Sớm giải quyết nhiều vấn đề “nóng” về xã hội

Thứ năm, 15/12/2022 14:00
Ngày 14-12, các đại biểu Hội đồng nhân dân Đà Nẵng tiếp tục thảo luận, chất vấn nhiều vấn đề xã hội “nóng bỏng” nổi lên địa bàn thành phố hiện nay, như chương trình có nhà ở, thiếu trường lớp, vật tư y tế, tình hình tội phạm công nghệ cao...
Nhà ở xã hội cho công nhân tại KCN Hòa Khánh.
Chủ tịch HĐND TP Lương Nguyễn Minh Triết điều hành phiên thảo luận.

Kiên trì mục tiêu “có nhà ở”

Vấn đề nhà ở đô thị đang khá bức xúc hiện nay, khi nhu cầu rất cao, nhưng khả năng đáp ứng hạn chế. Đặc biệt với Đà Nẵng thực hiện chương trình “có nhà ở” nhiều năm qua, trong kỳ họp này cũng xem xét thông qua nội dung điều chỉnh chương trình phát triển nhà ở Đà Nẵng giai đoạn 2021-2030. Theo đó, giai đoạn 2021-2025, dự kiến hình thành 504.060m2 sàn, tương đương với 8.401 căn nhà và giai đoạn 2026-2030 là 217.659m2 sàn, tương đương với 3.628 căn nhà. Tuy nhiên, theo đại biểu Nguyễn Lê Mậu Cường, tỷ lệ căn nhà đã hoàn thành so với chỉ tiêu chương trình hiện chưa cao. Vì vậy, TP cần chú trọng đến việc bố trí quỹ đất để phát triển nhà ở phù hợp, nhất là nhà ở xã hội. Trong đó, cần tập chung phát triển chung cư thay vì phát triển nhà ở theo diện rộng. Nhà ở xã hội là chung cư phù hợp với khả năng chi trả của người lao động, công nhân, hiện rất khó khăn về nhà ở.

Thống kê hiện Đà Nẵng có 20.764 căn hộ chung cư đã hoạt động, 10.448 căn hộ đang xây dựng và 24.809 căn đang ở quá trình hoàn thiện pháp lý dự án. Riêng nhà ở cho công nhân, hiện Khu chung cư nhà ở xã hội KCN Hòa Khánh 1.760 căn hộ đã hoàn thành 950 căn; dự án nhà ở công nhân tại Khu đô thị công nghiệp Hòa Khánh (chuyển đổi công năng từ Khu KTX tập trung phía Tây thành phố) 728 căn hộ, đã cơ bản hoàn thành. Ngoài ra TP đã đầu tư ngân sách hoàn thành dự án nhà ở công nhân KCN Hòa Cầm giai đoạn 1 với 285 căn.

Trong thực hiện chương trình có nhà ở giai đoạn tới năm 2030, đại biểu Lê Phú Nguyện đề nghị cần có chính sách ưu tiên cho các gia đình giải tỏa diện tích lớn đông con, khó khăn về chỗ ở. Theo đại biểu Nguyện, nhiều hộ dân ở Sơn Trà trước đây nhà, vườn rộng đến 2.000-3.000 m2, thậm chí là 5.000-7.000 m2 nhưng sau khi giải tỏa, họ chỉ đủ để xây nhà và nộp tiền tái định cư. Đến nay sau 5-10 năm, con cái họ lớn lên và thêm 5-7 đứa cháu trong một căn nhà nên vấn đề nhà ở rất gay gắt vì sống chật chội. Trong khi đó, đại biểu Đoàn Duy Tân kiến nghị việc điều chỉnh chương trình có nhà ở trong giai đoạn này cũng cần quan tâm nhiều hơn đến lực lượng vũ trang. Hiện vẫn còn nhiều cán bộ, quân nhân chuyên nghiệp chưa có đất ở, nhà ở. Thống kê cho thấy, tại Bộ CHQS thành phố hiện có trên 400 và Bộ đội biên phòng TP có trên 300 cán bộ, quân nhân chuyên nghiệp chưa có nhà ở phải thuê, ở nhờ.

Các đại biểu cũng cho rằng, Đà Nẵng cần nghiên cứu, xây dựng chính sách đặc thù, vượt trội về nhà ở và dành nguồn lực đầu tư, xây dựng, bố trí cho thuê chung cư nhà ở xã hội với hộ nghèo bức xúc về nhà ở.

Nhà ở xã hội cho công nhân tại KCN Hòa Khánh.

Khắc phục thiếu trường lớp, vật tư y tế

Thực trạng thiếu trường lớp, học sinh tiểu học không được học 2 buổi/ngày diễn ra cục bộ tại một số địa phương ở Đà Nẵng thời gian qua nhưng đến nay vẫn chưa xử lý dứt điểm. Theo đại biểu Lê Văn Nghĩa, đã qua 2/5 thời gian thực hiện đề án xây dựng, nâng cấp, mở rộng trường học trên địa bàn Đà Nẵng giai đoạn 2021-2025 nhưng đến nay số công trình đầu tư hoàn thành mới đạt khoảng 350 tỷ đồng, tương đương 8% giá trị đề án được duyệt. Nhiều trường lớp đã xuống cấp chưa được sửa chữa, tình trạng quá tải sĩ số học sinh/lớp do thiếu phòng học ở nhiều nơi. Đặc biệt, gần đây tình trạng cán bộ, giáo viên nghỉ việc nhiều, đang đặt ra thách thức lớn với ngành giáo dục. Tính từ tháng 1-2021 đến tháng 6-2022, Đà Nẵng đã có 232 cán bộ, giáo viên nghỉ việc, thôi việc. Số lượng này nhiều tương đương với lượng y, bác sĩ xin nghỉ việc.

