Sinh viên Sư phạm Đà Nẵng chế tạo sản phẩm công nghệ trợ giúp trẻ khiếm thị học chữ nổi Braille
Với mong muốn giúp trẻ khiếm thị dễ dàng trong việc đọc, xử lý các thông tin, nhóm sinh viên (SV) Trường Đại học Sư phạm, Đại học Đà Nẵng (ĐHSP Đà Nẵng) đã nghiên cứu, chế tạo ra máy in chữ nổi Braille dùng trong việc chuyển đổi sách giáo khoa và tài liệu để dạy học cho học sinh khiếm thị. Với chi phí thấp, thiết kế tối giản, các thao tác đơn giản dễ sử dụng, sản phẩm có ý nghĩa thiết thực với người khiếm thị.
Cụ thể hóa ý tưởng, nhóm SV Ngô Thanh Trúc, Nguyễn Thị Thùy Trang, Lê Đặng Hoàng Thư, Lê Viết Thiên Lộc và Đinh Thị Mai Chi (Khoa Vật lý, Trường ĐHSP Đà Nẵng) dưới sự hướng dẫn của TS. Lê Thanh Huy đã thành công trong việc thiết kế, chế tạo máy in chữ nổi Braille cho người khiếm thị.
Chữ nổi Braille là công cụ hỗ trợ giúp người khiếm thị có thể đọc và viết chữ. Khác biệt duy nhất của chữ nổi Braille so với chữ cái phổ thông là cách viết và cách đọc, còn các nguyên tắc về ngữ pháp thì giống nhau. “Hiện nay, ở Việt Nam, trong khi người bình thường có thể sắm một máy in để tiện cho công việc thì nhiều người khiếm thị muốn in văn bản, tài liệu, hay một cuốn sách phải tìm đến những cơ sở có máy in chuyên dụng, khá bất tiện, tốn nhiều chi phí và thời gian. Đa phần các máy in chữ Braille tiếng Việt hiện nay đều được nhập khẩu từ nước ngoài với giá rất cao từ 40 đến trên 100 triệu đồng/máy. Vì thế, việc chế tạo máy in chữ nổi Braille tự động với quy mô nhỏ, giá thành thấp là vô cùng cần thiết với tình hình thực tế hiện nay, nhất là đối với những Trường chuyên biệt”- SV Ngô Thanh Trúc chia sẻ mục đích thực hiện dự án của nhóm.
Bắt đầu thực hiện dự án từ tháng 8-2023, nhóm đã tiến hành nghiên cứu từ phân tích lý thuyết đến thực tiễn để xây dựng sơ đồ nguyên lý hoạt động và yêu cầu thiết kế. Dựa vào yêu cầu thiết kế, nhóm dùng phần mềm mô phỏng đưa ra nhiều phương án, từ đó lựa chọn phương án tốt nhất. Sau đó, tiến hành chế tạo và tiến đến vận hành thử nghiệm sản phẩm. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện đề tài nghiên cứu, nhóm đã gặp không ít khó khăn. Đối với SV trường Sư phạm thì việc chế tạo một chiếc máy in là điều không hề dễ. Nhất là khâu chế tạo khung máy in, kim in chữ nổi và quá trình lập trình chuyển đổi ký tự. “Chúng em không phải dân kỹ thuật nên việc thiết kế máy là rất khó, từ khâu chuẩn bị dụng cụ rồi gia công, làm mạch điện…, chưa kể việc mũi kim in chữ Braille rất khó tìm, giá thành lại cao. Vì thế, nhóm chúng em quyết định sử dụng đinh sắt, sau đó mài và thiết kế cho phù hợp để khi in không bị lủng giấy mà vẫn đảm bảo được độ nổi của chữ. Nói thì đơn giản, nhưng khi bắt tay vào làm thì vô cùng khó khăn, đôi lúc tưởng chừng như bỏ cuộc, nhưng nghĩ về mục đích ban đầu là giúp đỡ học sinh khiếm thị nên chúng em đã nỗ lực, cố gắng vượt qua và đã hoàn thành mục tiêu đề ra”- Thanh Trúc bày tỏ.
