Scopolamine - "bạn đồng hành" của tội phạm?
(Cadn.com.vn) - Scopolamine hoặc Burundanga hay còn gọi là "Hơi thở của quỷ" là loại ma dược được bào chế từ cây Borrachero ở Colombia, tác dụng gây mê đồng thời có thể cướp đi thần trí, đưa con người vào trạng thái thôi miên. Do vậy, nó được coi là dược phẩm đáng sợ nhất mà tội phạm thường dùng để thực hiện các hành vi phạm tội.
Scopolamine được ví như "Hơi thở của quỷ" khi có thể xóa trí nhớ và làm mất ý thức tạm thời của con người. Đặc biệt, khi dùng liều cao có thể đưa con người vào trạng thái mất nhận thức, làm mọi thứ từ trộm cắp, giết người, hãm hiếp... cho đến tấn công, cướp ngân hàng...
Với mức độ nguy hiểm như vậy, Hội đồng Cố vấn an ninh của Mỹ ở hải ngoại (OSAC) cảnh báo mọi người khi đi du lịch đến Quito (thủ đô Ecuado) cần cảnh giác. Theo OSAC, hàng năm có khoảng 50.000 vụ phạm tội ở khu vực này liên quan đến Scopolamine. Còn theo Telegraph, gần đây nhất, 2 người phụ nữ ở Colombia bị kẻ xấu "phả" Scopolamine vào mặt, sau đó bị hãm hiếp và bị lột sạch tiền, đồ trang sức. Những người bị hại thuộc mọi lứa tuổi và nguy hiểm hơn, nạn nhân không thể nhớ là mình có bị hại.
![]() |
"Ma dược" Scopolamine được chế từ cây Scopolia. |
Scopolamine được nhà khoa học người Đức Albert Ladenburg tìm ra vào năm 1880 trong khi loại thuốc tương tự đã có từ thời cổ đại (Nó là loại độc dược được ban cho các vị phu nhân của những thủ lĩnh qua đời ở Colombia, họ bị chôn sống tại chính hầm mộ của chồng, và đến nay, loại ma dược này vẫn được sử dụng ở khu vực này, nhất là trong các nghi lễ bản địa).
Trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) còn sử dụng cho mục đích thẩm vấn tù nhân vì nó làm mất ý thức tạm thời, hạn chế bị tiết lộ bí mật bằng cách bỏ thuốc vào nước hoặc vẩy bột thuốc vào mặt nạn nhân, hay hòa trong sữa, thuốc lá hay qua đường hô hấp...
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) xếp Scopolamine trong danh mục thuốc thiết yếu, thuốc quan trọng và cần thiết cho hệ thống y tế cơ bản. Scopolamine có nhiều ứng dụng trong y học, như điều trị say tàu xe, buồn nôn sau mổ và dùng cho thợ lặn… Đôi khi được sử dụng dưới dạng tiêm để làm giảm bài tiết đường hô hấp khi phẫu thuật. Tại Bogota, Colombia, cứ 5 ca cấp cứu, có 1 trúng độc liên quan đến Scopolamine. Tháng 6-2008 tại Na-uy có hơn 20 người phải nhập viện vì các rối loạn tâm thần sau khi uống viên Rohypnol giả có chứa Scopolamine.
Theo các tuyên bố gần đây, Scopolamine làm tăng tỷ lệ tội phạm. Và hiện vấn đề này làm bùng nổ nhiều tranh cãi gay gắt trong cộng đồng khoa học. Tiến sĩ Les King, nhà hóa học kiêm khoa học pháp y người Anh cho rằng, việc biến con người thành thây ma bởi Scopolamine là điều hơi phóng đại. Ngay cả Trung tâm Giám sát Ma túy và chất gây nghiện Châu Âu (EMCD) cũng chưa thấy đề cập đến mặt trái này của Scopolamine. Đây không phải là dược phẩm dễ mua, đặc biệt là trên đường phố, kể cả cho mục đích thỏa cơn nghiện.
Kim Hùng
(Theo Theguardian/DM)