"Siêu xa lộ" cocaine từ Venezuela tới Mỹ

Thứ năm, 18/04/2019 11:38

Buôn lậu cocaine từ Venezuela đến Mỹ đang tăng vọt. Tuyến đường ma túy đi qua là từ các khu rừng ở Colombia đến Venezuela và thường đến bờ biển của Honduras. Ở đây, có rất nhiều các đường băng bí mật để đưa ma túy đi xa hơn, đến Mỹ.

Khu vực Moskitia ở Honduras, nơi các máy bay buôn lậu ma túy từ Venezuela đáp xuống các đường băng bí mật.  Ảnh: CNN

Một cuộc điều tra kéo dài nhiều tháng của CNN đã vạch ra tuyến đường vận chuyển cocaine ở phía bắc Venezuela, từ các trang trại ở Colombia.

Trong năm nay, một quan chức đã chứng kiến có tới 5 chuyến bay vào ban đêm trên bầu trời cùng một lúc. Các máy bay được chất đầy cocaine từng khởi hành từ các khu vực rừng rậm phía nam của Venezuela. Nhưng hiện giờ, các quan chức Mỹ và khu vực cho biết, chúng cất cánh từ khu vực tây bắc phát triển hơn của đất nước nhằm giảm thời gian bay. Mỗi lô hàng cocaine từ Nam Mỹ sinh lợi nhiều đến mức những chiếc máy bay chở ma túy có giá rẻ hơn nhiều. Hầu hết chúng chỉ được sử dụng một lần và bị loại bỏ hoặc đốt cháy khi đến nơi.

Theo ước tính của Văn phòng kiểm soát ma túy LHQ, rất nhiều cocaine nguyên chất của Colombia, khi được phân nhỏ và phân phối, có thể được bán lên đến 39 tỷ USD trên các đường phố Mỹ.

Các đường băng bí mật

Một bản đồ radar bí mật năm 2018 của Mỹ về các tuyến đường bay cho thấy việc khởi hành từ vùng Zulia, tây bắc Venezuela, hành trình về phía bắc đến vùng biển Caribbean, và sau đó họ quay về hướng Tây tới các điểm đến ở vùng nông thôn xa xôi của Guatemala, trên bờ biển của Honduras, và một số khu vực thuộc vùng biển Caribbean. Từ đó, ma túy được vận chuyển đến Mexico và sau đó được phân phối đến các thành phố của Mỹ.

CNN đã tiếp cận với FUSINA, một lực lượng quân sự ưu tú của Honduras để đến thăm các khu vực Moskitia, nơi các máy bay buôn lậu ma túy từ Venezuela đáp xuống các đường băng bí mật. Ký hiệu đuôi trên hầu như tất cả các máy bay ở Moskitia cho thấy chúng có nguồn gốc từ Mỹ. Một quan chức Mỹ cho biết, hàng chục máy bay đã được các Cty vỏ bọc mua tại các cuộc đấu giá của Mỹ, sau đó được vận chuyển về phía nam. Một số máy bay bị hư hỏng, rỉ sét nằm lộ ra ở rìa của các đường băng tạm thời, không thể sử dụng được bởi các miệng hố lớn được tạo ra từ các vụ nổ quân sự. Những chiếc khác được giấu trong khúc quanh của một dòng sông, nhưng có thể nhìn thấy từ trực thăng. Các sĩ quan quân đội của Honduras cho biết, những kẻ buôn lậu đã bắt tay với ngư dân địa phương về cách thu lại cocaine bị mất trong các vụ tai nạn hoặc khi bị cơ quan thực thi pháp luật phát hiện. Nếu một kẻ buôn lậu dự đoán y có thể bị bắt, y sẽ ném xuống nước số cocaine đã được gắn vào đó một thiết bị nổi. Số cocaine này thường nặng 30 kg và ngư dân được trả 150.000 USD nếu trả lại chúng.

Trong khi sự hỗ trợ công nghệ của Mỹ đã giúp giảm số lượng các chuyến bay chở ma túy bất hợp pháp ra khỏi lãnh thổ Colombia xuống gần như bằng không, những kẻ buôn lậu có một sự thay thế dễ dàng ngay bên kia biên giới, là Venezuela.

Những cáo buộc, những bác bỏ

Mỹ và các quan chức khu vực cáo buộc, chính giới tinh hoa quân sự và chính trị của Venezuela đang tạo điều kiện cho ma túy vào và ra khỏi đất nước trên hàng trăm chiếc máy bay nhỏ.

Nhiều quan chức Mỹ cho rằng, buôn lậu ma túy đang tăng tốc là một triệu chứng cho thấy nhu cầu cấp bách về tiền mặt trong nền kinh tế siêu lạm phát đang sụp đổ của Venezuela và nạn tham nhũng tràn lan trong số các quan chức cấp cao của chính phủ Tổng thống Maduro. Các quan chức Colombia cũng cho rằng, việc buôn lậu ma túy gần đây có sự tham gia của nhóm cánh tả Colombia ELN đang hợp tác với quân đội Venezuela. Theo nguồn tin, năm 2017, cựu Phó Tổng thống Venezuela Tareck El-Aissami đã bị Bộ Tài chính Mỹ xử phạt vì đã giám sát hoặc sở hữu một phần "các lô hàng ma túy hơn 1.000 kg từ Venezuela trong nhiều lần". Tháng 3 vừa qua, ông El-Aissami, hiện là Bộ trưởng Công nghiệp của Venezuela, đã bị truy tố tại New York vì đã tạo điều kiện cho buôn lậu ma túy. Hiện, ông El-Aissami chưa đưa ra ý kiến gì về cáo buộc này.

Nhiều quan chức Venezuela khác đã phải đối mặt với những cáo buộc tương tự của Mỹ, nhưng chính phủ nước này hoàn toàn bác bỏ. Họ cho biết, không bình luận về điều này.

AN BÌNH