Sống chung với thiên tai
Đặc điểm chung của thiên tai là đều ảnh hưởng tiêu cực tới môi trường, dẫn tới những thiệt hại về tài chính, con người. Thiệt hại do thiên tai phụ thuộc vào khả năng chống đỡ và phục hồi của con người với nó. Qua nhiều trận bão mạnh, trận lũ lụt lớn, chúng ta đã có những “bài” phòng chống bài bản mang tính “cẩm nang” được đúc rút qua nhiều năm, điển hình nhất là phương châm “4 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện, vật tư tại chỗ; hậu cần tại chỗ). Tuy nhiên, với tình trạng biến đổi khí hậu diễn biến ngày càng phức tạp, khó lường như hiện nay thì việc phòng, chống thiên tai cần được nâng lên cấp độ cao hơn nhằm đối phó một cách chủ động hơn với những kịch bản, bài xử lý tình huống từ sớm, từ xa. Theo đó, việc phòng chống ngập đô thị cũng không phải là ngoại lệ.
Đi sâu về câu chuyện ngập ở đô thị, với đặc điểm, đặc thù là mật độ dân cư cao, quá trình bê-tông hóa, sự phát triển nhanh của các công trình xây dựng, hệ thống thoát nước chưa bắt kịp với những biến đổi ngày càng phức tạp của thời tiết như hiện nay, các đô thị, nhất là các đô thị lớn như Đà Nẵng rất dễ bị tổn thương, đối mặt với mức độ rủi ro rất cao.
Trận ngập lịch sử ngày 14-10 đã vượt qua mọi dự đoán về mức độ thiệt hại, mặc dù vấn đề dự báo của cơ quan khí tượng thủy văn là khá chính xác. Phải nhìn nhận khách quan là trong nhiều năm trở lại đây, công tác dự báo thiên tai của nước ta ngày càng đi vào chuyên nghiệp, độ chính xác ngày càng cao, tạo ra sự tin tưởng của người dân. Biết được mức độ, quy mô của từng cơn bão, đợt mưa để có cách phòng, chống và bình tĩnh “sống chung” với nó là một vấn đề phải được đặt lên hàng đầu.
Một khi bão lớn, cây cối ngã đổ, điện mất, tôn bay... thì yếu tố “tại chỗ” là đương nhiên và rất có ý nghĩa đối với mỗi người dân. Điều quan tâm về “tại chỗ” ở đây là phải đảm bảo an toàn cả về tính mạng lẫn vật chất. Không chỉ bão mà mưa lớn và ngập nặng cũng không thể xem nhẹ yếu tố này. Khi nước ngập lút bánh xe ngoài đường, ngập đến thắt lưng người tại các ngôi nhà trong phố, mới thấy ý nghĩa của “tại chỗ”. Do đó, việc dự báo phải luôn đi với cảnh báo trước mức độ nguy hiểm của các loại hình thiên tai để người dân “tại chỗ” một cách chủ động. Lấy dẫn chứng trận ngập vừa qua, nếu cảnh báo bằng các quy định bắt buộc như: không được ra đường nếu không thật sự cần thiết; cho học sinh nghỉ học một cách chủ động v.v.. sẽ hạn chế được rất nhiều sự thiệt hại về con người và vật chất. Để “4 tại chỗ” đối với ngập cũng như bão lũ, công tác phòng chống cần lưu ý tới trách nhiệm của các cơ quan chuyên môn, nhất là Công ty Thoát nước và Xử lý nước thải, Công ty Môi trường đô thị, Công ty Công viên-Cây xanh, Điện lực trong việc khơi thông cống rãnh định kỳ, đốn tỉa cây xanh, thu gom rác, đảm bảo an toàn hệ thống điện... thường xuyên, và cả vai trò của tổ dân phố trong việc huy động lực lượng mở hết các tấm che chắn miệng cống mà người dân thường đậy lại để chống hôi...
Trong bối cảnh nước dâng cao, vấn đề an toàn tính mạng cũng cần được quan tâm đặc biệt. Việc “ai ở yên đó” là rất quan trọng. Bên cạnh đó, vẫn cần có những bộ phận không thể “ở yên”, đó là lực lượng vũ trang, y tế, điện lực... Họ phải luôn trong tư thế sẵn sàng ứng cứu các trường hợp cần cứu nạn, cứu hộ, cấp cứu, sự cố... Đến đây, lại phải quan tâm đến phương tiện di chuyển trong điều kiện ngập nước, khi mà phương tiện di chuyển đường bộ gần như là “đứng bánh”.
Lấy bối cảnh ngập vừa qua ở Đà Nẵng, giả sử có trường hợp cần phải cấp cứu như thai phụ chuyển dạ, người lên cơn đột quỵ... thì để kêu xe cấp cứu hay các phương tiện như taxi, grab là hoàn toàn không khả thi; kể cả gia đình ai đó có phương tiện cá nhân cũng không thể ra khỏi nhà trong những thời điểm nguy cấp do nước dâng cao. Có người sẽ nghĩ đến phương tiện ghe thuyền. Tuy nhiên, phương án này cũng không mấy khả thi do đặc điểm của đô thị, độ bằng phẳng của các khu vực không giống nhau nên ghe thuyền không phải lúc nào cũng dễ dàng di chuyển, trong lúc cấp bách phải cần sự cơ động nhanh, kịp thời. Đó là chưa kể, mưa bão và ngập cùng một lúc diễn ra. Phương án cuối cùng có lẽ chỉ là xe đặc chủng hay còn gọi là xe lội nước của lực lượng quân đội, công an. Dẫn chứng rõ nhất là trường hợp xe đặc chủng của quân đội đã kịp thời đưa 1 phụ nữ chuyển dạ đến bệnh viện sinh “mẹ tròn con vuông” ở Q.Liên Chiểu trong cơn bão số 4 cách đây chưa lâu.
Một yếu tố nữa rất cần thiết khi bị ngập là sự an toàn của mọi người khi ở lại tại nơi cư trú của mình. Họ phải được hướng dẫn, tập huấn về kỹ năng thoát hiểm, phòng đuối nước, các biện pháp về an toàn, điện do nước dâng ngập các thiết bị điện trong nhà trong khi điện chưa cắt...
Yếu tố ý thức của mỗi người dân cũng không kém phần quan trọng. Đơn giản như chuyện người dân ở một con đường, tuyến phố, tổ dân phố đồng lòng với tinh thần trách nhiệm bảo nhau đi mở những tấm chắn tự phát tại các miệng cống trước nhà mình, cũng sẽ giảm thiểu đáng kể tình trạng ngập nước v.v.
Trận mưa vừa qua với cường độ cực lớn trong một thời gian ngắn cộng với những yếu tố mang tính “cộng hưởng” như triều cường, hệ thống thoát nước không tương thích với lượng mưa cấp tập, ý thức của người dân trong việc phòng chống v.v…, là “bài học đắt giá” cần đặt ra cho chính quyền và các cơ quan chuyên môn nghiên cứu, xây dựng các phương án để có thể đối phó với mọi tình huống với các kịch bản khác nhau, nhằm đạt được mục đích cuối cùng là hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và của. Đã đến lúc, “sống chung với thiên tai” phải được xem là một nội dung cần được quan tâm một cách nghiêm túc, nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng có những diễn biến phức tạp, khó lường.
Dân Hùng