Sẻ chia cùng người dân vùng tâm lũ

Thứ tư, 21/10/2020 17:39

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng thị sát tại vùng lũ Hà Tĩnh

Trước tình trạng lũ lụt gây thiệt hại nặng nề cho người dân Hà Tĩnh, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng cùng đoàn công tác Trung ương đã trực tiếp làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Hà Tĩnh; kiểm tra tình hình xả lũ tại hồ chứa nước Kẻ Gỗ; thăm hỏi, động viên và trao quà hỗ trợ đồng bào vùng "tâm lũ" H.Cẩm Xuyên.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tặng quà người dân vùng lũ Cẩm Xuyên.

Kiểm tra tại công trình hồ Kẻ Gỗ - hồ chứa nước lớn nhất của tỉnh Hà Tĩnh, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng đánh giá cao công tác vận hành, điều tiết lũ hợp lý của UBND tỉnh Hà Tĩnh và Ban quản lý hồ. Phó Thủ tướng lưu ý, phải hết sức linh hoạt, không chủ quan trong vận hành hồ. Hiện mực nước tại hồ Kẻ Gỗ đẫ giảm xuống dưới cao trình 32,6 m, lưu lượng nước về hồ cũng giảm 220m3/s, lưu lượng xả giảm xuống 690m3/s. Phó thủ tướng chỉ đạo tỉnh Hà Tĩnh cần bám sát hiện trường, theo dõi tình hình mưa lũ tại địa phương để có những giải pháp chỉ đạo kịp thời nhất.

Ngay sau khi thị sát khu vực hồ Kẻ Gỗ, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Hà Tĩnh, các lực lượng đang trực tiếp ứng phó với mưa lũ. Mưa lớn dồn dập đã gây ngập lụt trên diện rộng tại 90 xã của 10 huyện, thành phố, thị xã của tỉnh Hà Tĩnh với độ sâu từ 0,5 đến 1m; riêng đối với các xã của H.Cẩm Xuyên bị ngập sâu đến 2m. Các hồ chứa, hồ thủy điện trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh đã phải xả tràn, trong đó mức độ gây ảnh hưởng lớn nhất là hồ Kẻ Gỗ. BCH QS tỉnh Hà Tĩnh, BĐBP tỉnh, CA tỉnh đã huy động hàng trăm xuồng máy, hàng ngàn CBCS cùng lực lượng quân sự địa phương, tham gia di dời người dân đến nơi an toàn, đảm bảo lương thực, thực phẩm và nhu yếu phẩm cần thiết. Đến nay, trên địa bàn Hà Tĩnh ghi nhận 3 người chết, 1 người mất tích.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chia sẻ những khó khăn, mất mát của người dân Hà Tĩnh trong mưa lũ; biểu dương lãnh đạo cấp ủy, chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị-xã hội của tỉnh Hà Tĩnh trong công tác ứng phó với thiên tai rất nghiêm trọng những ngày qua, hạn chế được tối đa thiệt hại về người và tài sản.Trong những ngày tới, trước dự báo có thể gặp thêm một cơn bão nữa, Phó Thủ tướng yêu cầu việc vận hành các hồ chứa, hồ thủy điện trên địa bàn Hà Tĩnh như Kẻ Gỗ, Hố Hô, Ngàn Trươi... về mức nước thấp sẵn sàng đón đợt mưa lũ mới, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho công trình. Công tác rà soát lại các khu vực nguy hiểm, nhất là những nơi hẻo lánh, vùng sâu, vùng xa, để sơ tán triệt để, không để người dân thiếu lương thực, thực phẩm, thuốc men, nước sạch...; thăm hổi, động viên những gia đình khó khăn, đặc biệt những gia đình có người chết, mất tích.

Thị sát tình hình ngập lũ nặngđịa bàn H.Cẩm Xuyên, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng cùng đoàn công tác đã thăm hỏi, động viên và trao quà hỗ trợ cho bà con vùng lũ tại thôn Hợp Thành, xã Cẩm Duệ.

Nhiều nhà dân ở xã Cẩm Bình, H.Cẩm Xuyên bị ngập nặng.

Tình người trong lũ dữ

Mấy ngày nay, trên trang mạng xã hội facebook, nhiều đơn vị, cá nhân, hội nhóm trên địa bàn Hà Tĩnh đã đăng tin hỗ trợ, giúp đỡ người gặp nạn, cứu hộ người và phương tiện, cung cấp chỗ ở miễn phí, tìm chỗ nấu ăn cho người sơ tán, lực lượng cứu hộ... Những dòng thông tin ấy được nhiều người chia sẻ, khiến ai cũng thấy ấm lòng hơn giữa lúc mưa lũ này.

Thấy được sự thiếu thốn của người dân vùng lũ Quảng Bình, Chi hội phụ nữ xã Hương Trạch, H.Hương Khê (Hà Tĩnh) đã tổ chức nấu bánh chưng để ủng hộ cho những người dân sơ tán, những người đang dầm mình trong nước lũ. Từ hành động này đã tạo nên sức lan toả vô cùng to lớn. Đến thời điểm hiện tại, ở nhiều địa phương trên cả nước đều tổ chức nấu bánh chưng để tiếp tế cho người dân vùng ngập lũ Hà Tĩnh, Quảng Bình.

