“Sự yên ắng đáng sợ” của Al-Qaeda ở Afghanistan (Kỳ cuối: Những mối quan hệ chằng chéo)
Trong quá khứ, Al-Qaeda đã công khai thừa nhận mối quan hệ thân tình với Taliban. Giới lãnh đạo trong quá khứ cũng như hiện tại, bao gồm cả hai trùm khủng bố Osama Bin Laden và Zawahiri, thường xuyên bày tỏ lòng kính trọng đối với Taliban, thậm chí còn đặt tên một trong những lữ đoàn đặc biệt của nhóm theo tên người sáng lập Taliban là Mullah Mohammed Omar.
Một tấm áp phích và hình ảnh được sử dụng để nhận dạng Osama Bin Laden được trưng bày tại cuộc triển lãm “Tiết lộ: Cuộc săn lùng Bin Laden” tại Bảo tàng Tưởng niệm 11-9, ngày 7-11-2019, ở New York. Ảnh: AFP |
Mối quan hệ lâu bền
Mối quan hệ giữa Al-Qaeda và Taliban được thể hiện rõ trong tuyên bố công khai của Zawahiri sau khi Al-Qaeda rút khỏi Waziristan, Pakistan vào đầu năm 2015, nơi từng là thành trì của nhóm này trong hơn một thập kỷ kể từ năm 2004. Al-Qaeda đã bị Mỹ đánh đuổi khỏi khu vực bằng chiến dịch tấn công bằng máy bay không người lái và một chiến dịch quy mô lớn của quân đội Pakistan. Trong tuyên bố, Zawahiri thừa nhận rằng đó là một giai đoạn khó khăn đối với Al-Qaeda đồng thời bày tỏ lòng biết ơn đối với Taliban vì đã giải cứu Al-Qaeda khỏi Waziristan trong thời điểm khó khăn đó, đưa các thành viên Al-Qaeda vào các thành trì bên trong Afghanistan.
Tuy nhiên, sự bảo vệ của Taliban đối với Al-Qaeda bị hạn chế. Bằng chứng rõ ràng nhất là các lãnh đạo cấp cao của Al-Qaeda, bao gồm Hamza Bin Laden và Shaikh Abu Khalil al-Madni, đã bị tiêu diệt trong các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của Mỹ tại các thành trì của Taliban sau khi Al-Qaeda rút khỏi Waziristan. Vụ sát hại Hussam Abdul Rauf, kẻ đứng đầu cơ quan truyền thông của Al-Qaeda gần đây, cũng cho thấy các thành viên cấp cao của Al-Qaeda không được Taliban bảo vệ. Các lãnh đạo cấp cao chi nhánh khu vực Nam Á của Al-Qaeda (AQIS) gần đây cũng đã bị giết trong các chiến dịch chống khủng bố của Mỹ nhằm vào các thành trì của Taliban ở Afghanistan.
Các nguồn tin của Afghanistan và Mỹ xác nhận những vụ tấn công này, nhưng Al-Qaeda và Taliban đã rất kín tiếng. Nhiều nhà phân tích Afghanistan và phương Tây coi sự im lặng là một phần của chiến lược nhằm che giấu mối quan hệ lâu bền giữa hai bên. Mặc dù Al-Qaeda đã vi phạm các mệnh lệnh nghiêm ngặt của thủ lĩnh Taliban Mullah Omar khi tiến hành vụ tấn công 11-9, và cả việc lập các kế hoạch trên đất Afghanistan, nhưng Taliban chưa bao giờ đổ lỗi hoặc chỉ trích Al-Qaeda về những khoản chi phí khổng lồ mà họ phải trả cho các cuộc tấn công. Ngược lại, Taliban coi sự sụp đổ của nhóm cũng như những tổn thất và những khó khăn mà nhóm phải đối mặt do Al-Qaeda gây ra là một sự hy sinh tôn giáo to lớn và cần thiết.
