Sức sống mới ở Song Tử Tây

Thứ năm, 16/04/2020 18:00

Với phương châm "Thần tốc, táo bạo, bất ngờ",  rạng sáng ngày 14-4-1975, đặc công Hải quân, cùng một bộ phận lực lượng đặc công Quân khu 5, bí mật đổ bộ chiến đấu giải phóng đảo Song Tử Tây. Chỉ sau 30 phút tấn công như vũ bão, Hải quân nhân dân Việt Nam đã hoàn toàn làm chủ đảo Song Tử Tây.

Hệ thống điện gió và điện năng lượng mặt trời được lắp đặt ở các đảo, cung cấp điện phục vụ công tác và nhu cầu sinh hoạt của quân và dân.

45 năm sau ngày giải phóng, quân và dân xã đảo đã xây dựng Song Tử Tây với sức sống mới, là điểm tựa vững chắc cho ngư dân ra khơi bám biển.

Thần tốc giải phóng đảo Song Tử Tây

Ngay sau khi giải phóng Đà Nẵng, ngày 4-4-1975, thay mặt Thường vụ Quân ủy và Bộ Tổng Tư lệnh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã gửi một bức điện đặc biệt cho Khu ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu 5 và Bộ tư lệnh Hải quân, chính thức giao nhiệm vụ giải phóng quần đảo Trường Sa.

Bức điện chỉ rõ: "Theo chỉ thị của Bộ Chính trị, Thường vụ Quân ủy giao nhiệm vụ cho Khu ủy, Quân khu ủy, Bộ tư lệnh Quân khu 5 và Bộ tư lệnh Hải quân khẩn trương nghiên cứu kế hoạch tác chiến và tiến hành mọi công tác chuẩn bị để khi có thời cơ thì kịp thời giải phóng quần đảo Trường Sa, coi đó là một nhiệm vụ rất quan trọng".

Chấp hành chỉ thị của Bộ Tổng tham mưu "Tranh thủ thời cơ có lợi đánh quần đảo Trường Sa, một quần đảo có ý nghĩa chiến lược về chính trị, quân sự và kinh tế để góp phần giải phóng hoàn toàn đất nước". Với tư tưởng chỉ đạo khẩn trương, tích cực, chủ động, kiên trì, dũng cảm, mưu trí sáng tạo, đánh chắc thắng; Bộ Tư lệnh Hải quân hạ quyết tâm tập trung sự nỗ lực của toàn Quân chủng, sử dụng tàu thuyền và lực lượng đổ bộ, khắc phục mọi khó khăn giải phóng các đảo.

Thứ tự mục tiêu giải phóng Song Tử Tây trước, làm bàn đạp và rút kinh nghiệm để giải phóng tiếp các đảo Nam Yết, Sơn Ca, Sinh Tồn, An Bang, Trường Sa... Ngày 11-4-1975, kế hoạch tiến công giải phóng quần đảo Trường Sa được mở đầu bằng trận tấn công giải phóng đảo Song Tử Tây. Ngày 10-4-1975, biên đội tàu 3 chiếc gồm 673, 674, 675 - Trung đoàn 125 cấp tốc từ Hải Phòng vào Đà Nẵng, đón các đơn vị đặc công lên tàu và rời cảng ra khơi vào hồi 4 giờ sáng 11-4.

Song Tử Tây là một trong những đảo nổi của quần đảo Trường Sa, cách Đà Nẵng khoảng gần 470 hải lý, là một trong 5 đảo do quân ngụy Sài Gòn chiếm đóng. Thời tiết khu vực quần đảo Trường Sa nói chung và đảo Song Tử Tây nói riêng gần giống thời tiết trong đất liền ở miền Nam nhưng khắc nghiệt hơn. Chỉ huy đoàn xác định đây là một trận chiến đấu gay go, ác liệt vì chưa có tiền lệ bộ đội Đặc công hải quân ta đánh đảo. Vấn đề địch trên đảo từ quân số, trang bị, bố trí trên đảo ta không có thông tin gì, lực lượng ta phân tán ở 3 tàu, khi hành quân cách nhau từ 500-1.000m, tàu của ta phải giả dạng tàu đánh cá nước ngoài.

Đến 17 giờ ngày 13-4-1975, ba tàu của ta đến gần đảo Song Tử Tây. 2 giờ sáng 14-4, tàu cách đảo khoảng 5km, phân đội chiến đấu bí mật dùng xuồng bơi vào áp sát đảo. Sau hơn hai giờ vật lộn với dòng nước xoáy và những mỏm san hô lởm chởm vây quanh đảo, lực lượng đổ bộ tiến ra đảo, chiếm lĩnh các vị trí. 4 giờ 30 phút ngày 14-4-1975, lệnh nổ súng bắt đầu bằng phát đạn ĐKZ của Đại tá, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Ngọc Quế (lúc đó là Trung úy), các mũi hiệp đồng theo tiếng súng, đồng loạt tiến công vào các mục tiêu quy định.

