Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV:

Tách bạch 2 luật về giao thông

Thứ bảy, 11/11/2023 06:40
Sáng 10-11, Quốc hội nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật Đường bộ; đồng thời, thảo luận ở tổ vào dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Một số đại biểu cho rằng, hai dự án luật có sự trùng lặp. Đại tướng Tô Lâm- Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an trao đổi với các đại biểu về nội dung này.
Bộ trưởng Tô Lâm thảo luận tại Tổ.
Bộ trưởng Tô Lâm thảo luận tại Tổ.

Thể chế hóa chủ trương phát triển kết cấu hạ tầng giao thông

Trình bày Tờ trình về dự án Luật Đường bộ, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng cho biết, Dự thảo Luật Đường bộ gồm 6 chương, 92 điều. So với dự thảo Luật Giao thông đường bộ năm 2008 đã chuyển 3 chương sang Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Về nội dung chính của Dự thảo Luật, chương I “Quy định chung” gồm 9 điều, so với Luật Giao thông đường bộ năm 2008, dự thảo Luật có một số điểm mới như: Thay đổi phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật (Điều 1); bổ sung các chính sách phát triển đối với hoạt động đường bộ trên cơ sở các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước (Điều 5); quy định về hệ thống giao thông thông minh (Điều 7), cơ sở dữ liệu đường bộ (Điều 8).

Chương II “Kết cấu hạ tầng đường bộ” gồm 37 điều (từ Điều 10 đến Điều 46). So với Luật Giao thông đường bộ năm 2008, Dự thảo Luật bổ sung đường thôn xóm vào mạng lưới đường bộ (Điều 10); phân loại đường (Điều 11, Điều 12); quy định tỷ lệ quỹ đất giao thông đô thị so với đất xây dựng đô thị đối với đô thị xây dựng mới và đối với các đô thị tại vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo, đô thị là di sản được UNESCO công nhận (Điều 15); bổ sung quy định đất dành cho kết cấu hạ tầng đường bộ (Điều 16); hành lang an toàn đường bộ (Điều 18, Điều 19)...

Chương III “Đường bộ cao tốc” gồm 14 Điều (từ Điều 47 đến Điều 60) đã có thêm các điểm mới như: Bổ sung quy định làm rõ đường bộ cao tốc (Điều 47); tiêu chuẩn, quy chuẩn và ứng dụng khoa học công nghệ trong thiết kế, xây dựng, quản lý, vận hành khai thác đường cao tốc (Điều 48); các chính sách phát triển, đầu tư, xây dựng đường cao tốc (Điều 49, Điều 50); bổ sung quy định việc mở rộng, cải tạo, nâng cấp, hiện đại hóa đối với các dự án đường cao tốc (Điều 51)...

Tránh trùng lặp nội dung

Đại biểu Tống Văn Băng (Hải Phòng) cho biết, đây là dự án luật đã được Quốc hội khóa XIV cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 10. Từ đó đến nay, dự án Luật đã được chỉnh sửa rất nhiều. Tuy nhiên, qua nghiên cứu, đại biểu cho rằng, giữa dự án Luật này và Luật Đường bộ cùng xuất phát từ một luật (Luật Giao thông đường bộ) nên cách đánh giá, cách hiểu ở nhiều điểm còn có sự trùng lặp.

Đại biểu dẫn chứng về trung tâm chỉ huy giao thông đang được cả 2 dự án Luật quy định, dù góc độ khác nhau nhưng vẫn có sự trùng lặp. Hay nội dung đưa đón học sinh đi học bằng ô-tô cũng đang được quy định trong 2 dự án Luật. Do đó, đại biểu cho rằng cần phải đánh giá, phân tách rõ hơn.