Trả lời chất vấn, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Lê Thị Bích Thuận cho biết, tại quận Liên Chiểu mật độ dân số tăng nhanh, việc tổ chức học 2 buổi/ngày gặp nhiều khó khăn. TP đã quan tâm, đầu tư xây dựng mới một số trường trên địa bàn quận, trong đó năm học này sẽ đầu tư 3 trường gồm 2 trường THCS và 1 trường tiểu học. Bà Thuận cũng cho biết, thời gian tới sẽ ưu tiên nguồn lực để thực hiện đề án xây dựng, mở rộng trường học, cũng như tổ chức tuyển dụng để bố trí đủ giáo viên, khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, giáo viên nghỉ việc nhiều thời gian qua.

Tương tự như giáo dục, hiện lĩnh vực y tế số lượng bác sĩ, nhân viên rời bệnh viện công lập nhiều, tuyển dụng khó, trong khi thiếu thiết bị, vật tư y tế, đã ảnh hưởng đến công tác khám chữa bệnh. Năm 2022, Sở Y tế đã tiếp nhận 102 gói thầu mua sắm bổ sung vật tư y tế với hơn 4.500 mặt hàng, trị giá 900 tỷ đồng. Tuy nhiên, tình trạng thiếu vật tư y tế trong việc khám, chữa bệnh vẫn xảy ra ở một số đơn vị như các vật tư y tế đặc thù tại Bệnh viện Đà Nẵng, Bệnh viện Da Liễu, Bệnh viện Mắt; các vật tư y tế thông thường nhưng không trúng thầu trong mua sắm y tế tập trung; các vật tư y tế do phát sinh danh mục kỹ thuật mới được triển khai trong năm nay. Bên cạnh những qui định, vướng mắc gây khó khăn trong mua sắm thiết bị, vật tư y tế thì trong năm qua tỷ lệ khám bệnh của người dân cũng tăng trên 30% so với năm trước (40% ngoại tỉnh), dẫn tới việc dự trù vật tư y tế bị động.

Tội phạm công nghệ cao phức tạp

Đại biểu Trần Tuấn Lợi cho biết tình hình thanh thiếu niên phạm tội đang gia tăng, diễn biến phức tạp, mức độ ngày càng nguy hiểm. Đặc biệt, khi ngành chức năng kiểm tra các quán karaoke, quán bar, vũ trường… đều phát hiện thanh thiếu niên tụ tập sử dụng trái phép chất ma túy. Bên cạnh đó, tội phạm sử dụng công nghệ cao để lừa đảo, cho vay nặng lãi… cũng diễn biến phức tạp, đang đặt ra nhiều thách thức với thành phố.

Đại biểu Phan Văn Dũng cho biết, hiện tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan tới công nghệ cao đang gia tăng về số lượng, tính chất phức tạp, tác động xấu đến nhiều lĩnh vực trong đời sống xã hội. Trong năm 2022 CATP phát hiện xử lý 14 vụ trên 30 đối tượng, tổng số tiền thiệt hại trên 22 tỷ đồng. Theo đại biểu Dũng, thủ đoạn nổi bật của tội phạm trên không gian mạng là khai thác lỗ hổng bảo mật để cài đặt phần mềm độc hại, xâm nhập, tấn công làm sập hệ thống mạng; gửi linke giả mạo yêu cầu người dùng kích vào đăng nhập, thu thập thông tin cá nhân, thẻ tín dụng hoặc mật khẩu liên quan đến thiết bị để chiếm đoạt tài sản. Một thủ đoạn khác, nổi lên là đăng bài tuyển cộng tác viên bán hàng, kêu gọi kinh doanh, đầu tư qua các sàn giao dịch ảo, giả số điện thoại công an, tòa án để yêu cầu cung cấp thông tin tài khoản ngân hàng, chuyển tiền tạm giữ để phục vụ điều tra rồi chiếm đoạt.

Để chủ động phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm trên không gian mạng, đại biểu Phan Văn Dũng kiến nghị tập trung tuyên truyền thường xuyên các phương thức, thủ đoạn của tội phạm công nghệ cao; yêu cầu các doanh nghiệp viễn thông đồng loạt gửi tin nhắn tuyên truyền người dân chấp hành các quy định của pháp luật, ngăn chặn việc mở bán sim rác tràn lan. Ngoài ra, Sở Kế hoạch và Đầu tư cần rà soát, phát hiện các doanh nghiệp núp bóng thành các công ty cho vay hoạt động theo mô hình của công ty tài chính qua app điện tử nhưng không có giấy phép kinh doanh dịch vụ tài chính. Việc rà soát, xử lý các doanh nghiệp núp bóng này sẽ ngăn ngừa tín dụng đen xảy ra. Cũng theo đại biểu Dũng, thành phố cần quan tâm, đầu tư trang thiết bị, để hiện đại hóa, nâng cao năng lực, khả năng tác chiến của lực lượng an ninh mạng và phòng chống tội phạm công nghệ cao của CATP.

HẢI QUỲNH