Sáp nhập 2 khối phố Phong Hồ Tây và 2A của P. Điện Nam Bắc, TX Điện Bàn: Người dân mong giữ lại tên cũ Phong Hồ

Thứ tư, 13/02/2019 14:03

Vừa qua, UBND P. Điện Nam Bắc, TX Điện Bàn (tỉnh Quảng Nam) tổ chức họp lấy ý kiến nhân dân về việc nhập hai khối phố Phong Hồ Tây và 2A thành khối phố mới mang tên Phong Cẩm. Thế nhưng, đề án trên đã bị người dân thôn Phong Hồ (cũ) phản đối. Nhiều người gửi đơn đến các cơ quan chức năng kiến nghị xin giữ lại tên cũ là Phong Hồ, thay vì phải đổi sang tên mới.

Miếu xóm làng Phong Hồ.

Theo ông Trần Thành (1948, trú khối phố 2A, P. Điện Nam Bắc): Theo văn bia của làng còn ghi lại, làng Đông Hồ được tiền nhân thành lập từ những năm 1854, gồm 3 tộc chính là Trần Văn, Nguyễn Văn và Nguyễn Thanh. Diện tích của làng bấy giờ kéo dài từ QL1A (giáp với làng Phong Lục, xã Điện Thắng Nam) đến bờ sông Cổ Cò (giáp giới với làng Hà My P. Điện Dương). Sông Vĩnh Điện chảy qua có chiều ngang khoảng 500m và chiều dài gần 2.000m chia làng Phong Hồ thành 2 khu là Phong Hồ cát (đất cát) và Phong Hồ đồng (đất trồng lúa), nơi đây còn lưu giữ nhiều di tích cổ có giá trị, như: giếng cổ Chămpa, đình làng...

Trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp, Mỹ làng Phong Hồ trở thành con đường di chuyển của cán bộ, quân chủ lực... từ vùng căn cứ phía Tây Quảng Nam xuống căn cứ ở các xã vùng Đông và ra hoạt động trong nội thành Đà Nẵng. Sau năm 1975, chính quyền chia làng Phong Hồ thành 2 thôn là 2A và Phong Hồ nhưng người dân vẫn cư trú ổn định. Cơn lũ lịch sử năm 1999 đã cuốn trôi 2 người trong một gia đình cùng nhiều tài sản khác nên chính quyền yêu cầu người dân di dời từ vùng trũng là Phong Hồ đồng sang Phong Hồ cát sinh sống. Phải di chuyển đến nơi ở mới, nhiều hộ phải xen cư với người dân làng Cẩm Sa nhưng với họ luôn nhớ về nguồn cội của mình. "Vì thế, người dân chúng tôi không đồng ý với việc đặt cho làng tên mới là Phong Cẩm", ông Thành nói.

Tương tự, ông Nguyễn Thanh Liễu, một cán bộ hưu trí trú KP 2A (P. Điện Nam Bắc) trình bày: Phong Hồ là địa danh được ghi trong biên niên sử Việt Nam, là mảnh đất dày truyền thống về sự hiếu học, lòng kiên trung... Nay vẫn mảnh đất đó, con người cũ, tại sao phải mang một tên mới, làm như vậy là có tội với... lịch sử.

Trên thực tế, người dân hoàn toàn đồng thuận với chủ trương sáp nhập khối phố nhưng đề nghị lấy lại tên cũ là Phong Hồ. Theo tìm hiểu của chúng tôi, thực hiện đề án sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp khối phố, P. Điện Nam Bắc chủ trương hợp nhất KP 2A và KP Phong Hồ Tây thành 1 đơn vị và lấy tên là KP Phong Cẩm. Để tạo sự đồng thuận từ người dân, tháng 11-2018 UBND phường đã tổ chức 2 cuộc họp lấy ý kiến người dân song người dân không đồng tình và có đơn gửi đến nhiều cơ quan bày tỏ ý kiến phản đối. Đầu tháng 1-2019, một cán bộ có chức năng tại UBND P. Điện Nam Bắc trao đổi cùng chúng tôi: Lý do khi sáp nhập KP 2Avà KP Phong Hồ Tây và lấy tên mới là Phong Cẩm là trên địa bàn này KP 2A người dân Phong Hồ (gốc) đang sống xen cư cùng người dân làng Cẩm Sa (cũ). Đặt tên mới như vậy sẽ hài hòa cho người dân ở 2 làng.

Theo nhiều người, lý do người dân làng Phong Hồ phản đối việc đặt tên mới này là dù có một số hộ sống xen cư cùng người dân làng Cẩm Sa tuy nhiên số lượng sống xen cư này không nhiều và vị trí đất mà người dân đang định cư là vị trí đất của làng Phong Hồ đã có từ xa xưa. Với bề dày gần 2 thế kỷ được thành lập, theo đó nhiều người con của đất Phong Hồ đã có nhiều đóng góp công sức, xương máu... cho công cuộc giải phóng và xây dựng đất nước và tên làng đã trở thành máu thịt, có giá trị cao về tinh thần đối với người dân địa phương. Hơn nữa, tại địa bàn P. Điện Nam Bắc đã có những tên làng cũ, như Cẩm Sa, Bình Ninh được sử dụng làm tên cho khối phố mới, vậy tại sao Phong Hồ- một cái tên quá đỗi quen thuộc, gắn bó với nhiều thế hệ- lại phải thay đổi?

M.T