Số ca mắc bệnh sởi tại Nghệ An có xu hướng tăng trở lại

Thứ sáu, 06/12/2024 14:09

Ngày 5-12, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Nghệ An cho biết, trên địa bàn tỉnh đã ghi nhận hàng trăm ca mắc bệnh sởi tản phát và hiện đang có xu hướng tăng trở lại.

Theo đó, số ca bệnh sởi được ghi nhận đầu tiên vào tháng 3 -2024 và tăng nhanh từ tháng 4 đến tháng 7. Số ca mắc giảm dần ở tháng 8, nhưng lại tăng nhanh trở lại từ tháng 9 đến nay. Đặc biệt, tháng 10, 11, Nghệ An ghi nhận số ca mắc sởi tăng đột biến, lần lượt là 67 và 117 ca. Như vậy, tính từ đầu năm 2024 đến ngày 4-12, Nghệ An ghi nhận 361 ca mắc bệnh sởi, phân bố tại 18/21 địa phương, không có trường hợp tử vong. Trong đó, 3 địa phương ghi nhận số ca mắc nhiều nhất là TP Vinh, Nghi Lộc, Hưng Nguyên. Riêng các huyện Quế Phong, Tương Dương, Quỳ Châu chưa ghi nhận ca bệnh sởi năm 2024.

Sau khi phát hiện các ca bệnh, CDC tỉnh Nghệ An và các Trung tâm Y tế đã thực hiện điều tra dịch tễ. Kết quả cho thấy, các ca mắc chủ yếu là các trường hợp chưa được tiêm phòng (chiếm 79,2%); trẻ chưa đủ tuổi tiêm phòng (chiếm 13,1%).

Đến thời điểm hiện tại, tỷ lệ tiêm vaccine phòng sởi trên địa bàn tỉnh Nghệ An đạt chỉ tiêu đề ra. Tính đến hết tháng 10- 2024, tỷ lệ tiêm đạt 89,5% (chỉ tiêu của tỉnh đặt ra là 79,1%). Tỷ lệ tiêm vaccine sởi ở miền núi thấp hơn so với đồng bằng, nhưng số người mắc ghi nhận ở đồng bằng lại cao hơn. Nguyên nhân là do mật độ dân số các huyện đồng bằng đông, vẫn còn một bộ phận người dân chủ quan, không cho con tiêm vaccine

Một trong những khó khăn trong công tác phòng chống dịch sởi là các ca bệnh xuất hiện rải rác trong cộng đồng tại nhiều địa phương trên toàn tỉnh và tình trạng tự điều trị khi bệnh mới có các dấu hiệu nhẹ nên không được phát hiện sớm, khó kiểm soát. Ngoài ra, có 13,1% tỷ lệ trẻ mắc bệnh sởi (47/361 ca) là trẻ chưa đến độ tuổi tiêm phòng. Các ca bệnh xuất hiện rải rác tại nhiều địa phương làm tăng nguồn lây bệnh trong cộng đồng, tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm chéo trong các cơ sở khám, chữa bệnh nên dễ hình thành các ổ dịch và có thể lây nhiễm ra cộng đồng.

Hiện ngành Y tế Nghệ An đang tăng cường giám sát chủ động nhằm phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh; đẩy mạnh rà soát đối tượng trẻ trên địa bàn toàn tỉnh, lịch sử tiêm chủng, triển khai tiêm bù, tiêm vét mũi vaccine sởi và vaccine sởi-Rubella.

Các Trung tâm Y tế cũng được yêu cầu điều tra, xác minh thông tin, tổ chức khoanh vùng, bao vây, xử lý dịch tại các địa phương ghi nhận ca bệnh và tăng cường hoạt động tiêm chủng đầy đủ các vaccine trong chương trình tiêm chủng mở rộng.

Dương Hóa

Năm 2024, số ca mắc sởi tăng đột biến, đã có 5 trường hợp tử vong

Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác phòng, chống bệnh truyền nhiễm do Bộ Y tế tổ chức ngày 28-11, Bộ Y tế cho biết, tại Việt Nam, từ đầu năm đến nay ghi nhận hơn 20.000 trường hợp nghi sởi, trong đó có gần 5.000 ca dương tính. So với cùng kỳ năm 2023, số ca nghi sởi cao hơn 52,9 lần, số ca sởi dương tính cao hơn 111 lần.

Phát hiện sớm, cách ly điều trị, không để bệnh sởi bùng phát

Ngành Y tế tỉnh Đắk Lắk đang đẩy mạnh các giải pháp để ngăn chặn nguy cơ bệnh sởi diễn biến phức tạp khi số ca bệnh liên tục tăng mạnh trong một tháng qua, đặc biệt là sau 3 năm liền địa phương không ghi nhận trường hợp mắc bệnh.

TP Hồ Chí Minh ghi nhận 3 trường hợp tử vong do sởi

Ngày 11/8, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh thông tin, các bệnh viện của Thành phố đã ghi nhận có đến 3 trường hợp tử vong liên quan đến bệnh sởi. Trước nguy cơ dịch sởi đang hiện hữu, cần hành động quyết liệt để ngăn chặn dịch.