Siết chặt trái tuyến, tiến tới cân bằng chất lượng giáo dục giữa các quận, huyện

Thứ tư, 20/08/2014 08:49

(Cadn.com.vn) - Tại buổi làm việc giữa Phó Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh với ngành GD-ĐT TP sáng 19-8 về công tác chuẩn bị năm học mới 2014-2015, nhiều nội dung đã được đề cập đến với một thái độ quyết liệt và quyết tâm cao…

Chuẩn bị cơ bản đầy đủ cơ sở vật chất phục vụ dạy-học !

Giám đốc Sở GD-ĐT Lê Trung Chinh cho biết, năm học 2014-2015, mạng lưới trường lớp trên địa bàn TP tiếp tục phát triển theo cơ cấu hợp lý giữa các ngành học, cấp học; trong đó, bậc TH tăng thêm 1 trường so với năm học trước, THCS tăng 2 trường, THPT tăng 2 trường. Toàn ngành đã được đầu tư phát triển với tổng kinh phí gần 240 tỉ đồng. Theo đó, có 112 công trình được đầu tư xây dựng.

Cụ thể: Bậc MN: 26, TH: 64, Trung học:22; 211 phòng học được xây dựng mới gồm: MN: 100, TH: 59, Trung học: 52 và 117 phòng học được cải tạo, sửa chữa. Tính đến thời điểm này, về cơ bản, đã chuẩn bị đủ số phòng học cần thiết phục vụ năm học mới; đảm bảo không học ca ba, phòng học nhờ, mượn…Bậc MN được đầu tư 3.636 triệu đồng trang bị thiết bị đồ chơi ngoài trời cho 8 trường MN thuộc các quận, huyện.

Tiếp tục triển khai Đề án xây dựng phòng bộ môn đạt chuẩn đến năm 2020 với tổng kinh phí 2 tỉ đồng, cụ thể xây dựng 7 phòng học bộ môn công nghệ cho 7 trường THCS của các quận, huyện, 3 phòng học bộ môn Lý, Hóa, Sinh cho Trường THPT Phan Châu Trinh. Triển khai kế hoạch mua sắm trang thiết bị dạy học Ngoại ngữ theo Đề án dạy-học ngoại ngữ trong các trường phổ thông với kinh phí 6.970 triệu đồng trong năm 2014…

Cũng theo ông Lê Trung Chinh, năm học mới, tuyển dụng mới 75 GV TH, 27 GV THCS và 11 GV THPT. Ngoài ra, ngành cũng đã tiếp nhận 34 GV TH, 14 GV THCS, 4 GV THPT. Năm học này, toàn TP có hơn 210.000 HS ở các bậc học, trong đó, ngoài số HS Nhà trẻ, THPT và hệ bổ túc THPT giảm, các bậc học khác đều tăng. Trong đó, tăng nhiều nhất là THCS: tăng 2.324 HS, TH tăng 1.417 HS…

Lãnh đạo Sở GD-ĐT báo cáo công tác chuẩn bị năm học mới.

Siết chặt trái tuyến !

Theo phản ánh của Giám đốc Sở GD-ĐT cũng như đại diện lãnh đạo UBND các quận huyện, có thể nói, năm học 2014-2015 là năm học TP làm quyết liệt đối với việc siết chặt tuyển sinh trái tuyến HS đầu cấp bậc TH, THCS, đặc biệt là 5 trường TH, THCS của Q.Hải Châu và Thanh Khê.

Theo đó, đã loại 182 trường hợp không thuộc diện tuyển sinh vào 4 trường ở Hải Châu là TH: Hoàng Văn Thụ, Phan Thanh, Phù Đổng và THCS Trưng Vương; đồng thời điều tiết 381 HS về các trường THCS Sào Nam, TH: Võ Thị Sáu, TH Bạch Đằng, TH Trần Thị Lý, TH Lê Đình Chinh. Ông Trần Đình Chiến- Phó Chủ tịch UBND Q.Thanh Khê- cho biết,  cùng với việc siết chặt HS trái tuyến tại địa bàn Q.Hải Châu, năm nay, số lượng HS đầu cấp TH, THCS trên địa bàn Thanh Khê tăng 700 em.

Tương tự, theo ông Nguyễn Đắc Xứng- Phó Chủ tịch UBND Q.Sơn Trà- năm học này, toàn quận tăng thêm 9 lớp, trong đó có 200 em về lại nơi cư trú nhập học…Đối với vấn đề trái tuyến, hầu hết các đại biểu đều cho rằng, báo chí đóng vai trò rất lớn trong việc tuyên truyền chủ trương của TP đến với nhân dân.

Ông Vũ Hùng-Trưởng ban Ban VH-XH HĐND TPĐN- cho biết, ngày 24-7, trong khi đi kiểm tra về vấn đề tuyển sinh đầu cấp tại 4 trường "điểm" ở Q.Hải Châu, Đoàn kiểm tra đã phát hiện có rất nhiều trường hợp gửi khẩu. Ông Vũ Hùng đề nghị HĐND tiếp tục duy trì siết chặt trái tuyến không chỉ với 5 trường nói trên mà còn mở rộng thêm một số trường ở những phường đang có hiện tượng quá tải.

