Tái cấu trúc doanh nghiệp thế nào để thoát khỏi thế khó?

Thứ bảy, 04/10/2014 08:07

(Cadn.com.vn) - Tại hội thảo Chiến lược chuyển đổi của Doanh nghiệp (DN) diễn ra tại Đà Nẵng ngày 3-10, các chuyên gia kinh tế đầu ngành và lãnh đạo TP đã gợi mở nhiều hướng tiếp cận mới mẻ cho DN trong bối cảnh khó khăn buộc phải tái cơ cấu hiện nay.

Viện trưởng Trần Đình Thiên nói về việc tái cơ cấu kinh tế chưa ổn.

Tái cơ cấu chưa ổn

Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam Trần Đình Thiên nói, những năm gần đây tăng trưởng kinh tế của Việt Nam chủ yếu là đóng góp của DN nước ngoài. Đơn cử chỉ riêng Samsung sau 2 năm triển khai thì đã chiếm 18% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả Việt Nam.

Trong khi DN nước ngoài mạnh lên thì DN nội địa lại yếu đi, lý do vì phải chịu nhiều cơ chế ràng buộc. FDI mới chỉ góp phần tăng trưởng GDP còn mục tiêu lớn hơn là DN nội địa có cơ hội hợp tác vào chuỗi cung ứng, được tiếp cận, đổi mới công nghệ thì không đạt được. Một nền kinh tế mà tăng trưởng dựa vào DN ngoại theo ông Thiên là đáng lo ngại.

Và ông Viện trưởng dẫn chứng: Khi Samsung bỏ ra hàng tỷ USD đầu tư ở Bắc Ninh, Thái Nguyên, TPHCM..., họ đã đặt ra bảng kê có ít nhất 170 sản phẩm phụ trợ bên cạnh đó là các tiêu chuẩn đi kèm sau đó mời DN nội địa tới để hợp tác. Hàng ngàn DN nội tới, nhưng chỉ 5-7 DN dám phát biểu, bảo rằng chỉ có thể đáp ứng được khoảng 5% các tiêu chuẩn đề ra, còn lại mong Samsung châm trước. Nhìn thế để thấy công nghiệp phụ trợ của Việt Nam ở đâu, DN nội địa có gì để có thể tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. 

Ở một góc độ khác, Viện trưởng Trần Đình Thiên nhìn nhận, việc gia nhập TPP (Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương) còn nhiều tiêu chuẩn gay gắt hơn cả WTO, trong khi Việt Nam là nền kinh tế kém nhất trong 12 nước. Tinh thần là, gần như thuế xuất sẽ kéo về 0%, áp lực cạnh tranh sẽ lớn hơn rất nhiều. Song, không phải vì chúng ta kém phát triển hơn, DN yếu hơn là ta không dám bước chân vào sân chơi của các “ông lớn”.

Không nên e ngại chuyện đó, phải vào, phải hội nhập, bởi vì chỉ có cách đó thì nền kinh tế mới phát triển được. Chúng ta không thể nói rằng vào TPP cái là DN nội địa sẽ “chết” hết, nhất là DN thép, không thể bảo phải chờ gần chục năm nữa mới mở cửa, thế giới luôn phát triển, không chờ ai cả.

Bài học từ ngành ô-tô của Trung Quốc, cứ hò hét bảo vào WTO sẽ đóng cửa hết, nhưng rồi một vài năm lại tìm được đường, tìm được cơ hội ngay trong thách thức và phát triển trở lại rất nhanh.  Vậy vấn đề ở đây là gì, là phải đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế vĩ mô, tái cơ cấu kinh doanh trong chính DN để sẵn sàng tồn tại trong sân chơi TPP.

Ông Viện trưởng gợi ý, có những thế mạnh mà Việt Nam mình từng không có đối thủ vì thế phải biết tập trung phát huy, đón đầu thách thức. Chẳng hạn gạo của Việt Nam, bây giờ chất lượng thấp quá, phải hiện đại hóa nông nghiệp, phải tập trung mạnh, coi đây là mũi nhọn. Đặc điểm của hội nhập  là hàng rào thuế quan càng giảm thì hàng rào kỹ thuật càng tăng. Đấy là cuộc chơi mà muốn phát triển thì anh phải tham gia, phải chủ động trong điều kiện tốt nhất.

