Sửa Điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội

Thứ sáu, 22/05/2015 07:50

(Cadn.com.vn) - Đó là những nội dung quan trọng được đưa ra trong ngày 21-5, kỳ họp thứ 9, QH khóa XIII. Đáng chú ý là Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Thị Hải Chuyền đã thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày báo cáo về Điều 60 của Luật Bảo hiểm Xã hội (BHXH) năm 2014. Đây là điều luật đang khúc mắc, khiến người lao động bức xúc trong thời gian qua.

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Thị Hải Chuyền trình bày báo cáo về Điều 60
của Luật Bảo hiểm Xã hội năm 2014.

Tạo cơ chế linh hoạt trong chính sách BHXH

Theo trình bày, Chính phủ báo cáo QH xem xét, điều chỉnh Điều 60 theo hướng trước mắt là cho phép người lao động có quyền lựa chọn hưởng BHXH một lần hoặc tiếp tục bảo lưu thời gian đóng như quy định của Luật BHXH năm 2006. Nội dung này cũng sẽ được xem xét, điều chỉnh tương đồng đối với cả người lao động tham gia BHXH tự nguyện. Bộ Trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Thị Hải Chuyền, nói: “Với việc sửa đổi này sẽ tạo cơ chế linh hoạt trong chính sách BHXH, đáp ứng được nguyện vọng của một bộ phận người lao động không có điều kiện và khả năng tiếp tục tham gia BHXH”.

Chủ tịch Tổng liên đoàn lao động Việt Nam Đặng Ngọc Tùng cũng cho rằng, hoàn toàn tán thành việc Chính phủ đề xuất QH sửa Điều 60 Luật BHXH. Ông cho biết trong thời gian lấy ý kiến góp ý xây dựng luật, ông và Tổng liên đoàn đã đề nghị giữ nguyên điều 60 để người lao động có quyền lựa chọn. “Về lâu dài, điều 60 theo luật mới là phù hợp, có lợi cho người lao động. Trên thực tiễn có những người vì nhiều lý do không thể tiếp tục lao động nữa, cần một khoản tiền để mưu sinh hay làm một nghề nghiệp khác, vì vậy chúng ta phải giải quyết nguyện vọng của họ”- ông Tùng nói.

Trong phiên họp buổi sáng, Chính phủ cũng đề nghị lùi thời hạn trình dự án Luật biểu tình sang kỳ họp thứ 2 QH khóa XIV. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật (UBPL) của QH Phan Trung Lý cho hay ý kiến của UBTVQH cho rằng đây là một trong những dự án quan trọng cần được sớm ban hành nhằm cụ thể hóa quy định Hiến pháp, tạo hành lang pháp lý để Nhà nước quản lý các hoạt động này.

UBTVQH cũng cho biết, tán thành với sự cần thiết trình QH ban hành văn bản pháp luật để thực hiện Điều 53 của Luật phòng, chống tham nhũng năm 2004 (sửa đổi, bổ sung năm 2012) “Chính phủ trình Quốc hội ban hành văn bản quy phạm pháp luật về kiểm soát thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn”. Tuy nhiên, hiện nay Đề án cơ chế kiểm soát thu nhập đối với người có chức vụ, quyền hạn đang trong giai đoạn xây dựng, hoàn chỉnh. Do vậy, đề nghị xem xét việc ban hành văn bản quy định về vấn đề này khi xem xét việc sửa đổi Luật.

Tất cả các chất vấn phải được trả lời trực tiếp?

Về dự án Luật hoạt động giám sát của QH và HĐND, Chủ nhiệm UBPL của QH Phan Trung Lý cho biết, UB tán thành với dự thảo Luật quy định về chất vấn theo hướng, người bị chất vấn có trách nhiệm trả lời các câu hỏi chất vấn ngay tại kỳ họp QH, kỳ họp HĐND, phiên họp UBTV QH, phiên họp Thường trực HĐND. Đối với một số trường hợp mà chất vấn chưa thể trả lời trực tiếp ngay tại phiên họp thì QH, HĐND cho trả lời bằng văn bản. Đối với chất vấn tại kỳ họp thì căn cứ vào chương trình kỳ họp mà QH, HĐND quyết định danh sách những người trả lời chất vấn, nội dung nhóm vấn đề chất vấn.

Chủ nhiệm UBPL của QH Phan Trung Lý nói: “có ý kiến cho rằng, chất vấn là công cụ giám sát rất mạnh, tác động lớn đến hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan Nhà nước, nhưng nó chỉ thực sự mạnh khi chất vấn được tiến hành trực tiếp và công khai. Do đó, tất cả các chất vấn phải được trả lời trực tiếp. UBPL tán thành việc sửa đổi, bổ sung việc quy định cụ thể hơn về đối với mọi hoạt động giám sát, sau khi kết thúc giám sát, chủ thể giám sát phải có ý kiến chính thức bằng văn bản. Phải nêu rõ những mặt đã làm được, mặt chưa làm được, hạn chế của đối tượng chịu sự giám sát, các biện pháp, kiến nghị xử lý cụ thể. Đồng thời, chủ thể giám sát phải chịu trách nhiệm về nghị quyết, kết luận, kiến nghị của mình”.

