Sớm chấn chỉnh những "lỗ hổng" tại các BQL bảo vệ rừng
(Cadn.com.vn) - Việc CQĐT CA tỉnh Quảng Nam vừa bắt giam ông Nguyễn Cường (1957), Phó Giám đốc phụ trách Ban quản lý rừng phòng hộ (BQLRPH) Đắc Mi về hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ tiếp tục là một hồi chuông cảnh báo về sự buông lỏng quản lý của các chủ rừng và các đơn vị chủ quản. Để chấn chỉnh lại tình trạng trên, thiết nghĩ các ngành chức năng, đặc biệt là đơn vị chủ quản sớm có những giải pháp nhằm tháo gỡ những bất cập, những hạn chế, tồn tại, qua đó phát huy được hiệu quả trong công tác quản lý, bảo vệ rừng một cách tốt nhất.
Những vụ phá rừng lớn ở Quảng Nam thời gian qua đa số xảy ra |
Mất rừng... do cơ chế quản lý!
Thời gian qua, Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Nam đã cải tổ, sắp xếp, đổi mới các BQLRPH trực thuộc ngành, nhưng vì "ôm" diện tích quá lớn nên các Ban này giữ rừng kém hiệu quả và nảy sinh những tiêu cực. Bằng chứng là phần lớn các vụ phá rừng trọng điểm thời gian qua mà Báo Công an TP Đà Nẵng đã phản ánh đều xảy ra ở các BQLRPH, như: RPH Sông Tranh, RPH A Vương, RPH Phú Ninh, Sông Thanh... và đến nay là sai phạm nghiêm trọng tại BQL RPH Đắc Mi. Trong các lỗ hổng về quản lý, thì việc quy hoạch chi tiết 3 loại rừng, quy hoạch phát triển vùng, kinh tế- xã hội gắn với bảo vệ rừng ở miền núi vẫn còn bất cập. Ngành nông nghiệp đã đưa ra con số quy hoạch 3 loại rừng, nhưng để trả lời quy hoạch đó có cơ sở khoa học, phù hợp với thực tiễn hay không thì chưa ai dám khẳng định. Ví như việc đưa hàng trăm hộ dân tái định cư thủy điện Sông Tranh 2 vào giữa những khu rừng già xã Trà Bui (H. Bắc Trà My) là một bài học của sự bất cập trong việc phát triển kinh tế gắn với bảo vệ rừng.
Trở lại những vi phạm về quản lý, bảo vệ rừng, trong 2 năm gần đây, nhiều vụ phá rừng với quy mô "khủng", xảy ra trong thời gian dài nhưng các chủ rừng lại không có biện pháp xử lý cương quyết, đặc biệt có nơi có dấu hiệu buông lỏng quản lý hoặc tiếp tay cho lâm tặc để tàn phá rừng. Nói như ông Nguyễn Nhuần, Phó Chủ tịch UBND H. Bắc Trà My, nơi vừa xảy ra vụ phá rừng nghiêm trọng tại xã Trà Bui (thuộc quản lý của BQLRPH Sông Tranh): Sự buông lỏng quản lý của BQLRPH Sông Tranh mới là nguyên nhân dẫn đến tình trạng phá rừng phức tạp ở xã Trà Bui. "Bất cập ở chỗ, xảy ra phá rừng ở Trà Bui, lực lượng kiểm lâm địa phương cũng không thể đến đó xử lý được vì lâm phận thuộc chủ rừng quản lý. Rừng ở Trà Bui, Trà Giác rất "nóng", nhưng chúng tôi không thể chỉ đạo Hạt Kiểm lâm huyện lên đó truy quét được do cơ chế quy định. Kiểm lâm mà không thể bắt gỗ trên địa bàn, thật là nghịch lý", ông Nhuần nói.
Được biết, hiện tại H. Bắc Trà My có 3 lực lượng bảo vệ rừng là BQLRPH Sông Tranh, Hạt Kiểm lâm RPH Sông Tranh và Hạt Kiểm lâm Bắc Trà My. Nhưng sự chồng chéo quản ý đã thu hẹp vai trò, trách nhiệm của kiểm lâm. "Phải lập tức hợp nhất lực lượng bảo vệ rừng, tốt nhất là giải thể BQLRPH Sông Tranh, phân cấp về cho địa phương quản lý"- ông Nguyễn Nhuần kiến nghị.
