Sửa Nghị định 83/CP: Tiếp tục duy trì quỹ bình ổn giá xăng dầu
Theo lãnh đạo Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương, trong Nghị định mới sẽ có riêng một mục về Quỹ bình ổn giá, khắc phục những nhược điểm sau một thời gian thực hiện.
Sau 5 năm thực hiện Nghị định số 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu (1/11/2014), thị trường xăng dầu trong nước đã có nhiều chuyển biến tích cực. Việc kinh doanh xăng dầu đã cơ bản vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của nhà nước.
Đặc biệt giá xăng dầu trong nước được điều hành linh hoạt, kịp thời, đảm bảo tính công khai, minh bạch và phù hợp xu hướng biến động của giá thế giới.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, Nghị định 83/CP cũng đã nảy sinh một số bất cập cần sửa đổi cho phù hợp với thực tiễn.
Để hiểu rõ hơn, ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) đã có một số chia sẻ với phóng viên về hướng sửa đổi của Nghị định trên.
- Ông có thể cho biết lý do của việc sửa đổi Nghị định 83/CP lần này?
Ông Trần Duy Đông: Có thể thấy, thời điểm xây dựng Nghị định 83/CP khi đó phụ thuộc nhiều vào nguồn nhập khẩu (lên tới 75-80%) và khi đó 2 nhà máy lọc dầu là Nghi Sơn và Bình Sơn chưa vận hành. Nhưng hiện tại, nguồn cung từ sản xuất trong nước chiếm 70-75% tổng nguồn cung nên công thức tính giá cơ sở dựa trên số liệu từ nguồn nhập khẩu không còn phù hợp.
Thêm vào đó, trong 5 năm vừa qua, Việt Nam đã tham gia và ký kết rất nhiều hiệp định thương mại tự do (FTAs) dẫn đến có nhiều mức thuế suất thuế nhập khẩu xăng dầu khác nhau từ các thị trường, khu vực được hưởng ưu đãi về thuế quan nên cũng phải sửa công thức tính giá cơ sở.
Ngoài ra, số lượng doanh nghiệp đầu mối và các doanh nghiệp khác tham gia thị trường kinh doanh xăng dầu ngày càng tăng, làm tăng tính cạnh tranh ở mức độ nhất định. Chính vì vậy, việc sửa đổi Nghị định 83/CP là cần thiết, nhằm phù hợp với thực tế hiện nay.
- Vậy đâu là những nội dung cần sửa đổi trong Nghị định này?
Ông Trần Duy Đông: Việc sửa đổi theo hướng cắt giảm một số điều kiện đầu tư, kinh doanh là rào cản gây khó khăn cho các doanh nghiệp mới, doanh nghiệp tư nhân tham gia kinh doanh lĩnh vực xăng dầu đồng thời sẽ gỡ bỏ một số điều kiện gây lãng phí nguồn lực của xã hội.
Ngoài ra một số điều kiện về hệ thống phân phối, phía Bộ Công Thương sẽ đưa ra xin ý kiến rộng rãi đặc biệt là doanh nghiệp kinh doanh nhằm đảm bảo 2 mục tiêu: Có thể cắt giảm nhưng vẫn đảm bảo việc kiểm soát chất lượng và chống gian lận trong lĩnh vực này đồng thời bổ sung hoàn thiện đối tượng quản lý mà Nghị định 83/CP còn chưa đề cập tới như đối tượng dự trữ xăng dầu, nhằm đảm bảo nguồn cung được liên tục cho sản xuất và tiêu dùng trong nước.
Hiện nay, nguồn cung xăng dầu cho thị trường nội địa ngoài nguồn nhập khẩu đã có 2 Nhà máy lọc dầu trong nước với năng lực cung ứng chiếm khoảng 70-75% tổng nguồn cung.
Theo quy định tại Điều 30, Nghị định số 83/2014/NĐ-CP, đã quy định việc dự trữ đối với thương nhân sản xuất xăng dầu nhưng chỉ với các thương nhân có hệ thống phân phối.
Hiện tại, 2 thương nhân sản xuất xăng dầu tại Việt Nam thực hiện bán toàn bộ sản phẩm cho một Công ty thương mại thuộc Tập đoàn Dầu khí, không tổ chức hệ thống phân phối. Vì vậy, các thương nhân sản xuất này chưa thuộc đối tượng phải dự trữ.
Để bảo đảm an ninh năng lượng, nguồn cung và bình ổn thị trường xăng dầu trong nước, tạo sự bình đẳng với các doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu xăng dầu, cần xem xét quy định việc dự trữ bắt buộc đối với doanh nghiệp sản xuất xăng dầu.
Theo quy định tại Điều 3, Nghị định số 83/2014/NĐ-CP, khái niệm về xăng dầu thuộc đối tượng quản lý chỉ bao gồm các sản phẩm từ quá trình lọc dầu thô, dùng làm nhiên liệu, không bao gồm các thương nhân sản xuất xăng dầu từ quá trình tái chế rác thải vì vậy đối tượng này chưa được quản lý. Do đó, cần xem xét lại và đưa loại hình này vào đối tượng quản lý.
