Sông “chết” ngày càng… chết!
- Vì nước thải sinh hoạt trong khu vực đều chảy ra con sông này khiến nó ngày càng thêm ô nhiễm nặng và hệ quả là người dân ở hai bờ phải chịu khổ.
- Sự thể thế nào Tư?
- Là vầy, từ khi dự án chợ cùng khu phố chợ mới Vĩnh Điện được xây dựng mới tại P. Vĩnh Điện (TX Điện Bàn) được đưa vào sử dụng đã giải quyết những bức thiết của người dân về nhu cầu chỗ ở, buôn bán… Nhưng từ đây, sông Giáp Ba lại ngày càng trở nên ô nhiễm nặng…
- Hiểu rồi, do lượng nước thải xả ra từ hoạt động kinh doanh ở chợ và nước thải sinh hoạt trong khu dân cư?
- Thì đó, chợ và khu phố chợ nằm giữa 2 con sông Vĩnh Điện và sông Giáp Ba. Thay vì chọn phương án nước thải đổ ra sông Vĩnh Điện nước thường xuyên lưu thông, chủ đầu tư đã thi công theo phương án toàn bộ nước thải tại đây đổ ra sông Giáp Ba. Do đây là dòng sông “chết”, nước chỉ lưu thông theo thủy triều song mỗi ngày phải nhận hàng trăm mét khối nước thải từ việc mua bán các loại thực phẩm, nước thải sinh hoạt chưa qua xử lý. Do tồn đọng lâu ngày, nước thải bốc mùi hôi thối, gây ô nhiễm môi trường (nhất là mùa nắng), ảnh hưởng xấu đến đời sống của hàng trăm hộ dân sống 2 bên bờ sông thuộc khối phố 4 (P. Vĩnh Điện) và khối phố Ngọc Liên, Ngọc Tam (P. Điện An, TX Điện Bàn).
- Người dân phản ánh với chính quyền?
- Gần như buổi tiếp xúc cử tri nào người dân cũng phản ánh nhưng tình trạng ô nhiễm ở đây vẫn không được khắc phục.
- Vì sao?
- Theo đơn vị chức năng có 2 phương án để khắc phục tình trạng trên: một là xây dựng nhà máy xử lý nước thải; hai là xây dựng hệ thống thoát nước mới đổ ra sông Vĩnh Điện. Tuy nhiên, cả hai phương án đều không khả thi vì tốn kinh phí quá lớn và nằm ngoài “phạm vi điều chỉnh” của cơ quan chức năng tại TX Điện Bàn.
- Ủa, vậy khó là bỏ thí như vậy mãi hay sao? Bề Tui thiển nghĩ, việc trong khu vực có chợ và khu dân cư đông đúc như vậy thì việc đầu tư xây dựng nhà máy xử lý nước thải là điều cần thiết để đảm bảo môi trường về lâu dài.
Bề Tui