Sự thật về việc Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai "lén" ký văn bản cho xây dựng thủy điện An Khê - Ka Nak

Thứ bảy, 11/06/2016 20:11

(Cadn.com.vn) - Công trình thủy điện An Khê - Ka Nak nằm trên địa phận 2 tỉnh Gia Lai và Bình Định được chính thức khởi công vào ngày 26-11-2005. Đến nay, sau khi đưa vào hoạt động đã bộc lộ nhiều nhược điểm cần phải khắc phục để đảm bảo đời sống, sinh hoạt cho người dân Gia Lai và Bình Định. Vừa qua, có thông tin cho rằng công trình này được xây dựng vì Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai vào thời điểm đấy đã "lén" ký văn bản chấp thuận cho phép xây dựng. Để rộng đường dư luận, chúng tôi đi tìm sự thật của cái gọi là "lén lút" để ký một văn bản lớn thì sự thật được sáng tỏ như sau.

Trở lại quá trình hình thành nên công trình thủy điện An Khê - Ka Nak, ngày 21-8-2001,  UBND tỉnh Gia Lai có Công văn số 1284/UB-CN về việc xây dựng thủy điện An Khê - Ka Nak. Công văn trên do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Hồng Nam ký thay Chủ tịch UBND tỉnh, có đoạn: "Sau khi xin ý kiến Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai, UBND tỉnh Gia Lai nhất trí để Tổng Cty Điện lực Việt Nam tiến hành khảo sát lập dự án tiền khả thi, khả thi thủy điện Sông Ba Hạ". Trong công văn này có yêu cầu: nghiên cứu kỹ để giảm chiều cao đập, hạ mức nước dâng bình thường xuống khoảng 100-105m để hạn chế được mức thấp nhất diện tích bị ngập và số dân phải tái định cư. Cũng cần lưu ý rằng, trong Công văn 1284, UBND tỉnh Gia Lai đề nghị Bộ Công nghiệp và Tổng Cty điện lực Việt Nam đảm bảo cho được sử dụng nguồn nước phục vụ cho sản xuất và sinh hoạt của người dân sinh sống ở hạ lưu sông Ba. Công văn này cũng đã gửi tới Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai để báo cáo.

Tiếp theo  ngày 25-1-2002, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Nguyễn Vỹ Hà ký Công văn số 124/UB-CN gửi Bộ Công nghiệp và Tổng Cty Điện lực Việt Nam cũng nói rất rõ: đề nghị Bộ Công nghiệp và Tổng Cty Điện lực Việt Nam lưu ý các thông số kỹ thuật chủ yếu khi xây dựng nhà máy này để đảm bảo lượng nước cần cho sinh hoạt, sản xuất của nhân dân và lượng điện sản xuất hàng năm.

Công văn đồng ý cho xây dựng thủy điện An Khê - Ka Nak của Thủ tướng Chính phủ
và Công văn 1284 của UBND tỉnh Gia Lai.

Sau khi có những cuộc khảo sát, xây dựng phương án, họp thống nhất giữa các Bộ, ngành Trung ương và UBND 2 tỉnh Gia Lai, Bình Định và Tổng Cty Điện lực Việt Nam thì ngày 15-6-2005, Thủ tướng Chính phủ ban hành Công văn số 785/TTg-CN cho phép đầu tư dự án nhà máy thủy điện An Khê - Ka Nak. Đồng thời, Thủ tướng cũng yêu cầu đơn vị chủ đầu tư là Tổng Cty Điện lực Việt Nam cần tiếp thu ý kiến của các bộ, ngành, địa phương liên quan khi xây dựng nhà máy này.

Tại buổi lễ khởi công xây dựng ngày 26-11-2005, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai thời điểm đó là ông Phạm Thế Dũng đã phát biểu: "Phương án xây dựng của công trình này thì công trình đầu mối thuộc địa bàn TX An Khê (Gia Lai), nhưng nhà máy thì nằm ở địa phận H. Tây Sơn (H. Bình Định). Vì vậy, sau khi phát điện xong thì dòng chảy sông Ba sẽ chuyển sang sông Côn mà không trả lại dòng chảy về hạ lưu của sông Ba. Nằm ở phía hạ lưu đập An Khê là 5 huyện, thị của tỉnh Gia Lai gồm An Khê, Ia Pa, Ayun Pa, Kông Chro và Krông Pa. Vào mùa kiệt hàng năm thường bị hạn hán gay gắt, thiếu nước sản xuất, thiếu nước sinh hoạt và trên sông Ba nước gần như cạn kiệt. Do vậy, để giải quyết vấn đề thiếu nước cho nhân dân vùng hạ lưu là vấn đề rất quan trọng. Tỉnh Gia Lai đề nghị Chính phủ cho đầu tư xây dựng một hồ điều hòa nước sau đập của công trình này".

Qua những gì chúng tôi vừa trình bày sơ lược ở trên thì thấy rằng việc xây dựng thủy điện An Khê - Ka Nak là việc công khai đã được nhiều cấp, nhiều ngành từ Trung ương đến địa phương chấp thuận và đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định, còn chuyện cho rằng Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai thời điểm đó lén lút ký để cho xây dựng là ý kiến không khách quan, không hiểu biết quy trình, quy phạm ban hành 1 văn bản có tính chất quy phạm pháp luật. Thiết nghĩ, đây cũng là bài học trong công tác thông tin, nghiệp vụ chỉ nghe mà không có những chứng cứ khác làm cơ sở vững chắc cho bài viết của mình thì dễ phát sinh sự hiểu lầm hoặc bất bình trong xã hội.

Duy Anh