Cũng trong thời điểm này, để giúp đỡ người dân có nơi tránh trú an toàn, Công ty CP Tập đoàn Phú Tài Đức (TP Hà Tĩnh) đã hỗ trợ chỗ ở miễn phí cho người dân tại khách sạn Bình Minh và khách sạn White. Cùng với đó là hỗ trợ nơi đậu xe miễn phí cho người dân để tránh tình trạng xe bị ngập nước.Chị Trương Thị Nga- Giám đốc khối khách sạn của Công ty CP Tập đoàn Phú Tài Đức cho biết: "Khách sạn Bình Minh và Khách sạn White sẵn sàng hỗ trợ khoảng 100 phòng ở cho khoảng 200 người có nhu cầu".

Tại "tâm lũ" H.Cẩm Xuyên, các đoàn cứu trợ đang tập trung hướng về.UBMTTQ H.Cẩm Xuyên cũng đã thành lập Ban vận động tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ nhân dân khắc phục khó khăn do thiên tai. Ông Nguyễn Thanh Long- Trưởng ban Dân vận Huyện ủy kiêm Chủ tịch UBMTTQ H.Cẩm Xuyên cho biết: "Huyện đang chia làm nhiều cánh để mang hàng cứu trợ về cho các xã. Hiện nay, các xã bị ngập sâu như: Cẩm Duệ, Cẩm Mỹ, Cẩm Quan, Cẩm Thành, Cẩm Thạch, Cẩm Vịnh...đang rất cần sự trợ giúp hơn bao giờ hết. Để chia sẻ với người dân vùng ngập lũ, người dân đi sơ tán... các đoàn thiện nguyện đã và đang tìm cách vận chuyển lương thực, thực phẩm như:cơm hộp, mỳ tôm, bánh chưng, nước ngọt và các nhu yếu phẩm khác.

Những chiếc bánh ân tình của phụ nữ xã Sơn Tây, H.Hương Sơn đến với người dân vùng lũ.

Tại Quảng Bình, song song với việc thực hiện các biện pháp cứu hộ, cứu nạn thì các lực lượng chức năng tỉnh Quảng Bình đã thiết lập mạng lưới cấp phát lương thực cho bà con vùng lũ Quảng Ninh, Lệ Thủy, Thị xã Ba Đồn, Bố Trạch, Tuyên Hóa, Minh Hóa. CA tỉnh Quảng Bình, BĐBP tỉnh, BCH QS tỉnh đều huy động 100% quân số trực để ứng cứu người dân. Ngoài việc di chuyển người dân từ vùng trũng, thấp đến nơi an toàn, các đơn vị đã huy động lực lượng phát lương thực thực phẩm gồm cơm, mì tôm, nước sạch, lương khô... Nhiều đơn vị, chính quyền các xã đã tổ chức các "bếp cơm miễn phí" để cung cấp cho những hộ dân đang bị cô lập. Bà Trần Thị Hoan (1930, trú tại P.Quảng Thuận, TX Ba Đồn) chia sẻ: "Chưa bao giờ tôi chứng kiến trận lũ nào to như lần này.Trận lũ lịch sử năm 2010, nước cũng chỉ vào đến mắt cá chân rồi rút, còn trận này ngập sâu còn kéo dài. Nước lũ lên nhanh quá nên hầu hết đồ đạc, lương thực dự trữ trong nhà đều bị hư hỏng. May gia đình tôi được cứu trợ một thùng mì tôm và vài chai nước uống mới có cái ăn". Chị Phan Thị Toan (trú xã Hàm Ninh, H.Quảng Ninh) chia sẻ: Nhà tôi ở gần sông, nước lũ lên nhanh quá không kịp trở tay. Gia đình có 50 con gia cầm gồm Ngan, Gà bị chết hết, nhà có ít lúa dành để ăn cũng bị ngập, còn toàn bộ hàng hóa gồm dày dép tôi bán trong chợ Võ Xá cũng bị ngâm trong nước lũ. Chưa năm nào lũ gây thiệt hại như năm này.

Ông Vũ Đại Thắng - Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình cho biết, tình hình mưa lũ đang còn diễn biến phức tạp, nhiều bất thường, việc triển khai phòng, chống càng phải mạnh mẽ hơn trong thời gian tới. Việc hỗ trợ người dân phải hiệu quả, kịp thời và thiết thực, nhất là với các địa phương bị ngập lụt, ngập sâu nhiều ngày. Mạng lưới phân phối lương thực phải được triển khai ngay để lương thực, thực phẩm đến tận tay người dân, không để dân đói nhất là trong thời điểm khó khăn này.

Bên cạnh địa phương vùng lũ chủ động cứu trợ bà con thì ngày 20-10, người dân các địa phương đang gom các nhu yếu phẩm như mì tôm, lương khô, quần áo. Đặc biệt bà con các huyện Thanh Chương, Đô Lương, Quỳ Châu, Quỳ Hợp, Quỳnh Lưu, Diễn Châu, TP Vinh (Nghệ An) đã tổ chức gói và nấu hàng ngàn chiếc bánh chưng gửi vào cho bà con vùng lũ Quảng Bình và Hà Tĩnh.

CA tỉnh Nghệ An đã kịp thời điều động 7 xuồng máy, 1 xe cứu nạn cứu hộ, 1 xe bán tải, 150 áo phao, 80 phao tròn cùng 35 CBCS thuộc Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH, Phòng CSGTđược trang bị đầy đủ nhu yếu phẩm cần thiết tăng cường cho Hà Tĩnh thực hiện nhiệm vụ khắc phục hậu quả thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, khẩn cấp sơ tán dân cư vùng nguy hiểm, bị cô lập trên địa bàn.

XS-DH