Sử dụng thẻ căn cước công dân không bị theo dõi và không thể theo dõi được

Thứ năm, 26/10/2023 06:35
Ngày 25-10, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Căn cước. Các đại biểu cơ bản thống nhất với tên gọi, phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng của luật.
Bộ trưởng Tô Lâm phát biểu tại phiên thảo luận.
Bộ trưởng Tô Lâm phát biểu tại phiên thảo luận.

Ngoài các vấn đề chính nêu trên, các đại biểu Quốc hội còn góp ý vào những điều luật cụ thể của dự thảo Luật Căn cước như quy định về giải thích từ ngữ, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước, căn cước điện tử; việc thu thập, cập nhật thông tin và quản lý, kết nối, chia sẻ, khai thác, sử dụng thông tin trong cơ sở dữ liệu; về thẩm quyền cấp, thời hạn cấp và đổi thẻ...

Giải trình tại phiên họp, Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an cho biết: "Có đại biểu băn khoăn việc sử dụng chip hoặc QR code có bị theo dõi không? Bộ Công an khẳng định, việc sử dụng thẻ căn cước có gắn chip điện tử và QR code, căn cước điện tử không bị theo dõi và không thể theo dõi được. Bộ Công an cũng như bất cứ cơ quan nào không được và không thể làm việc này. Đồng thời, chúng tôi có trách nhiệm bảo đảm an ninh, an toàn cho công dân - những người sử dụng thẻ không bị theo dõi bởi bất cứ cơ quan nào".

Kết lại nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, các đại biểu Quốc hội đánh giá cao sự chủ động, tích cực của cơ quan chủ trì thẩm tra cũng như cơ quan soạn thảo, cơ bản tán thành với nội dung dự thảo luật qua tiếp thu, chỉnh lý và báo cáo tiếp thu, giải trình.Phó Chủ tịch Quốc hội yêu cầu, Tổng Thư ký Quốc hội tổng hợp đầy đủ các ý kiến; Ủy ban Quốc phòng An ninh cần khẩn trương chủ trì, phối hợp các cơ quan tổ chức tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, giải trình và chỉnh lý dự thảo luật, hoàn thiện báo cáo trình Quốc hội xem xét thông qua bảo đảm chất lượng, đúng chương trình kỳ họp và tạo được sự đồng thuận cao.

B.T