Dự thảo Luật quy định Cảnh sát giao thông (CSGT) được dừng phương tiện để kiểm tra, kiểm soát khi phát hiện hành vi vi phạm pháp luật hoặc có căn cứ xác định có hành vi vi phạm pháp luật. Theo đại biểu, dấu hiệu vi phạm pháp luật là một khái niệm rất rộng, nếu quy định như vậy sẽ rất khó khi áp dụng trong thực tế. Nếu không quy định cụ thể dễ dẫn đến việc lạm quyền, vi phạm quyền của công dân hoặc của người tham gia giao thông khi dừng phương tiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Bởi lẽ vi phạm pháp luật có rất nhiều lĩnh vực từ hình sự, dân sự, hành chính... Do đó, đại biểu đề nghị quy định rõ hành vi vi phạm pháp luật về hành chính hoặc hình sự; từ đó rõ thẩm quyền của lực lượng cảnh sát giao thông.

Điều 81 dự thảo Luật quy định: Giấy phép lái xe (GPLX) được cấp trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành vẫn có giá trị sử dụng theo thời hạn ghi trên GPLX. GPLX không thời hạn được cấp trước ngày 1-7-2012 phải được đổi sang GPLX mới theo lộ trình do Chính phủ quy định.

Đại biểu cho rằng, thời gian qua, việc đăng ký phương tiện giao thông, bằng lái xe rất nhiều thủ tục phức tạp. "Do đó, nếu không có ảnh hưởng gì với những GPLX đã được cấp hợp pháp từ giai đoạn trước, trường hợp cần phải đổi thì mới đổi; còn với những trường hợp chỉ thay đổi về mẫu mã thì không nhất thiết phải đổi”, đại biểu Tống Văn Băng đề nghị.

Phát biểu thảo luận tại tổ, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, trước đây còn có tranh luận có nên tách Luật Trật tự, an toàn giao thông (TTATGT) đường bộ và Luật Đường bộ hay không, giờ Quốc hội đã cơ bản thống nhất.

Bộ trưởng dẫn Chỉ thị số 23-CT/TW ngày 25-5-2023 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm TTATGT đường bộ trong tình hình mới đề ra nhiệm vụ: "Tập trung rà soát, hoàn thiện đồng bộ hệ thống pháp luật về giao thông theo hướng quy định rõ trách nhiệm quản lý nhà nước đối với công tác bảo đảm TTATGT gắn với bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội, xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông và phát triển kinh tế - xã hội; xây dựng, ban hành Luật TTATGT đường bộ và Luật Đường bộ để cụ thể hóa một bước định hướng trên".

Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định, quá trình soạn thảo, nguyên tắc luôn được nhấn mạnh là xây dựng luật để quản lý nhà nước, quản trị xã hội nhưng luật phải phục vụ nhân dân. "Phải nhấn mạnh lợi ích của nhân dân, tinh thần là để phục vụ nhân dân, đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng, để nhân dân hiểu được lợi ích của họ được bảo đảm, thu hút họ tự giác thực hiện", Bộ trưởng chỉ rõ.

B.T – TTXVN

Thông qua Nghị quyết về phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2024

Với 444 đại biểu có mặt tán thành, chiếm 89,88% tổng số đại biểu Quốc hội, chiều 10-11, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2024.

Nghị quyết của Quốc hội quyết nghị, tổng số thu ngân sách trung ương là 852.682 tỷ đồng. Tổng số thu ngân sách địa phương là 848.305 tỷ đồng. Thu chuyển nguồn cải cách tiền lương của ngân sách địa phương đến hết năm 2023 còn dư chuyển sang bố trí dự toán năm 2024 của một số địa phương là 19.040 tỷ đồng để thực hiện mức lương cơ sở 1,8 triệu đồng/tháng.

Tổng số chi ngân sách trung ương là 1.225.582 tỷ đồng, trong đó dự toán 426.266 tỷ đồng để bổ sung cân đối ngân sách (đã bao gồm khoản bổ sung cân đối tăng 2% so với dự toán ngân sách Nhà nước năm 2023), bổ sung có mục tiêu cho ngân sách địa phương (đã bao gồm khoản bổ sung có mục tiêu cho một số địa phương để đảm bảo mặt bằng dự toán chi cân đối ngân sách địa phương năm 2024 không thấp hơn dự toán chi cân đối ngân sách địa phương năm 2023).

T.T