉ khẳng định sự thông minh, vượt khó đam mê khoa học mà còn thể hiện “trái ngọt” của thương yêu trong lòng con trẻ khi hướng đến người khuyết tật, yếu thế.
Người khuyết tật rất xúc động trước dự án “Cánh tay robot” của em Phạm Huy.
Em Trần Ngọc Long và sản phẩm sáng tạo dự thi ISEF 2024.

Chia sẻ trước tin vui trên, Giám đốc Sở GD-ĐT Quảng Trị Lê Thị Hương cho biết đó không chỉ là niềm tự hào của thầy-trò trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn mà còn lan tỏa niềm vui cho toàn ngành giáo dục tỉnh Quảng Trị. Đây là lần thứ 2 giáo dục Quảng Trị có dự án của học sinh được lựa chọn dự thi quốc tế. Vào năm 2017, dự án “Cánh tay robot cho người khuyết tật” của em Phạm Huy (học sinh Trường THPT thị xã Quảng Trị) đã giành được giải Ba tại cuộc thi Khoa học kỹ thuật quốc tế (Intel ISEF 2017) tổ chức ở Mỹ. Người dân Quảng Trị còn nguyên những hồi hộp khi nhắc đến sự kiện 7 năm trước. Đó là sự xúc động dõi theo bước chân Huy với sự hỗ trợ tuyệt vời của ngành Giáo dục Quảng Trị trên hành trình đến “sân chơi” trí tuệ quốc tế. Việc học sinh có định hướng tư duy, ứng dụng công nghệ để giải quyết nhu cầu cuộc sống, đặc biệt hướng đến người khuyết tật, yếu thế khiến công trình càng ý nghĩa, nhân văn.

Và hôm nay, dự án “Găng tay chuyển ngữ cho người câm điếc” một lần nữa lan tỏa tinh thần thương yêu, sẻ chia ấy, mang đến kỳ vọng đổi thay cho nhiều phận đời bất hạnh không may bị câm điếc đang nỗ lực vươn lên trong cuộc sống. Dự án của em Trần Ngọc Long thuộc lĩnh vực “Robot và máy thông minh” với sản phẩm là một đôi găng tay điện tử giúp người câm điếc giao tiếp ngôn ngữ tự nhiên với người bình thường thông qua việc chuyển đổi ngôn ngữ ký hiệu với nhiều tính năng nổi bật. Có tích hợp phần mềm điện thoại để phát âm thanh và hiển thị nội dung giao tiếp; xử lý hiện tượng trôi dạt bằng mô hình học sâu (Deep learning) để vẽ quỹ đạo chính xác trên module IMU; giao tiếp 2 chiều giữa người bình thường và người câm điếc bằng cả 2 ngôn ngữ tiếng Anh và tiếng Việt. Đặc biệt, sản phẩm còn chuyển đổi các từ rời rạc của ngôn ngữ ký hiệu thành một câu hoàn chỉnh theo ngôn ngữ tự nhiên phù hợp trong quá trình giao tiếp. Quá trình thực hiện dự án, đó là cả một chặng dài đầy kiên trì, vượt qua nhiều khó khăn, không chỉ đối với em Trần Ngọc Long mà cả dấu ấn đặc biệt của giáo viên hướng dẫn. Sự đóng góp thầm lặng của thầy cô từ việc ủng hộ sáng kiến, hướng dẫn tận tình và thúc đẩy khát khao của học sinh bằng tất cả tâm huyết, chứa chan thương yêu đã giúp dự án đạt kết quả cao.

Người khuyết tật rất xúc động trước dự án “Cánh tay robot” của em Phạm Huy.

Chị Nguyễn Thị Lan (huyện Cam Lộ), một phụ huynh có con khuyết tật chia sẻ rất phấn khởi trước thông tin dự án “Găng tay chuyển ngữ cho người câm điếc”. “Sáng tạo mang ý nghĩa thiết thực, khi hoàn thiện ứng dụng vào cuộc sống sẽ là cầu nối để mọi người xích gần nhau hơn. Cũng là chìa khóa để mở ra nhiều cơ hội nữa cho người khuyết tật, câm điếc hòa nhập với cuộc sống, vươn lên”- chị Lan bày tỏ kỳ vọng. Được biết, cuộc thi ISEF diễn ra từ 11 đến 17-5-2024 tại Hoa Kỳ và chúng ta cùng hy vọng gặt hái tin vui sắp tới từ dự án thấm đẫm nhân văn trên.

Bảo Hà