Công bằng trong thực hiện nghĩa vụ quân sự

Về dự thảo Luật nghĩa vụ quân sự (sửa đổi), theo UBTVQH thì đang  có ý kiến về đề nghị gia đình được đăng ký nghĩa vụ quân sự lần đầu thay khi công dân đi làm xa. Đồng thời, điều chỉnh thời gian đăng ký nghĩa vụ quân sự là tháng 6. Theo đó, việc quy định công dân phải trực tiếp đến đăng ký nghĩa vụ quân sự lần đầu là bắt buộc, để cơ quan chức năng nắm được các thông tin về lý lịch, thể trạng sức khỏe của đối tượng đăng ký và cũng là yêu cầu để bản thân công dân thấy rõ trách nhiệm của mình trong nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Vì vậy, đề nghị cho giữ như dự thảo Luật.

Về độ tuổi kêu gọi nhập ngũ, hiện có ba loại ý kiến là: nhất trí như dự thảo Luật và đề nghị kéo dài độ tuổi gọi nhập ngũ đối với cán bộ, công chức được tạm hoãn gọi nhập ngũ đến 27 tuổi; đề nghị giữ quy định độ tuổi gọi nhập ngũ như Luật Nghĩa vụ quân sự hiện hành (từ đủ 18 đến hết 25 tuổi); đề nghị thống nhất độ tuổi gọi nhập ngũ từ 18 đến 27. Theo đó,  việc quy định độ tuổi gọi nhập ngũ của công dân phải bảo đảm mọi người đều bình đẳng trước pháp luật về thực hiện nghĩa vụ quân sự theo quy định của Hiến pháp. Đồng thời phải nâng cao được chất lượng thanh niên gọi nhập ngũ và góp phần bảo đảm công bằng xã hội.

Lê Hoàng Sa

Quốc hội sẽ nghe báo cáo về tình hình biển Đông

Trong ngày, Văn phòng Quốc hội cho biết trong nghị trình làm việc của kỳ họp thứ 9, QH khóa XIII đã có sự thay đổi. Cụ thể là QH quyết định bổ sung chương trình làm việc nghe báo cáo về tình hình biển Đông.  Bởi hiện tại cử tri, nhân dân cả nước đang rất quan tâm tới tình hình chủ quyền của Tổ quốc trong bối cảnh Trung Quốc đang gia tăng hoạt động bồi đắp và xây dựng trái phép trên các đảo mà Trung Quốc đang chiếm giữ trái phép của Việt Nam. Theo dự kiến, phiên họp quan trọng này sẽ diễn ra vào chiều ngày 5-6.

Cùng ngày, trong cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình đã thông báo về hoạt động đối ngoại của Việt Nam trong thời gian tới và trả lời các câu hỏi của phóng viên Việt Nam và quốc tế về các vấn đề báo chí quan tâm. Trả lời câu hỏi về phản ứng của Việt Nam trước việc Trung Quốc đơn phương cấm đánh bắt cá trên biển Đông và biện pháp bảo vệ ngư dân của Việt Nam, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao nêu rõ: Hoàng Sa là một phần lãnh thổ không tách rời của Việt Nam. Vùng biển Hoàng Sa là ngư trường truyền thống của ngư dân Việt Nam từ bao đời nay. Việt Nam sẽ tăng cường quản lý và giám sát chặt chẽ các hoạt động khai thác thủy sản của ngư dân Việt Nam tại các vùng biển Việt Nam để giải quyết các vụ việc phát sinh đột xuất trên biển.

Cho biết phản ứng của Việt Nam về việc Trung Quốc xây dựng đảo nhân tạo quy mô lớn, thay đổi thực trạng, xâm phạm chủ quyền Việt Nam ở quần đảo Trường Sa, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình khẳng định: Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và chứng cứ lịch sử để khẳng định chủ quyền của mình ở quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Mọi hoạt động của các bên ở khu vực này mà không có sự chấp thuận của Việt Nam là bất hợp pháp và vô giá trị.

Tại cuộc họp báo, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình cũng cho biết, hiện nay các cơ quan chức năng của Việt Nam đang theo dõi sát sao các hoạt động của các bên trên biển Đông, trong đó có hoạt động cũng như vị trí của giàn khoan Hải Dương-981 của Trung Quốc.

Trả lời câu hỏi về việc hãng truyền hình CNN công bố video về việc các máy bay Hoa Kỳ bị tàu hải quân Trung Quốc đuổi nhiều lần ở vùng biển quốc tế trên biển Đông, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình cho biết: Khu vực biển Đông là nơi có tuyến hàng hải và hành lang hàng không quốc tế rất quan trọng. Việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải và hàng không ở biển Đông là lợi ích, nguyện vọng chung của các quốc gia trong và ngoài khu vực. Vì vậy, Việt Nam kêu gọi các nước liên quan có đóng góp trách nhiệm và tích cực vào việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải và hàng không ở biển Đông; đồng thời tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của các quốc gia ven biển theo đúng quy định của luật pháp quốc tế, Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982; không làm phức tạp thêm tình hình.

Về việc Indonesia đánh chìm các tàu cá mà Indonesia cho là đánh bắt trên vùng biển của nước này, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao đề nghị Indonesia cần quan tâm đến mối quan ngại của các nước liên quan, xử lý thỏa đáng vấn đề tàu cá và ngư dân trên cơ sở luật pháp quốc tế, cũng như tinh thần đối xử nhân đạo với tàu cá và ngư dân.

L.H.S – TTXVN