Sớm giải quyết vấn đề đất sản xuất, trồng rừng không có giấy tờ pháp lý

Thứ năm, 13/02/2020 15:58

Từ năm 2017, khi tìm hiểu thực tế ở các địa phương như Hòa Nhơn, Hòa Khương, Hòa Phú, Hòa Ninh, Hòa Liên, Hòa Bắc thuộc H. Hòa Vang (TP Đà Nẵng) nơi có một diện tích lớn đất trồng cây hàng năm, lâu năm và đất rừng sản xuất, chúng tôi ghi nhận người  dân chưa hề có bất cứ một loại giấy tờ nào mang tính pháp lý trong tay. Đây là vấn đề “nóng”, đã có nhiều kiến nghị trong các kỳ họp HĐND từ cấp huyện đến thành phố... Từ vướng mắc đó, việc ổn định, phát triển sản xuất lâu dài của người dân gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên đến tận đầu năm 2020 này, vướng mắc đó vẫn chưa thể giải quyết...

Nhiều diện tích đất đai ở Hòa Ninh (H. Hòa Vang) bỏ hoang do nằm trong quy hoạch dự án.

Bất ổn khi đất đai không có giấy tờ pháp lý

Ngược lên  xã Hòa Ninh vào một ngày trung tuần tháng 2-2020, chúng tôi được ông Lê Đức Thương- Chủ tịch UBND xã cho biết: “Trên địa bàn xã có 3 loại đất chiếm phần lớn diện tích, liên quan trực tiếp đến đời sống sản xuất của người dân gồm, đất trồng cây hàng năm, trồng cây lâu năm và đất rừng sản xuất. Tuy nhiên, cho đến hiện nay người dân chưa có bất kỳ loại giấy tờ nào mang tính pháp lý về quyền sở hữu, hay hợp đồng thuê, mượn…”. Ông Thương lý giải, Hòa Ninh là xã miền núi, diện tích tự nhiên hơn 10.000 ha, đất sản xuất chiếm tỷ lệ  hơn 9.000 ha, chủ yếu là đất lâm nghiệp. Từ những năm 1990, hầu hết diện tích đất là do người dân khai hoang (chứ không phải lấn chiếm trái phép) để phục vụ cho mục đích sản xuất canh tác phục vụ đời sống. Xã có hơn 1.400 hộ dân, trên 90% sản xuất nông nghiệp, hầu như hộ dân nào cũng có một diện tích đất trồng cây lâu năm, hàng năm và đất rừng sản xuất và đời sống người dân  hoàn toàn phụ thuộc vào thu hoạch từ những diện tích đất đai này. Vấn đề đặt ra, trước thực trạng không có bất cứ một loại giấy tờ  sở hữu mang tính pháp lý nào, người dân không yên tâm đầu tư phát triển sản xuất; không tạo được các nguồn vốn để đầu tư sản xuất; không hoạch định, không mạnh dạn đầu tư, hoặc đầu tư không đúng mục đích sản xuất…

Trong những năm qua, công tác quản lý đất đai của chính quyền và ngành chức năng cũng gặp rất nhiều khó khăn.  Như tại xã Hòa Ninh, hiện chỉ có bản đồ hiện trạng đất đai chung toàn xã, không có sơ đồ, không có tọa độ, không bờ thửa đối với diện tích đất đai của từng hộ người dân. Chính quyền và ngành chức năng không biết quản lý đất đai theo cách nào, người dân chuyển nhượng trái phép cũng không biết, khó khăn nhất là  mỗi khi tranh chấp đất đai… Trung bình một năm có đến hơn 20 vụ tranh chấp, khiếu kiện về đất đai xảy ra.  Việc không có giấy tờ đất, không có sơ đồ thực địa đối với diện tích đất của từng hộ dân, việc người dân lấn chiếm đất sản xuất của nhau, chặt cây rừng trồng “nhầm” diện tích của nhau dẫn đến tranh chấp, khiếu nại, khiếu kiện  gây mất ANTT, chính quyền và ngành chức năng không có cơ sở pháp lý nào để xem xét, xử lý giải quyết.  Người dân có gửi đơn đến tòa án, tòa cũng đành “bó tay” vì không có hồ sơ, giấy tờ đất đai mang tính pháp lý. Cách giải quyết duy nhất của UBND xã là mời người dân đến để làm công tác hòa giải. Cách giải quyết này chỉ nhất thời mang tính ổn thỏa “tại chỗ”, nhưng đằng sau đó, tiềm ẩn tranh chấp, khiếu kiện vẫn còn, mâu thuẫn vẫn âm ỉ… Từ bất cập công tác quản lý đất đai, công tác phòng cháy chữa cháy cũng gặp khó khăn, công tác quản lý bảo vệ rừng cũng không thể chặt chẽ… 

