Số phận "con tin khắc nghiệt" của các thủy thủ bị cướp biển tấn công (Kỳ cuối: Đằng sau "ngành công nghiêp cướp biển, bắt cóc, đòi tiền chuộc")

Thứ năm, 25/03/2021 15:00

Trong ngành công nghiệp hàng hải thế giới, nắm quyền điều hành chủ yếu là các thuyền viên đến từ các nước Châu Á đang phát triển. Sau Philippines và Indonesia, Ấn Độ là quốc gia có số lượng thủy thủ trong nhóm lớn nhất với hơn 200.000 người đi biển - gần 1/10 tổng số người trên thế giới.



Hải quân Nigeria tập trận chống cướp biển.   Ảnh: CNN

Ấn Độ áp đặt các quy tắc mới

Trong những năm gần đây, hàng chục thủy thủ Ấn Độ bị bắt giữ để đòi tiền chuộc.

Năm 2018, 39 thuyền viên Ấn Độ bị cướp biển bắt giữ ở Vịnh Guinea. Lydelle Joubert, chuyên gia về cướp biển tại Stable Seas, nói rằng, người Ấn Độ không bị nhắm mục tiêu cụ thể. Nhiều người Nga, Ukraine và Philippines cũng đã bị bắt cóc trong những năm gần đây, bà cho biết thêm. Trong năm 2019, ít nhất 47 người Ấn Độ đã bị bắt cóc trong 4 vụ việc. Một vụ việc xảy ra kịch tính như trong phim là vào tháng 4-2019, một tàu chở dầu nhỏ - MT Apecus - đã thả neo ngoài khơi Đảo Bonny của Nigeria, chỉ cách đất liền 7 hải lý, chờ vào cảng Nigeria, thì bị bọn cướp biển tấn công, bắt cóc 5 người Ấn Độ và 1 người Nigeria trong số 15 thủy thủ đoàn. "Bọn chúng đã bắt cóc các thủy thủ ngay giữa ban ngày, ngay rất gần giới chức chính quyền", Sudeep Choudhury, sĩ quan thứ ba của con tàu cho biết. Choudhury đã trải qua 70 ngày bị giam cầm trong chiếc quần đùi – khi ông chỉ kịp nhảy ra khỏi giường khi bị cướp biển tấn công và không kịp mặc quần áo. Trong thời gian đó những tên cướp biển đã cho ông rất ít thức ăn và nước uống.

Sau sự cố đó, vào tháng 5 -2019, cơ quan hàng hải của Ấn Độ, Tổng cục Hàng hải, đã đưa ra cảnh báo, trong đó có nội dung: "Công dân nước ngoài, đặc biệt là thuyền viên Ấn Độ, đang là mục tiêu có chọn lọc trong các vụ cướp biển như vậy". Nội dung cảnh báo hướng dẫn các nhà tuyển dụng tránh để các thuyền viên Ấn Độ tham gia vào các chuyến tàu như vậy mà chỉ để họ làm việc trong các cảng ở Vịnh Guinea. Chuyên gia Joubert của Stable Seas nhận định, chỉ thị này giúp các thủy thủ người Ấn Độ ít bị bắt cóc hơn, nhưng nó không giải quyết được vấn đề vì nó không áp dụng cho các tàu như MT Duke, đi trên các vùng biển quốc tế.

“Ngành công nghiệp bắt cóc" của Nigeria

Tại các trại ẩm ướt và hôi thối ở trong rừng, những người đi biển luôn sợ hãi và buồn chán.

Thuyền trưởng Prasad nói với các thủy thủ của mình rằng, D'Silva, thủy thủ đã chết, đang dần hồi phục trong bệnh viện để họ không hoảng sợ. Thức ăn hạn chế và không có nhà vệ sinh. Một ngày nọ, những người lính canh bắt gặp một con rắn hổ mang chúa đang trườn tới gần, họ bắt nó và nấu làm bữa tối. Người da đỏ vô cùng sợ hãi - họ thay phiên nhau canh gác vào ban đêm khỏi các loài động vật hoang dã và đảm bảo an toàn nói chung. Prasad nói: “Tôi thường nói với họ rằng: Hãy nghĩ về gia đình, đừng nghĩ về bản thân". Ban đầu, họ ngủ dưới đất trong những túp lều vô chủ. Sau đó, những kẻ bắt cóc làm thêm những túp lều mới hơn từ những cây gỗ trong rừng ngập mặn và bạt. 15 người đàn ông có vũ trang bao quanh họ mọi lúc, mọi nơi.