Song song với công tác siết chặt trái tuyến, ông Vũ Hùng cũng đề nghị ngành CA nên siết chặt vấn đề nhập khẩu theo tinh thần của Luật Cư trú sửa đổi (Nghị định 31). Ngoài ra, ông Vũ Hùng cũng đề nghị ngành GD-ĐT và các quận, huyện cần chú ý đến việc quản lý chặt chẽ việc PHHS xin chuyển trường sau HKI này, nhất là ở Q.Hải Châu, Thanh Khê…

Đánh giá về công tác tuyển sinh đầu cấp năm nay, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Xuân Anh cho rằng, trên cơ sở nền tảng năm học 2013-2014, việc quyết liệt trong công tác tuyển sinh đối với HS trái tuyến trong năm học này đã cho thấy nếu có quyết tâm, dũng cảm thì sẽ làm được. Ông Nguyễn Xuân Anh nhấn mạnh: "Tôi tin đã có NQ rồi, đã có quyết tâm, làm quyết liệt trong việc siết chặt trái tuyến như đã làm trong thời gian vừa qua, cán bộ cũng không có ai có gan gửi gắm con em vào trường "điểm" đâu".

Tuy nhiên, ông Nguyễn Xuân Anh cho rằng, công việc này phải tiếp tục được làm thường xuyên, không được buông lỏng, nếu không sẽ "nước lại chảy về chỗ trũng" và về lâu, về dài, để không còn xảy ra tình trạng trái tuyến, phải làm sao cân bằng chất lượng GD-ĐT giữa các quận, huyện, đẩy mạnh công tác tuyên truyền trong nhân dân nhằm thay đổi tâm lý, nhận thức trong việc coi trọng trường "điểm" của phần lớn PHHS…

 Lãnh đạo Sở GD-ĐT báo cáo công tác chuẩn bị năm học mới. Ảnh: P.THỦY

Cần quyết tâm, quyết liệt với học 2 buổi/ngày đối với HS TH

Báo cáo Sở GD-ĐT cho biết, Q.Hải Châu có 19/19 trường TH tổ chức dạy 2 buổi/ngày, trong đó 12 trường có 100% HS được học 2 buổi/ngày, 7 trường còn lại vẫn còn một số lớp học 1 buổi/ngày. Q.Thanh Khê: 15/15 trường TH tổ chức học 2 buổi/ ngày, trong đó có 10 trường 100% HS được học 2 buổi/ngày, còn 5 trường chưa đạt tỉ lệ 100% HS được học 2 buổi/ngày.

Q.Liên Chiểu: Có 11/12 trường TH tổ chức dạy 2 buổi/ngày, trong đó có 4/11 trường có 100% HS được học 2 buổi/ngày (giảm 1 trường so với năm học trước); có 8 trường với 146 lớp chưa được học 2 buổi/ngày. Q.Cẩm Lệ, có trường TH Trần Nhân Tông có 4 lớp với 133 HS không được học 2 buổi/ngày do không đủ phòng học.

Lãnh đạo Sở đề nghị TP quan tâm đầu tư nguồn kinh phí trên 73 tỉ đồng để xây dựng phòng học, cơ sở vật chất nhằm đảm bảo cho năm học tới 2015-2016, 100% HS bậc TH toàn thành phố được học 2 buổi/ngày. Liên quan đến vấn đề này, theo ông Trần Đình Chiến- Phó Chủ tịch UBND Q.Thanh Khê- TP cần đẩy nhanh tiến độ ghi vốn để xây dựng phòng học vì hiện nay trên địa bàn Thanh Khê có nhiều trường đang quá tải do tăng dân số cơ học rất lớn như P.An Khê….

Phát biểu tại buổi làm việc, ông Huỳnh Đức Thơ- Phó Chủ tịch UBND TP- cho rằng, NQ của HĐND TP đã nói rõ, đến năm 2015-2016 phấn đấu có 100% HS bậc TH được học 2 buổi/ngày, vì thế không có đường lùi được nữa. Vì vậy phải làm quyết liệt, quyết tâm cao. Theo đó, đề nghị Sở GD-ĐT rà soát lại cơ sở vật chất trường học, theo tiêu chí ưu tiên, bố trí cho GD, những trường nào chật quá thì điều tiết sang các trường khác. Sở Kế hoạch đầu tư cần tính toán và có kế hoạch ngay từ bây giờ, nếu không sẽ không kịp…

Ông Huỳnh Đức Thơ cũng đặc biệt lưu ý đến tính đồng bộ trong quá trình đầu tư xây dựng, tránh như trường THCS Trần Đại Nghĩa, đi kiểm tra phòng thí nghiệm xây dựng xong nhưng trang thiết bị phục vụ cho thí nghiệm lại không có: "Làm cho có dự án để báo cáo là không được. Phải đầu tư xây dựng đồng bộ cơ sở vật chất và trang thiết bị dạy học để đưa vào khai thác cho hiệu quả. Phải điều tiết kinh phí cho hài hòa; tránh làm như trường THCS Trần Đại Nghĩa là không có trách nhiệm. Nếu chưa có đủ tiền thì đừng làm, đã làm thì phải làm cho đồng bộ…"..

Kết luận tại buổi làm việc, bên cạnh vấn  đề tiếp tục siết chặt công tác tuyển sinh trái tuyến, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Xuân Anh cũng đề nghị ngành GD-ĐT phải chuẩn bị tâm thế, bám sát chủ trương của Trung ương…để triển khai thực hiện tốt việc đổi mới GD theo hướng toàn diện. Ông Xuân Anh cũng đặc biệt nhấn mạnh đến công tác chỉ đạo trong việc chống lạm thu trong các trường học, nếu trường nào để xảy ra hiện tượng này sẽ xử lý nghiêm, đồng thời quản lý tốt công tác dạy thêm, học thêm…

P.Thủy