Thực trạng trên không chỉ ở Hòa Ninh mà cũng là thực trạng chung của các xã như Hòa Bắc, Hòa Liên, Hòa Phú… ở H. Hòa Vang

Mỗi năm ở Hòa Ninh (H. Hòa Vang) có đến hơn 20 vụ tranh chấp, khiếu kiện về đất đai, do không có giấy tờ pháp lý, nên khó cho công tác giải quyết của chính quyền.

Cuối năm 2020 mới có giải pháp?

Ông Lê Đức Thương cũng cho biết, trong nhiều năm qua, nhiều lần chính quyền địa phương đề nghị, kiến nghị chính quyền huyện, thành phố làm thủ tục giao đất, thuê rừng, giao đất lâm nghiệp cho người dân. Hầu như năm nào, vấn đề này cũng được cử tri ở Hòa Ninh và các địa phương có đất rừng sản xuất nêu kiến nghị tại các cuộc họp HĐND từ huyện đến thành phố. Chính quyền xã cũng nhận được chỉ đạo nào là phải “xây dựng phương án”, với các nội dung, tình hình đất đai, chi tiết các loại đất, mục tiêu, đối tượng, hạn mức… trình tự thủ tục xét đất, biện pháp quản lý đất… Nhưng phương án xây dựng xong lại “bỏ đó”, để rồi năm sau, hoặc vài năm sau lại xây dựng tiếp!. Mỗi lần “xây dựng phương án” đều phải thuê đơn vị có chức năng tư vấn, nếu năm nào cũng  “xây dựng phương án” thì lấy kinh phí đâu mà thuê…!? Đầu năm 2019, khi triển khai “phương án” lại “lòi” ra vấn đề, hầu hết đất nông nghiệp, lâm nghiệp ở Hòa Ninh đều nằm trong quy hoạch dự án… Mà theo quy định, đất đai nằm trong quy hoạch dự án thi không được “động” vào!. Tính đến cuối năm 2019, trên địa bàn xã Hòa Ninh có hơn 40 dự án quy hoạch, mới có 4 dự án được triển khai. Xã đã kiến nghị, thành phố đã quyết định hủy một dự án “nhà nghỉ chuyên gia” trên diện tích 290 ha, chuyển mục đích 3 dự án trên diện tích 100 ha, chuyển đổi công năng 1 dự án “Học viện tòa án” hơn 10ha… do chậm triển khai và chủ đầu tư không đủ năng lực.

Nhiều địa phương khác ở H. Hòa Vang như Hòa Sơn, Hòa Nhơn, Hòa Liên… cũng có các dự án rơi vào tình trạng như Hòa Ninh. Cuối năm 2019, trước kiến nghị của các địa phương, H. Hòa Vang đã tiến hành tổng rà soát đất đai toàn huyện, phân loại rõ các loại đất đai, các dự án quy hoạch, dự án nào chậm tiến độ, dự án nào chậm triển khai, chủ đầu tư nào không đủ năng lực… Với tiêu chí, chủ đề của huyện năm 2020 là năm “trật tự đô thị”, huyện sẽ báo cáo thành phố, trình Sở Xây dựng, Viện quy hoạch có những giải pháp cụ thể về công tác quản lý đất đai, trong đó có việc xem xét làm thủ tục giấy tờ pháp lý đất sản xuất cho người dân các địa phương. Đây cũng là mong muốn chung của các địa phương vùng Tây Bắc Hòa Vang, nhằm giúp cho chính quyền, người dân địa phương phát triển, ổn định sản xuất bền vững, có hiệu quả, trong chương trình xây dựng nông thôn mới tiếp theo.

HỒNG THANH