Tái diễn thủ đoạn giả danh công an gọi điện lừa đảo
Trong ngày 18-5, CATP Quy Nhơn (Bình Định) liên tiếp nhận được 3 đơn trình báo của 3 người bị hại về việc bị lừa đảo với thủ đoạn giống nhau. Theo thông tin của các bị hại cung cấp, đối tượng lừa đảo tự xưng công an gọi điện thông báo là bị hại có liên quan đến một vụ án cần thống kê tài sản, phong tỏa tài sản, chuyển tiền đến tài khoản mà bọn chúng đưa để thống kê tài sản.
Như trường hợp của ông Võ Văn Khi (trú P. Thị Nại, TP Quy Nhơn), sáng 14-4, ông Khi nhận cuộc gọi từ số máy 882438325106, đầu dây bên kia là giọng nam chất vấn ông Khi về việc không hợp tác với Cơ quan Công an theo yêu cầu triệu tập. Ông Khi còn ngạc nhiên thì số máy bên kia đọc rõ thông tin về nơi ở, số tài khoản của ông Khi càng làm ông chột dạ.
Sau đó, người gọi đến còn thông báo ông Khi có liên quan đến một vụ mua bán ma túy trị giá 6 tỷ đồng nên yêu cầu ông thống kê tài sản để phong tỏa. Ông Khi khai chỉ có 29 triệu đồng trong tài khoản ngân hàng, số máy bên kia yêu cầu ông kết bạn zalo, thấy hình đại diện mặc đồ công an ông Khi càng tin. Ngoài ra, bọn chúng chụp ảnh “Lệnh tạm giữ tài sản phục vụ điều tra của viện kiểm sát tối cao” gửi qua zalo và yêu cầu ông Khi chuyển hết số tiền đang có vào tài khoản bọn chúng để phục vụ điều tra.
Cũng theo ông Khi, có 3 cơ sở để ông tin lời các đối tượng lừa đảo và thực hiện việc chuyển tiền cho chúng là: “Các đối tượng biết được một số thông tin của ông, thấy hình ảnh zalo có hình công an là thật và lệnh của viện kiểm sát tối cao”. Tuy nhiên 3 cơ sở mà ông Khi nêu ra thì bọn lừa đảo dễ dàng làm giả, riêng thông tin của ông có thể bọn chúng lấy từ nhiều nguồn.
Cũng trong ngày 14-4, bà Phan Thanh H. (trú P. Thị Nại, TP Quy Nhơn) cũng bị lừa với thủ đoạn tương tự, bà H. đã chuyển cho các đối tượng số tiền 60 triệu đồng. Còn bà Nguyễn Thị M. (trú P. Lê Lợi, TP Quy Nhơn) thì cho toàn bộ thông tin tài khoản ngân hàng của mình cho người tự xưng công an để đối tượng này tự thực hiện giao dịch số tiền 48 triệu đồng.
Theo Thiếu tá Trần Quang Huy- Đội phó Đội Cảnh sát hình sự CATP Quy Nhơn, người dân cũng cần hết sức cảnh giác, bình tĩnh trước những cuộc điện thoại lạ và báo ngay cho cơ quan Công an khi có những cuộc điện thoại tương tự để tránh là nạn nhân giống như các trường hợp trên. Nhiều người đã nghĩ có thể mình bị lừa nhưng rồi lại chuyển tiền, sau khi chuyển tiền xong mới báo Cơ quan Công an thì đã muộn.
Trước thực trạng trên, về phía cơ quan chức năng đã tập trung công tác đấu tranh phòng ngừa; đồng thời thường xuyên phát thông báo, tuyên truyền cho người dân hiểu rõ phương thức thủ đoạn của bọn tội phạm để phòng tránh. Người dân cũng cần hết sức cảnh giác, bình tĩnh trước những cuộc điện thoại lạ và báo ngay cho cơ quan Công an khi có những cuộc điện thoại tương tự để tránh là nạn nhân giống như các trường hợp trên.
Những thủ đoạn nêu trên không mới, Báo Công an TP Đà Nẵng đã nhiều lần phản ánh về các trường hợp bị lừa đảo như trên; đồng thời có khuyến nghị với người dân là: Cơ quan Công an không bao giờ làm việc qua điện thoại; không bao giờ yêu cầu chuyển tiền vào tài khoản cá nhân. Nếu người dân có liên quan đến pháp luật sẽ được mời đến trực tiếp làm việc tại trụ sở cơ quan công an. Vì vậy, người dân không nên tin và nghe theo những kẻ mạo danh qua điện thoại hoặc mạng xã hội.
LÊ GIANG