Tăng suất Việt kiều ở V.League 2024-2025:

Sau Jason Pendant Quang Vinh, còn ai nữa?

Thứ ba, 06/08/2024 08:09

Tiếp theo tiền đạo Alan, hậu vệ Nguyễn Văn Đức và trung vệ Trần Đình Trọng, CLB Công an Hà Nội đã công bố "bom tấn" là Jason Pendant Quang Vinh. Hậu vệ Việt kiều có bố là người Pháp gốc Martinique mẹ là người Việt có lý lịch khá hấp dẫn khi từng chơi cho các CLB Sochaux (Ligue 1), New York Redbulls (MLS) và Quevilly Rouen (Ligue 2) và cũng từng lọt vào danh sách triệu tập lên tuyển U16 và U18 của Pháp.

Jason Pendant Quang Vinh "mở đầu", nhưng chưa chắc tạo ra trào lưu cầu thủ Việt kiều gia nhập V.League hàng loạt.
Jason Pendant Quang Vinh "mở đầu", nhưng chưa chắc tạo ra trào lưu cầu thủ Việt kiều gia nhập V.League hàng loạt.

Có vẻ, cầu thủ sinh năm 1997 này có bước chuẩn bị khá kỹ cho hành trình về "đất mẹ" khi nhiều lần bày tỏ muốn khoác áo đội tuyển Việt Nam, tự bỏ tiền túi để đến Singapore cổ vũ cho đội tuyển Việt Nam tại AFF Cup 2020 và thuê gia sư dạy kèm tiếng Việt…

Như vậy, Công an Hà Nội hiện tại đang sở hữu đến 3 cầu thủ Việt kiều, trước Jason là Patrik Lê Giang và Filip Nguyễn.Dù nổi tiếng chịu chi, nhưng đội bóng của HLV Poking không thể cùng lúc đăng ký thi đấu cả 3, khả năng Patrik Lê Giang sẽ rời đi hoặc được cho mượn như đã từng.

Dù mức phí và thù lao cho Jason Pendant Quang Vinh không được công khai, nhưng chắc chắn là không nhỏ, thậm chí thuộc dạng kỷ lục. Và đây, là chính nguyên nhân cốt lõi, là trở ngại của các CLB để sở hữu một cầu thủ Việt kiều. Trong bối cảnh hầu hết các CLB gặp khó về kinh phí, cùng với việc phải chi đậm cho các suất ngoại binh, nội binh chất lượng, việc "đón" một cái tên Việt kiều có lý lịch "dày dặn" rõ ràng cần được cân nhắc kỹ. Bởi vậy, cho đến lúc này, ngoài Công an Hà Nội, hiện chỉ mới có Hải Phòng đang… thử việc một Việt kiều khác.

Đội bóng chủ sân Lạch Tray thời gian gần đây đang thử việc Kaelin Nguyễn, tên đầy đủ là Kaelin Nguyễn Trương Khôi. Đến từ New Zealand, có bố là người Việt mẹ là người Ấn Độ, trước khi về Việt Nam tìm kiếm cơ hội, Kaelin Nguyễn khoác áo CLB Wellington Phoenix Reverves tại New Zealand, thi đấu ở vị trí tiền đạo. Tuy từng nằm trong kế hoạch của HLV Troussier cho các giải trẻ, nhưng HLV Chu Đình Nghiêm vẫn đang xem xét kỹ, chưa vội "chốt" với trường hợp Kaelin Nguyễn. Bởi chăng, chấp nhận một trường hợp mà quỹ lương chắc chắn sẽ phình to, là một quyết định khó khăn.

Một trường hợp Việt kiều khác, Gia Huy Phong đang được 2 CLB V-League sẵn sàng chi đậm để chiêu mộ. Nhưng cũng mới là nguồn tin, chứ chưa có gì chắc chắn. Hơn nữa, cái giá để sở hữu trung vệ được ra sân tại UEFA Youth League và khoác áo U19 Wolfsburg (Đức) chắc chắn cũng là trở ngại.

Nhưng giá trị chuyển nhượng hay mức đãi ngộ cao chưa phải là nguyên nhân duy nhất cản trở các CLB chiêu mộ suất cầu thủ Việt kiều. Nhìn lại lịch sử V.League, thành công như Đặng Văn Lâm, Patrik Lê Giang hay Filip Nguyễn không nhiều. Trụ được như Mạc Hồng Quân, Vincent Trọng Trí, Viktor Lê Khắc Quang, Martin Lò, Adriano Schmidt, Nguyễn Như Đức Anh, Steven Đặng cũng chỉ dạng trung bình khá. Chưa nói, Ryan Hà vừa rời Hà Nội FC bằng thông báo chia tay. Trước đó, Steven Đặng, Phạm Thanh Tiệp, Phùng Lê Cao Sơn cũng phải rời HAGL, H. Hà Tĩnh, SHB Đà Nẵng vì "không hòa nhập".

Rõ ràng, thực tế làn sóng cầu thủ Việt kiều "đổ bộ" V-League không phải cái tên nào cũng chất lượng tương xứng với mức đãi ngộ được yêu cầu. Với mặt bằng các CLB V-League hiện tại, việc chi trên dưới 20 nghìn USD/tuần cho một cầu thủ chưa biết chắc sẽ "hòa nhập hay không" là canh bạc may rủi. Thậm chí "đen" hơn, nếu không cẩn trọng có thể rước về một cầu thủ "việc nhẹ lương cao" hay "ngồi chơi xơi nước" bởi tiền sử chấn thương…

Rủi ro nhiều, nên câu chuyện sở hữu cầu thủ Việt kiều vẫn xếp sau ngoại binh thứ thiệt hay nội binh đã được thẩm định. Nên vậy, dù V.League mở rộng cửa hơn, dù cũng có làn sóng Việt kiều đổ bộ về V.League trên thực tế có diễn ra, chưa chắc có nhiều những hợp đồng tương tự như Jason Pendant Quang Vinh…

T.S