Tái bùng phát cúm gia cầm tại Quảng Nam: Tiềm ẩn nguy cơ lây lan trên diện rộng

Thứ tư, 09/06/2010 00:00

(Cadn.com.vn) - 3 mẫu bệnh phẩm dạng mô trên đàn vịt của hộ ông Trần Hiên (trú thôn Thi Thại, xã Duy Thành, H. Duy Xuyên) gửi đi xét nghiệm tại Trung tâm Thú y vùng 4 (thuộc Cục Thú y Trung ương -Bộ NN&PTNT) đóng tại Đà Nẵng cho kết quả dương tính với virus cúm type A/H5N1 đã đánh dấu sự trở lại của cúm gia cầm sau 2 năm tạm lắng tại Quảng Nam. Chỉ trong thời gian ngắn, sự lây lan với tốc độ nhanh của virus gây bệnh khiến cơ quan chức năng phải tiêu hủy bắt buộc gần 9.000 con gia cầm. Nếu không khoanh vùng, dập dịch và quản lý tốt công tác chăn nuôi, nguy cơ lây lan trên diện rộng là rất cao.

Gà vịt chết như ngả rạ

Không có vốn, anh Lê Trung Tùng (thôn Thị Thại, xã Duy Thành) vay mượn để mua 2.400 con vịt, làm chuồng, mua thức ăn để chăn nuôi. Nhưng khi đàn vịt bắt đầu phổng phao thì đột nhiên bỏ ăn, sốt cao, mắt lờ đờ, lên cơn co giật rồi lăn ra chết. “Trời không cho ăn thì đành chịu thôi chứ biết răng chừ anh. Trả nợ à, nông dân thì còn gì ngoài cái sổ đỏ”, anh Tùng nhìn vào cái chuồng trống huơ trống hoác xót xa. Theo phỏng đoán thì vịt nhà anh đã lây bệnh từ đàn vịt hơn 2.200 con của anh Lê Trung Vương (cùng thôn).

Anh Vương cũng trở tay không kịp khi đi qua các đám ruộng trên khu vực bãi Mương, đâu đâu cũng thấy vịt nhà mình nằm thoi thóp, chưa kịp chữa trị thì 1.800 con (mới 25 ngày tuổi) đã chết trong  thời gian rất ngắn. Dịch từ những đàn vịt này nhanh chóng lây lan ra hơn 3.000 con khác của 2 hộ dân nhà ông Lê Trung Huấn và ông Trần Hiên. Trại gà 800 con (35 ngày tuổi) của ông Đặng Bá Xê gần đó dù đã được che chắn tương đối kín nhưng cũng không thoát khỏi, đành phải tiêu hủy bắt buộc.

Trước sự tấn công trở lại của dịch cúm gia cầm, lãnh đạo Sở NN&PTNT, ngành Thú y và chính quyền xã Duy Thành, H. Duy Xuyên cùng các đơn vị liên quan đã nhanh chóng vào cuộc triển khai các biện pháp nhằm hạn chế tối đa sự bùng phát, lây lan trên diện rộng của virus gây bệnh. Theo ông Nguyễn Văn Hòa-Trưởng trạm Thú y H. Duy Xuyên, số gia cầm còn sống sót nằm trong đàn gia cầm bị nhiễm dịch đã buộc phải tiêu hủy hết. Nhằm ngăn chặn tình trạng bà con tiếc của, vận chuyển gà vịt ra khỏi vùng dịch, những ngày qua, cơ quan đã phối hợp với thanh niên xã Duy Thành túc trực, chốt chặn 24/24 giờ tại các ngả đường có nguy cơ “lọt lưới”.

Song song với công tác xử lý các trường hợp vi phạm, ngành chức năng cũng vận động, tuyên truyền bà con báo cáo kịp thời khi phát hiện gia cầm nhà mình có các biểu hiện nhiễm virus cúm. Ngoài việc ban bố lệnh cấm buôn bán, giết mổ gà vịt trong vùng dịch, Trạm Thú y Duy Xuyên còn chi viện khẩn cấp cho xã Duy Thành 2 máy bơm động cơ và hóa chất Benkocid, vôi bột để phun tiêu độc, khử trùng, vệ sinh chuồng trại, tránh nguy cơ lây lan ra khỏi vành đai nguy hiểm.

 Cán bộ thú y xã Duy Trinh phun thuốc tiêu độc khử trùng chuồng trại chăn nuôi tại các hộ gia đình đã có gà vịt bị nhiễm dịch. Ảnh: C.K

Tiêm vaccine ít, thả rông nhiều

Theo thống kê của ngành Thú y xã Duy Thành, nông dân của xã hiện đang chăn nuôi 15 nghìn con vịt, 8 nghìn con gà, 1 nghìn con ngỗng, bồ câu, chim cút nhưng khoảng 80% gà, 50% vịt không được tiêm phòng vaccine cúm A/H5N1. Theo ông Huỳnh Tấn Xuân- cán bộ thú y xã thì trong số gần 9 nghìn con gà và vịt của các hộ dân, chỉ có 40-50% được tiêm vaccine mũi 1 phòng dịch cúm gia cầm. Rất nhiều gà vịt được các hộ dân chăn nuôi bằng hình thức thả rông, chuồng trại không đạt yêu cầu.

Chi cục Thú y Quảng Nam đã quyết định thiết lập đường dây nóng số: 0510.3.800115 để tiếp nhận mọi thông tin liên quan đến diễn biến của dịch.
Qua đó khuyến cáo, khi phát hiện gia cầm của mình hoặc các hộ dân khác trong vùng dân cư chết không rõ nguyên nhân hoặc có các biểu hiện như đi xiêu vẹo, mắt lờ đờ, chảy nước dãi, co giật, bỏ ăn... thì nên sớm báo cáo cho các đơn vị liên quan để công tác phòng chống, kìm hãm và dập dịch có hiệu quả.
Vì thế số gia cầm này bị lây dịch và chết trong những ngày tới sẽ là nguy cơ đáng lo ngại. Ngành chức năng địa phương cũng đang đau đầu với việc xác gà vịt chết bị vứt vô tội vạ. Thay vì gom lại để tiêu hủy tập trung, nhiều hộ dân đã mang ra vứt tại một số kênh mương và bờ sông. Đây là điều kiện tốt cho virus lây bệnh. Thêm vào đó, nguy cơ một số người dân tiếc của lén lút mang gà vịt ra khỏi vùng nguy hiểm để tiêu thụ khiến mọi nỗ lực của ngành chức năng chỉ là công cốc.

Chiều ngày 8-6, trao đổi với chúng tôi, ông Lê Trung Xuân - Phó Chủ tịch xã Duy Thành cho biết công việc tiêu độc khử trùng và khoanh vùng dập dịch đang được tiến hành khẩn cấp. 72 lít hóa chất Benkocid tiếp nhận từ Trạm Thú y H. Duy Xuyên đã được triển khai phun tại những điểm nóng của dịch. “Thiệt hại ban đầu ước chưa thực sự nhiều nhưng nếu lơ là, thiếu trách nhiệm thì hậu quả sẽ là vô chừng”, ông Xuân nói.

Đông A