Sáng tạo máy ép rác hữu cơ thành phân bón
(Cadn.com.vn) - Với mong muốn bảo vệ môi trường, tiết kiệm tài nguyên, một nhóm sinh viên tại Đà Nẵng đã sáng tạo thành công máy ép rác hữu cơ thành phân bón phục vụ trong nông nghiệp, giúp tăng thêm nguồn thu nhập trong mỗi gia đình.
Chiếc máy ép rác thành phân hữu cơ do Phạm Hữu Cường và 2 nữ sinh viên khác của Đại học Duy Tân (Đà Nẵng) là Huỳnh Như Hiền, Phạm Thị Ly Na chế tạo với mức giá khoảng 3 triệu đồng. Nếu được sản xuất với số lượng lớn, giá mỗi chiếc máy chỉ còn khoảng 1,5-2 triệu đồng. Trung bình 1kg rác hữu cơ cho vào máy ép sẽ cho 0,4kg phân bón phục vụ trong nông nghiệp sạch. Cường chia sẻ, ý tưởng để nhóm bắt tay vào sáng tạo máy ép rác xuất phát từ nguồn rác hữu cơ đang bị bỏ lãng phí trong các gia đình, nhà hàng, khách sạn... trong khi nhu cầu phân bón hữu cơ trong trồng trọt rau sạch lại thiếu trầm trọng. Chưa kể, trước đây thức ăn thừa của các hộ gia đình tại thành thị thường được thu gom phục vụ chăn nuôi nhỏ lẻ, nhưng giờ chăn nuôi tập trung theo mô hình trang trại, gia trại, thức ăn chủ yếu là bột công nghiệp được chế biến sẵn, do vậy thức ăn dư thừa của các hộ gia đình phải vứt vào thùng rác hoặc thải trực tiếp xuống cống. Thức ăn thừa là các chất hữu cơ bị thải ra ngoài môi trường sẽ phân hủy tạo ra các khí gây hiệu ứng nhà kính, gây khó khăn cho công tác phân loại, xử lý rác thải.
Từ thực tế đó, nhóm của Cường đã nghiên cứu, phát triển máy ép rác thải hữu cơ tại nhà. Theo đó, những nguyên liệu thực phẩm, đồ ăn thừa, vỏ hoa quả, bánh kẹo, bã cà-phê, hoa lá trang trí trong nhà bị héo... không còn sử dụng được nữa thì cho vào máy ép ra thành phân bón cho cây trồng một cách dễ dàng, nhanh chóng và đảm bảo vệ sinh. Từ đây, các gia đình, quán ăn nhỏ, quán cà phê... sẽ có thêm một nguồn thu nhập mới từ việc bán phân bón. "Nguồn phân bón từ chất hữu cơ này sẽ được thu gom và bán lại cho các trang trại trồng trọt, các vùng trồng rau sạch theo chuẩn"- Cường chia sẻ. Ly Na phân tích, rác thải ở nước ta phần lớn không được phân loại tại nguồn, do đó tại bãi rác thường lẫn lộn rác hữu cơ và vô cơ, khiến việc áp dụng công nghệ xử lý rác rất khó khăn, thường phải chọn hình thức chôn lấp. Đà Nẵng đang xây dựng TP môi trường, TP cũng đang đầu tư kinh phí lớn xây dựng khu liên hiệp xử lý rác thải rắn ở Hòa Nhơn, hơn 90% rác sẽ được xử lý thay vì chôn lấp, tuy vậy nếu không phân loại rác tại nguồn thì không có cách nào xử lý được lượng rác thải lớn như vậy. Khi sử dụng máy ép rác này, các hộ gia đình đã đồng thời thực hiện quy trình phân loại rác hữu cơ khỏi các rác thải sinh hoạt khác tại nguồn.
Nhóm sinh viên và chiếc máy ép rác thành phân bón, nước rửa chén. |
Sau khi chế tạo thành công máy ép rác, nhóm của Cường đã gửi tham gia cuộc thi khởi nghiệp quốc gia và vượt qua hàng loạt dự án khởi nghiệp khác tại miền Trung để vào vòng chung khảo toàn quốc. Sở dĩ dự án khởi nghiệp với máy ép rác này được đánh giá cao vì trên thị trường Việt Nam chưa có Cty nào sản xuất, kinh doanh sản phẩm tương tự. Mặt khác, việc dự án khởi nghiệp từ Đà Nẵng, điều này cũng đã mở ra triển vọng lớn. Bởi lẽ, Đà Nẵng đang thực hiện chủ trương TP 4 an, trong đó có an toàn thực phẩm, đặc biệt là nguồn rau sạch. Tỷ lệ nguồn cung rau sạch của TP hiện chỉ đáp ứng được 6%. Các vùng trồng rau sạch mở rộng, nguồn phân hữu cơ (yêu cầu bắt buộc trong sản xuất rau đạt chuẩn) sẽ được sử dụng nhiều hơn đồng nghĩa với nhu cầu sử dụng máy ép rác thành phân hữu cơ sẽ tăng cao. Bên cạnh đó, hiện nay lượng khách du lịch đến với Đà Nẵng tăng lên hằng năm, kéo theo các dịch vụ ăn uống cũng phát triển rầm rộ. Những quán ăn hay quán cà-phê được mở dọc các con đường sẽ trở thành khách hàng tiềm năng mua máy ép rác.
Trong tháng 3-2017, dự án sẽ được BTC cuộc thi khởi nghiệp quốc gia đánh giá kết quả tại Vòng chung khảo toàn quốc. Tuy vậy, các thành viên trong nhóm chia sẻ, tổng kinh phí để thực hiện dự án khởi nghiệp này khoảng 200 triệu đồng. Đó không chỉ là hoạt động sản xuất máy và bán mà còn cả việc thành lập dịch vụ gom phân hữu cơ từ các gia đình, gom thức ăn thừa ở các nhà hàng, khách sạn để ép ra phân bón, kết nối với các trang trại trồng trọt và vùng rau sạch... Việc một nhóm sinh viên sáng tạo thành công máy ép rác thành phân bón có ý nghĩa lớn. Nó không chỉ giúp nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của từng gia đình mà còn giúp tiết kiệm nguồn tài nguyên, biến rác hữu cơ thành sản phẩm hữu ích cho nông nghiệp sạch. Thậm chí chiếc máy này cũng có thể ép rác thải thành nước rửa chén.
Hải Quỳnh