"Nên hợp nhất lực lượng bảo vệ rừng, phân cấp về cho địa phương quản lý", ông Nguyễn Nhuần, Phó Chủ tịch UBND H. Bắc Trà My, nói. |
Sẽ thống nhất đầu mối quản lý
Trước sự phá rừng nghiêm trọng xảy ra tại RHP Sông Tranh, hiện CQĐT CAH Bắc Trà My đang củng cố hồ sơ để làm rõ hành vi sai phạm của đơn vị, cá nhân liên quan. Tương tự, cũng trong năm 2015, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Nam đã xử lý kỷ luật và luân chuyển công tác đối với ông Nguyễn Trí, Giám đốc BQL Khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh, kiêm Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm rừng đặc dụng Sông Thanh vì do để xảy ra phá rừng tại lâm phận quản lý. Hay việc để rừng giống A Sờ (xã Macooih, H. Đông Giang) do BQLRPH đầu nguồn A Vương quản lý bị phá tan hoang, cuối tháng 10-2015, Phòng Cảnh sát Kinh tế CA tỉnh Quảng Nam cũng đã ra quyết định khởi tố vụ án về hành vi vi phạm các quy định về khai thác và bảo vệ rừng.
Đặc biệt, mới đây ngày 24-2, tại BQLRPH Đắc Mi (xã Phước Hiệp, H. Phước Sơn), Phòng Cảnh sát Kinh tế CA tỉnh Quảng Nam thực hiện lệnh bắt bị can đối với ông Nguyễn Cường, Phó giám đốc phụ trách BQLRPH Đắc Mi về hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Theo kết quả điều tra ban đầu, từ ngày 28-10-2013 đến ngày 12-4-2014, BQL Rừng phòng hộ Đắc Mi đã 5 lần tiến hành kiểm tra về hành vi khai thác lâm sản gỗ trái phép trong lâm phận quản lý của mình, qua đó đã tạm giữ hơn 45m3 gỗ từ nhóm III đến nhóm VII. Theo quy định, sau khi tạm giữ số gỗ trên, BQLRPH Đắc Mi phải chuyển cho các ngành chức năng để xử lý, nhưng với cương vị Phó giám đốc phụ trách BQLRPH Đắc Mi, ông Cường đã tự ý đem bán, cho một số cá nhân và sử dụng làm nhà, trạm cho các bộ phận của Ban. Toàn bộ số tiền bán gỗ ông Cường không nhập vào quỹ cơ quan mà tự ý tiêu xài cá nhân. Qua định giá, cơ quan chức năng xác định số gỗ trên có giá trị hơn 252 triệu đồng...
Có thể thấy, việc giao những cánh rừng nguyên sinh "màu mỡ" cho những chủ rừng quản lý, bảo vệ, nhưng vô hình chung, do buông lỏng quản lý và sự lộng quyền của lãnh đạo các chủ rừng đã tiếp tay cho lâm tặc phá rừng. Và khi rừng đã bị phá thì các đối tượng lại lấy gỗ bán chia nhau tiêu xài cá nhân.
Nói về những sai phạm trong việc quản lý, bảo vệ rừng xảy ra tại các BQL rừng trong thời gian qua, ông Huỳnh Tấn Đức, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Nam cho rằng: "Nguyên nhân thì có rất nhiều và Sở đang có đề án kiện toàn bộ máy để quản lý lại các ban cho hiệu quả hơn. Thời gian đến, chúng tôi sẽ thống nhất các đầu mối quản lý về Chi cục Kiểm lâm và Lâm nghiệp; kiện toàn lại các ban, trên cơ sở công chức kiểm lâm hóa để hoạt động mạnh hơn, có lực lượng bán vũ trang, có công cụ chuyên trách để làm...". ông Đức nói.
Bão Bình