Với thực tế đó, tái cấu trúc kinh tế là cấp bách, tuy vậy theo ông Thiên, cách tái cấu trúc ở nước ta không ổn. Bởi lẽ việc tái cấu trúc còn chưa theo nguyên lý thị trường. Đơn cử là nhiều loại giá, như giá đất, năng lượng, lãi suất (giá tiền), giá lao động (lương) vẫn chưa theo nguyên lý thị trường đúng nghĩa.

Đây là các loại giá cơ bản, việc can thiệp vào nó làm thị trường trở nên méo mó. Trong khi đó, việc cổ phần hóa DN nhà nước còn chậm, thủ tục hành chính thì phức tạp. Viện trưởng Trần Đình Thiên kết luận: Trên thực tế, các quá trình tái cơ cấu và điều chỉnh chính sách chưa đụng chạm đến mô hình tăng trưởng.

Đổi mới công nghệ là hướng thoát để tham gia vào chuỗi toàn cầu của DN. Ảnh: V.T

Công nghệ lạc hậu

Đề cập đến vấn đề của Đà Nẵng, ông Võ Duy Khương - Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Đà Nẵng cho biết, trước đây ngân sách TP chủ yếu thu từ khai thác quỹ đất, nhưng những năm gần đây dù kinh tế suy thoái, nhưng đóng góp ngân sách từ thuế lại chiếm tỷ lệ lớn. Các cấp chính quyền của TP đã quan tâm nhiều hơn tới DN, coi DN là động lực để phát triển TP. Tuy vậy, ông Khương cũng thừa nhận những hạn chế như thủ tục liên quan tới thuế, đất đai.

Đơn cử như DN lớn xin vài ngàn mét vuông đất trong khu công nghiệp thì có chứ DN nhỏ xin vài trăm mét vuông thì không có. Hoặc các thủ tục liên quan tới thuế, đất đai hiện phức tạp, người làm quản lý đọc xong còn không hiểu nói gì người dân, DN. Về phía DN, ông Khương cũng nhìn nhận, Đà Nẵng chưa có những DN lớn, được coi là những “quả đấm thép” có tầm ảnh hưởng, chi phối thị trường, hiệu quả DN còn hạn chế.

Trong số 15 ngàn DN thì tới 76% DN siêu nhỏ (dưới 10 lao động). Trong khi Quảng Nam, chỉ tính riêng Trường Hải mỗi năm nộp thuế 3 ngàn tỷ đồng, bằng 50% ngân sách Đà Nẵng. Còn ở Đà Nẵng, DN nộp thuế nhiều nhất cho TP là nhà máy bia mỗi năm cũng khoảng 600 tỷ đồng, thứ nhì là Cao su Đà Nẵng khoảng 150 tỷ đồng, các DN thương mại, dịch vụ thì đóng góp còn thấp.

Cũng theo ông Khương, Đà Nẵng ưu tiên phát triển công nghệ cao, dịch vụ và sẽ tạo mọi điều kiện thông thoáng để DN phát triển. Cụ thể như đổi mới cơ chế chính sách, tạo điều kiện bình đẳng cho các DN. Hiện nhiều dự án lớn ở Đà Nẵng DN địa phương chưa chen chân vào được, vì thế DN phải có chiến lược liên kết, đủ nội lực để cạnh tranh.

Điều ông Khương lo nhất mở cửa hội nhập bởi TPP chính là công nghệ của DN ở Đà Nẵng hiện quá lạc hậu, hầu hết là nhập công nghệ lạc hậu từ Trung Quốc khi mà người ta đã thải ra, nó kém công nghệ các nước xung quanh từ 4-5 bậc. Thực tế thì các DN như Cao su, Danapha nhập công nghệ tiên tiến đã sản xuất ra hàng hóa xuất ra nước ngoài, hiệu quả kinh doanh rất tốt. Vì thế, trong nhiều việc phải làm, ông Khương cho rằng DN cần đặc biệt quan tâm tới công nghệ, như vậy mới có thể cạnh tranh, không thua ngay trên sân nhà.

Hải Quỳnh