Một số thủ lĩnh cấp cao của Taliban nhiều lần bày tỏ sự ngưỡng mộ đối với Al-Qaeda. Các tài liệu mật được thu giữ từ nơi ẩn náu của trùm khủng bố Osama bin Laden xác nhận mối quan hệ giữa Al-Qaeda và Taliban không chỉ giới hạn trong các tuyên bố công khai. Lãnh đạo của cả hai nhóm có mối quan hệ mật thiết, thường xuyên trao đổi ý kiến về những vấn đề quan trọng. Các tài liệu này tiết lộ rằng, Al-Qaeda tiếp tục hỗ trợ kinh tế cho Taliban, giống như nhóm này đã từng làm trước vụ 11-9. Ngoài ra còn có hàng loạt bằng chứng video do các phương tiện truyền thông chính thống của Al-Qaeda công bố cho thấy các thành viên của nhóm này chiến đấu dưới sự chỉ huy của Taliban ở nhiều tỉnh của Afghanistan.
Al-Qaeda muốn Mỹ rút khỏi Afghanistan
Rõ ràng ngay từ đầu Taliban đã thông báo cho Al-Qaeda về các cuộc đàm phán bí mật của nhóm với Mỹ. Tayyab Agha, người đứng đầu văn phòng chính trị của Taliban, người đã thiết lập liên lạc với chính phủ Mỹ, trước đây từng liên hệ trực tiếp với Osama bin Laden. Agha thậm chí còn gửi thư cho Bin Laden 2 tuần trước khi ông trùm bị tiêu diệt.
Một lá thư mà trùm khủng bố Bin Laden gửi cho cấp phó của y ở Waziristan vào thời điểm đó tiết lộ rằng, y lo sợ một số thủ lĩnh Taliban sẽ không đứng lên chống lại các yêu cầu của Mỹ đối với Al-Qaeda. Bin Laden thậm chí đã đề xuất một “Kế hoạch B” để giúp Taliban trong trường hợp có bất kỳ áp lực nào như vậy, theo đó các thủ lĩnh Al-Qaeda sẽ ẩn náu bên ngoài Afghanistan, bao gồm cả ở Pakistan, sau đó bí mật xâm nhập trở lại và phân tán trong nước. Nhưng Taliban đã không bao giờ cần thực hiện kế hoạch B của Bin Laden.
Việc thành lập AQIS, chi nhánh khu vực Nam Á của Al-Qaeda, cũng có thể được coi là một phần trong chiến lược rộng lớn hơn của Al-Qaeda nhằm thúc đẩy Mỹ rút khỏi Afghanistan. Phân tích của các cơ quan truyền thông của AQIS cho thấy, nhóm này chủ yếu tham gia chiến đấu chống lại lực lượng Mỹ và Afghanistan ở Afghanistan chứ không phải trên toàn cầu. AQIS chưa bao giờ cố gắng hoặc cho thấy bất kỳ tham vọng khủng bố xuyên quốc gia nào chống lại các đồng minh của Mỹ bên ngoài Afghanistan và Pakistan, như những gì Al-Qaeda tại Waziristan đã làm trong giai đoạn 2004-2011.
Vì Al-Qaeda đã hỗ trợ hoàn toàn cho Taliban trong cuộc nổi dậy kéo dài 2 thập kỷ chống lại các lực lượng Mỹ và chính phủ Afghanistan, nên nhóm có khả năng sẽ ủng hộ thỏa thuận hòa bình của Taliban với Mỹ nhằm đạt được mục tiêu cơ bản là “đuổi” Washington ra khỏi Afghanistan. Taliban rõ ràng vẫn là đối tác chiến lược quan trọng nhất của Al-Qaeda trong khu vực. Và vẫn chưa rõ liệu Al-Qaeda sẽ tìm cách sử dụng Afghanistan để bí mật che chở cho các lãnh đạo của nhóm và giám sát các kế hoạch toàn cầu của nhóm, hay lại lên kế hoạch cho các hoạt động khủng bố chống lại Mỹ và các đồng minh, trong đó có việc khôi phục lại quyền lực cho Taliban. Dù thế nào đi nữa, sự im lặng của Al-Qaeda ở Afghanistan cũng luôn tiềm ẩn nguy cơ chết người.
AN BÌNH