Theo các chuyên gia, tội phạm dầu mỏ ở Tây Phi có thể bắt nguồn từ sự chênh lệch về cách phân phối doanh thu từ các nguồn tài nguyên thiên nhiên của khu vực. Theo Oxfam, 1% người Tây Phi giàu nhất sở hữu nhiều hơn những người khác cộng lại trong khu vực. Nigeria là quốc gia giàu dầu mỏ, một trong những quốc gia giàu có nhất Châu Phi. Tuy nhiên Nigeria mới đây đã vượt qua Ấn Độ về số lượng người sống trong cảnh nghèo cùng cực cao nhất, khoảng 89 triệu người. "Các lính canh tại trại là "thanh niên thất nghiệp, có học thức", Prasad nói và cho biết thêm: “Chúng đến từ cùng một cộng đồng đã được khai thác dầu... mà giờ đang chống lại chính phủ và cần tiền để sống".

Kể từ quý cuối của năm 2019, bọn cướp biển không chỉ nhắm vào các tàu liên quan đến ngành công nghiệp dầu mỏ mà còn trên tất cả các loại tàu ở xa bờ biển. Theo chuyên gia Siebels: “Nigeria được xem là "thiên đường" của các vụ bắt cóc như vậy". "Cơ sở hạ tầng đã có sẵn, có trại con tin, nhà thương lượng, lính canh... về cơ bản đó là một ngành công nghiệp", ông nhấn mạnh.

Bài toán “đòi tiền chuộc”

Ở Nigeria, việc bắt cóc trên đất liền quá dễ dàng và dễ thoát nhưng lại không thu lại lợi nhuận béo bở như những vụ tấn công trên biển.

Siebels nói: “Đó giống như là một công việc kinh doanh rất sinh lợi bởi vì thông thường khoản tiền đó được bảo hiểm chi trả và khoản tiền chuộc được trả thường rất lớn". Siebels cho biết thêm, số lượng thống kê về mức tiền chuộc không có nhiều, nhưng thông thường ở Vịnh Guinea, con số này vào khoảng 50.000 - 60.000 USD/người. Tuy nhiên, Anja Shortland, giáo sư kinh tế chính trị tại Đại học King's College ở London, cho biết, việc trả tiền chuộc cao hơn chỉ khuyến khích hành vi bắt cóc. Năm 2013, 25 quốc gia từ Tây và Trung Phi ký Bộ quy tắc ứng xử Yaounde (YCOC), nhằm tăng cường hợp tác chống tội phạm hàng hải. Nhưng trong báo cáo năm 2020, Stable Seas cho biết, YCOC không phát huy hết tiềm năng, một phần là do "nạn tham nhũng, lạm quyền, khủng hoảng chính trị". Vào tháng 2 vừa qua, Tổ chức Hàng hải Quốc tế đánh giá cướp biển ở Vịnh Guinea là "mối đe dọa nghiêm trọng và tức thời". Họ cho biết sẽ triệu tập cuộc họp tiếp theo của Ủy ban An toàn Hàng hải vào tháng 5 tới để xem xét các vấn đề ở Vịnh Guinea, và kêu gọi các quốc gia thành viên có tiếng nói và hành động mạnh mẽ hơn.

Ấn Độ được cho là đã xây dựng Kế hoạch Dự phòng Chống cướp biển của riêng mình nhằm kích hoạt phản ứng phối hợp từ một số bên hoạt động theo hướng dẫn của Bộ Cảng, Vận tải và Đường thủy, trong trường hợp xảy ra vụ bắt cóc. Nhưng đó chỉ là biện pháp phản ứng chứ không ngăn được các vụ bắt cóc. Trong vụ việc của MT Duke, thuyền trưởng Prasad - hiện đã không còn làm việc ở Vùng Vịnh – cho biết: "Sau 5 tuần thương lượng, bọn cướp biển "đã thất vọng chấp nhận và trả tự do cho chúng tôi với giá 300.000 USD, một số tiền tương đối nhỏ". Prasad còn cho biết, ông và các đồng đội chỉ nhận được số tiền bồi thường ít ỏi 1.400 USD/ người từ người chủ. “Thậm chí nó chưa đến 3 ngày lương”, ông nói.

Số tiền ít ỏi đó khiến Prasad đau lòng nhưng điều đau đớn hơn nữa là vào tháng 1 năm ngoái, ông bị chẩn đoán mắc chứng rối loạn căng thẳng sau chấn thương tâm lý (PTSD) sau vụ bắt cóc. Nhiều tháng sau, ông nhận nhiệm vụ trên một con tàu khác. Giờ đây, Prasad gọi điện cho vợ "mỗi ngày, cả sáng và tối. Nếu tôi không gọi đúng giờ, cô ấy bắt đầu lo lắng". Và ông ấy thề sẽ không bao giờ đi thuyền ở Vịnh Guinea nữa.

KHẢ ANH