Bị tấn công bất ngờ, địch hoang mang. Ta áp sát chia cắt đội hình, địch bỏ chạy, nhưng bị ta chặn lại. Sau 30 phút tấn công như vũ bão, bộ đội ta diệt các vị trí quân địch đồng thời tiếp tục truy lùng và gọi địch đầu hàng. 5 giờ 15 cùng ngày quân ta làm chủ hoàn toàn đảo Song Tử Tây, chiến sỹ Lê Xuân Phát đã kéo lá cờ đỏ sao vàng báo hiệu đảo Song Tử Tây được giải phóng.

Giải phóng được đảo Song Tử Tây đã làm cho hệ thống phòng thủ của địch trên quần đảo Trường Sa lâm vào thế khủng hoảng nghiêm trọng. Đến 2 giờ 30 phút ngày 25-4-1975 các lực lượng của ta giải phóng đảo Sơn Ca; 10 giờ 30 phút ngày 27-4-1975 ta làm chủ đảo Nam Yết; 10 giờ 30 phút ngày 28-4-1975 giải phóng đảo Sinh Tồn; và đến 9 giờ ngày 29-4-1975 giải phóng đảo Trường Sa; đồng thời cũng kết thúc một nhiệm vụ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng về mặt chiến lược do Quân ủy Trung ương giao cho Quân chủng Hải quân.

Thầy giáo Lê Xuân Quyết hướng dẫn học sinh xã đảo Song Tử Tây.

Song Tử Tây thay da, đổi thịt

Sau 45 năm xây dựng, sự thay da đổi thịt của Song Tử Tây hiện rõ ở khắp mọi nơi trên đảo. Đời sống vật chất, tinh thần của quân, dân ngày càng được nâng cao. Đặc biệt, xã đã làm tốt công tác cứu hộ cứu nạn, trở thành điểm tựa của ngư dân đánh bắt xa bờ. Từ xa nhìn lại, Song Tử Tây giống như một khu rừng thu nhỏ mọc lên giữa đại dương. Đặt chân lên đảo, khung cảnh rất thanh bình với những mái nhà đỏ tươi nằm xen giữa cây xanh, những con đường nhỏ đổ bê-tông sạch sẽ...

Theo Trung tá Nguyễn Đức Độ - Chỉ huy trưởng, kiêm Chủ tịch xã Song Tử Tây, những năm gần đây, đời sống của quân và dân trên đảo được cải thiện hơn trước rất nhiều. Hệ thống năng lượng sạch (điện gió, điện Mặt Trời) đã cung cấp đủ điện cho toàn đảo sử dụng. Việc tăng gia sản xuất cũng ngày càng hiệu quả với mô hình trồng rau sạch. Trên đảo còn nuôi được bò, heo, gà, vịt...

100% hộ và các đầu mối đơn vị bộ đội được trang bị ti vi đáp ứng nhu cầu giải trí. Thư viện của đảo có phòng đọc sách, báo với hơn 4.000 đầu sách và trên 30 đầu báo, tạp chí các loại, 1 tủ sách pháp luật. Trên đảo còn có sân bóng đá, bóng chuyền để quân dân vui chơi, rèn luyện sức khỏe...

Đặc biệt, đảo còn có tượng đài Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn, chùa Song Tử Tây nằm sát biển. Đi trên làng đảo, nghe tiếng trẻ em học bài, cùng tiếng chuông chùa ngân nga lúc ban chiều, cảm thấy yên bình đến lạ. Vào ngày Tết, quân và dân trên đảo cũng tổ chức nhiều hoạt động vui chơi thú vị như kéo co, chèo thuyền thúng bắt vịt, múa lân, hái hoa dân chủ... Các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao trên đảo diễn ra sôi nổi đã động viên, cổ vũ tinh thần cho cán bộ, chiến sỹ yên tâm với nhiệm vụ bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo.

Những năm gần đây, xã đảo Song Tử Tây đã trở thành điểm tựa của ngư dân đánh bắt xa bờ. Âu tàu của đảo có sức chứa 80-100 tàu cá công suất lớn, là bến đậu, địa chỉ an toàn cho ngư dân các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa... trong mùa mưa bão.

Khu làng chài và các công trình phụ trợ (hoàn thành năm 2016) đảm bảo việc lưu trú, sinh hoạt cho khoảng 300 người, bà con ngư dân có thể vào nghỉ ngơi, tạm trú miễn phí hoặc tránh bão. Đây cũng là nơi cung cấp nước ngọt và xăng dầu cho bà con ngư dân bằng giá trong đất liền. Trong mùa bão năm 2017, 221 tàu cá của ngư dân đánh bắt trên vùng biển Trường Sa đã vào tránh trú bão tại âu tàu này.

PHƯƠNG OANH