Với những nỗ lực không ngừng, nhóm đã thiết kế và chế tạo thành công máy in chữ nổi Braille cho người khiếm thị, xây dựng thành công ngôn ngữ lập trình chuyển đổi ký tự thông thường sang ký tự nổi Braille tiếng Việt.
Máy in chữ nổi Braille do nhóm nghiên cứu chế tạo bao gồm 3 bộ phận chính: phần mềm chuyển đổi ký tự Braille trên máy tính; hệ thống điều khiển và cơ cấu chấp hành. Nguyên lý hoạt động của máy là văn bản ở dạng thông thường được đưa vào hoặc đánh trực tiếp trên phần mềm chuyển đổi. Các ký tự chữ cái phổ thông được phần mềm chuyển đổi sang ký tự Braille tương ứng nhưng ở dạng mã hóa 0,1. Văn bản sau khi được mã hóa được nạp vào bộ nhớ của hệ thống điều khiển. Hệ thống điều khiển sử dụng các thông tin văn bản được mã hóa điều khiển cơ cấu chấp hành in văn bản ký tự Braille. Để kết nối với máy in, người dùng có thể sử dụng máy vi tính với phần mềm Arduino IDE thông qua cổng giao tiếp USB, từ đó nhấn in trực tiếp để cho ra một văn bản chữ nổi hoàn chỉnh. Được biết, toàn bộ kinh phí để thực hiện sản phẩm này khoảng 2 - 5 triệu đồng/máy, rẻ hơn rất nhiều so với giá ở thị trường bên ngoài.
TS. Lê Thanh Huy - giảng viên hướng dẫn nhóm SV cho hay, hiện nay các loại máy in chữ nổi đang được sử dụng toàn bộ đều được nhập khẩu từ nước ngoài, vì thế việc có thể sản xuất và phổ biến máy in chữ nổi trong nước sẽ là một bước ngoặt mới đánh dấu sự phát triển công nghệ ở nước ta. Máy in này có thể được sử dụng với các thao tác đơn giản, chuyển đổi trực tiếp từ văn bản điện tử sang các ký hiệu Braille và in ấn mà không cần thông qua phần mềm hỗ trợ khác.
Đồng thời, nhóm nghiên cứu đã ứng dụng công nghệ in 3D trong quá trình chế tạo sản phẩm. Máy in được thiết kế tối giản, dễ vệ sinh, dễ sửa chữa, kích thước nhỏ gọn, dễ dàng mang theo, cho phép người dùng có thể linh hoạt sử dụng ở nhiều địa điểm khác nhau, từ lớp học đến nhà riêng. Nhà trường và phụ huynh có thể tự in tài liệu học tập cho học sinh khiếm thị một cách dễ dàng. Mặt khác, máy in hoạt động với tiếng ồn rất nhỏ.
“Điểm đặc biệt ở tính nhân văn là máy in giúp người khiếm thị đọc và cảm nhận được nội dung, phổ biến và cá nhân hóa máy in chữ nổi. Tạo ra một công cụ thiết yếu để mang lại quyền bình đẳng về cơ hội học tập, làm việc và hòa nhập xã hội cho người khiếm thị, nâng cao chất lượng cuộc sống”- TS. Huy chia sẻ thêm.
Cũng theo TS. Huy, hiện nhóm tiếp tục nghiên cứu cải tiến một số tính năng để máy chạy tốt hơn, có thể phổ biến rộng rãi như: chạy nhanh hơn, hiệu suất in cao, in được nhiều dạng tài liệu, tích hợp công nghệ chuyển giọng nói để in thành chữ nổi để tiện dụng.
“Thời gian tới, chúng tôi có định hướng cho SV đăng ký bằng sáng chế và tham gia các cuộc thi, một phần để tìm kiếm đầu tư, nguồn lực nhằm sớm phổ biến máy in chữ nổi trên toàn quốc, một phần để lan tỏa tinh thần nhân văn của những nhà giáo tương lai”- TS. Huy nhấn mạnh.
Thanh Hoa