Steve Jobs chia tay “con đẻ” Apple

Thứ sáu, 26/08/2011 00:00

(Cadn.com.vn) - Steve Jobs - người đã có công làm thay đổi thế giới với những thiết bị như iPod, iPhone, iPad, một bậc thầy về marketing và công nghệ thông tin đã bất ngờ từ chức hôm 24-8, để lại một khoảng trống trong thế giới công nghệ số hiện đại.

“Cơn bão” đổ bộ Thung lũng Silicon

Một “cơn bão lớn” bất ngờ kéo đến Thung lũng Silicon khi các hãng tin hàng đầu thế giới ngày 25-8 đều đồng loạt đưa thông tin Giám đốc điều hành (CEO) Tập đoàn máy tính khổng lồ Apple, Steve Jobs từ chức. 

“Tôi luôn luôn nói rằng, nếu một ngày tôi không thể hoàn thành trách nhiệm của mình cũng như những kỳ vọng ở tôi với tư cách giám đốc điều hành của Apple, tôi sẽ thông báo để quý vị biết. Thật không may, ngày đó đã đến”, Steve Jobs viết trong bức thư từ chức ngắn ngủi nhưng cảm động Apple vừa công bố. Tuy nhiên, Apple cho biết, sau khi rời chức CEO, Steve Jobs vẫn được bầu làm Chủ tịch hãng. Chiếc ghế CEO của ông sẽ do Giám đốc phụ trách hoạt động Tim Cook đảm nhận. Ông Tim Cook từng làm CEO tạm quyền trong 2 tháng vào năm 2004 khi ông Jobs chữa bệnh.

“Cha đẻ” Apple từ lâu đã phải điều trị căn bệnh ung thư tuyến tụy và từng phải ghép gan vào năm 2009. Hồi tháng 1 năm nay, Steve Jobs thông báo nghỉ ngơi một thời gian nhưng không nói rõ nguyên nhân vì vấn đề sức khỏe, khiến giá cổ phiếu của Apple bị sụt giảm nghiêm trọng. Sau đó, “thầy phù thủy công nghệ” 55 tuổi này tái xuất hiện tại sự kiện Apple ra mắt mẫu iPad mới nhất vào tháng 3 vừa qua cũng như tham dự tiệc tối dành cho các lãnh đạo doanh nghiệp công nghệ ở thung lũng Silicon do Tổng thống Mỹ Barack Obama tổ chức.

Và lần này, Steve Jobs lại xuất hiện với tuyên bố từ chức.

Steve Jobs từ chức CEO Apples sau nhiều năm gắn bó. Ảnh: AP 

Huyền thoại công nghệ số

Steve Jobs được coi là trái tim và sinh mệnh của Apple. Với những thành công vang dội dưới thời cầm quyền của mình, Jobs được ví như Vua Midas trong thần thoại Hy Lạp, có biệt tài chạm tay tới đâu là ở đó hóa vàng. Với những dòng thiết bị công nghệ mới và nhiều tính năng hấp dẫn, Steve Jobs được ca ngợi giúp toàn thế giới thay đổi nhận thức và phương pháp tiếp cận với công nghệ thông tin.

Năm 1976, khi mới 21 tuổi, ông cùng với người bạn tên Wozniak lập ra hãng Apple chỉ với 2 nhân công duy nhất đó. Sản phẩm đầu tiên của họ là máy tính cá nhân Apple I. Tuy nhiên, chỉ khi chiếc Apple II xuất hiện, thì cái tên Apple non trẻ trong làng công nghệ thế giới mới được chú ý đến. Để rồi từ đó đến năm 1980, Apple trở thành thành một Cty tầm cỡ quốc tế với hàng ngàn nhân viên khắp thế giới. Năm 1983, Jobs thành công khi thuyết phục giám đốc điều hành của Pepsi lúc đó là John Sculley cộng tác với câu nói nổi tiếng: “Ông có muốn dùng cả đời mình bán thứ nước có đường đó cho trẻ con, hay muốn có cơ hội thay đổi thế giới?”. Một năm sau, dòng máy tính Macintosh đầu tiên trên thế giới với một giao diện đồ họa dễ sử dụng ra đời.

Tuy nhiên, mọi việc không mãi được suôn sẻ. Mặc dù là một thiên tài về kinh doanh lẫn kỹ thuật công nghệ, nhưng tính cách luôn kiên định với những lý tưởng và sản phẩm của mình khiến Steve Jobs không ít lần xung đột với đồng nghiệp và dư luận. Khi mối quan hệ của Jobs và Sculley ngày càng xấu đi, Jobs rời Apple năm 1985. Nhưng Apple dường như là định  mệnh của Jobs. Năm 1997, ông trở lại Apple và ngay lập tức hồi sinh “đứa con cưng” đang trên bờ vực phá sản này. Đến năm 2007, Apple chính thức lấn sân sang ngành truyền thông đa phương tiện, với sự kiện đáng nhớ vào tháng 6-2007, iPhone ra đời và lập tức gây sốt khi 6 triệu chiếc được mua hết trong một thời gian ngắn. Và gần đây nhất là dòng sản phẩm iPad như có một ma lực thu hút hàng triệu tín đồ công nghệ số trên toàn thế giới.

Apple thậm chí còn dự kiến sẽ ra mắt phiên bản mới của mẫu điện thoại thông minh iPhone vào mùa Thu năm nay, nhằm mở rộng thị phần tại Trung Quốc. Với tốc độ phát triển đó, các nhà đầu tư và chuyên gia phân tích cho rằng, Apple có thể soán ngôi của Exxon trong vòng 6 tháng tới, hoặc muộn nhất là tới giữa năm 2012. Nhưng nếu không có Steve Jobs,  chắc chắn sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến tham vọng của “gã khổng lồ” Apple.

Thanh Văn