Trên thực tế hiện nay, sau quá trình cổ phần hóa, nhằm thu hút nguồn vốn đầu tư để nâng cao năng lực tài chính đầu tư vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, được sự cho phép của Chính phủ, nhiều doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trong nước đã trở thành doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài do đó trong nội dung sửa đổi Nghị định số 83/2014/NĐ-CP cần rà soát và có nội dung quy định cụ thể về vấn đề này.
Hơn nữa, để bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho các địa bàn vùng sâu, vùng xa ít được các doanh nghiệp đầu tư cây xăng do kém hiệu quả về kinh tế, hay tại các thành phố lớn, khu trung tâm, phố cổ không đủ mặt bằng để đầu tư cây xăng theo quy định cũng cần được rà soát xem xét quy định đối với nội dung này theo hướng cho phép áp dụng thí điểm các máy bán xăng dầu mini…
Tiếp đến là về cơ chế điều hành giá xăng dầu, thực tế cho thấy cơ chế phối hợp giữa 2 bộ theo hình thức ban hành thông tư liên tịch như hiện nay chưa đúng với quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Vì vậy, việc phân công nhiệm vụ và cơ chế phối hợp giữa Bộ Công Thương và Bộ Tài chính sẽ được rà soát để đưa vào quy định tại Nghị định sửa đổi bổ sung Nghị định số 83/2014/NĐ-CP.
Một nội dung nữa về công thức tính giá cơ sở mặt hàng xăng dầu, với sự thay đổi về cơ cấu nguồn cung, sản xuất trong nước chiếm 70-75%, số lượng doanh nghiệp đầu mối tăng, làm tăng tính cạnh tranh.
Bên cạnh đó việc tham gia các hiệp định thương mại FTAs dẫn đến có nhiều mức thuế suất thuế nhập khẩu xăng dầu khác nhau từ các thị trường, khu vực được hưởng ưu đãi về thuế quan, cộng với những thay đổi về chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt hay thay đổi về cơ chế tài chính áp dụng cho sản phẩm xăng dầu của Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn....
Những thay đổi trên cũng cần thiết phải rà soát để sửa đổi công thức tính giá cơ sở dựa trên các yếu tố chi phí hình thành từ hai nguồn, gồm trong nước và nhập khẩu, xác định mức thuế nhập khẩu phù hợp từ các nguồn khác nhau để đưa vào công thức tính giá để kết cấu lại một mặt bằng giá chung làm cơ sở điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu trong nước.
Trong quy định về công thức tính giá cơ sở, có hướng dẫn cụ thể về mức thuế nhập khẩu áp dụng cho phần giá nhập khẩu phù hợp với việc tổng hợp từ các nguồn nhập khẩu với các mức thuế suất khác nhau.
- Với Nghị định sửa đổi thì quỹ bình ổn giá có thay đổi không, thưa ông?
Ông Trần Duy Đông: Trong Nghị định 83/CP đã có công cụ để điều tiết giá xăng dầu và việc sửa đổi lần này cũng vậy, vẫn bám theo quan điểm chỉ đạo của Chính phủ đó là kinh tế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước, trong Nghị định 83/CP đã sử dụng rất tốt và linh hoạt Quỹ BOG.
Đến giờ phút này, theo như chỉ đạo cũng như quan điểm của Chính phủ và cuộc họp mới nhất của Ban soạn thảo, các bộ, ngành trong đó có liên Bộ Công Thương - Tài chính vẫn thống nhất quan điểm là trong dự thảo Nghị định mới vẫn có Quỹ bình ổn giá.
Tuy vậy, trong Nghị định mới sẽ có hẳn một mục về Quỹ bình ổn giá, khắc phục những nhược điểm về quỹ này trong thời gian thực hiện trước đây.
- Ông có thể nói rõ hơn những đề xuất thay đổi?
Ông Trần Duy Đông: Để tăng cường hơn nữa tính công khai, minh bạch và trách nhiệm của Thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu trong thực hiện việc trích lập, sử dụng và quản lý số dư Quỹ bình ổn giá xăng dầu (BOG) sẽ rà soát để sửa đổi, bổ sung cơ chế báo cáo, theo dõi số dư tài khoản Quỹ BOG tại ngân hàng và cần có quy định rõ trong Nghị định về chế tài xử lý vi phạm.
Đơn cử như thu hồi giấy phép hoạt động của thương nhân đầu mối, cụ thể là trong trường hợp thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu không thực hiện việc trích lập, kết chuyển số dư Quỹ BOG theo quy định, cũng như rà soát để sửa đổi quy định về cách tính lãi suất, nguồn tài chính trong trường hợp thương nhân xăng dầu đầu mối thực hiện sử dụng Quỹ BOG trong khi Quỹ BOG tại doanh nghiệp đang bị âm.
Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cũng tiến hành rà soát quy định về thuế nhập khẩu xăng dầu, chế độ ghi chép và hoạch toán tại doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, nếu đã có các quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành, có thể rà soát dẫn chiếu hoặc lược bỏ cho phù hợp.
- Xin cảm ơn ông./.
Theo Vietnam+