Tái diễn tình trạng giả mạo giấy tờ bệnh viện và hoàn cảnh bệnh nhi đáng thương để lừa đảo tiền từ thiện

Thứ năm, 10/04/2025 08:15

Sau một thời gian tạm lắng, gần đây trên các hội nhóm mạng xã hội tái diễn tình trạng đăng tải về các hoàn cảnh bệnh nhi đáng thương kèm theo giấy tờ giả mạo của bệnh viện để lừa đảo tiền từ thiện.

Bài viết kêu gọi từ thiện và giấy chứng nhận giả mạo.
Bài viết kêu gọi từ thiện và giấy chứng nhận giả mạo.

Mới đây, Công an xã Hoài Phú (thị xã Hoài Nhơn, Bình Định) đã có cảnh báo về thông tin bịa đặt liên quan đến một hoàn cảnh đáng thương không có thật trên địa bàn xã để lừa tiền ủng hộ từ các nhà hảo tâm.

Theo đó, ngày 6-4-2025, tài khoản mạng xã hội có tên: “Nguyễn Thành Chung” đăng một bài viết trên nhóm Facebook “Chợ Rao vặt Hoài Nhơn, Bình Định” với thông tin: Bản thân tên Chung ở xã Hoài Phú, thị xã Hoài Nhơn có con trai là Nguyễn Thành Nhân, sinh ngày 3-2-2024, bị mắc bệnh viêm màng não mô cầu. Sau khi điều trị 2 tháng tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP Hồ Chí Minh) vừa mới mất. Sau quá trình chạy chữa cho con gia đình đã khánh kiệt nên cần sự giúp đỡ của cộng đồng để có tiền đưa cháu về quê lo hậu sự. Đăng kèm bài viết là số tài khoản ngân hàng mang tên Nguyễn Thành Chung cùng hình ảnh một bé trai và “Giấy chứng nhận” có đề tên Bệnh viện Nhi Đồng 1.

Tuy nhiên, kết quả xác minh của Công an xã Hoài Phú cho thấy trên địa bàn xã không hề có trường hợp nào có tên là Nguyễn Thành Nhân (sinh ngày 3-2-2024, có cha là Nguyễn Thành Chung và mẹ là Trần Thị Mỹ Dung) bị mắc bệnh viêm màng não mô cầu và chết như thông tin nêu trên. “Trước đây cũng xuất hiện chiêu trò lừa đảo tương tự. Vì vậy, mọi người hết sức cẩn thận, tránh bị các đối tượng lợi dụng lòng tốt để chiếm đoạt tiền”, Thiếu tá Nguyễn Tiến Dũng- Trưởng Công an xã Hoài Phú, khuyến cáo.

Liên quan đến tình trạng giả mạo các giấy tờ, chữ ký của Giám đốc và con dấu của bệnh viện, vào giữa tháng 2-2025, Bệnh viện Nhi Đồng 1 cũng đã phát hiện một trường hợp tương tự. Theo đó, giữa tháng 2-2025, Bệnh viện Nhi Đồng 1 phát hiện một tài khoản mạng xã hội đăng thông tin về trường hợp bệnh nhi có tên Nguyễn Thành Nhân (sinh năm 2024, đều có cùng tên cha là Nguyễn Thành Chung và mẹ là Trần Thị Mỹ Dung) cũng bị mắc bệnh viêm màng não mô cầu và chết sau 2 tháng điều trị. Cũng với nội dung kêu gọi mọi người giúp đỡ, ủng hộ tiền vào tài khoản ngân hàng mang tên Nguyễn Thành Chung. Kèm theo đó là hình ảnh 1 bệnh nhi và Giấy chứng nhận số 1035/BVNĐ1 ngày 9-2-2025 có ghi thông tin bệnh nhi Nguyễn Thành Nhân.

Sau khi rà soát thông tin, Bệnh viện Nhi Đồng 1 xác nhận không cấp Giấy chứng nhận số 1035/BVNĐ1 nói trên là giả mạo. Bệnh viện Nhi Đồng 1 khẳng định, chỉ có một kênh tiếp nhận đóng góp hỗ trợ bệnh nhân duy nhất là qua Phòng Công tác xã hội. Các cháu bệnh nhi khi điều trị tại Bệnh viện sẽ được ưu tiên chăm sóc và điều trị trước, nếu gia đình có hoàn cảnh khó khăn sẽ được khoa giới thiệu đến phòng Công tác xã hội để được hỗ trợ nếu không có khả năng chi trả.

Việc giả mạo các giấy tờ, chữ ký của Giám đốc và con dấu của Bệnh viện Nhi Đồng 1 như vừa nói trên không phải là trường hợp cá biệt, bởi trước đó nhiều bệnh viện tại các tỉnh Kon Tum, Quảng Ngãi, Bình Định đã có công văn trình báo Công an, đề nghị điều tra hành vi mạo danh giấy xác nhận nằm viện rồi tung lên Facebook để kêu gọi từ thiện nhằm trục lợi.

Thủ đoạn lừa đảo này từng rộ lên vào khoảng nửa đầu năm 2024 tại nhiều địa phương trên cả nước với hình thức, nội dung na ná nhau. Điểm chung của các bài viết lừa đảo kêu gọi từ thiện là các trường hợp người bệnh có hoàn cảnh thương tâm kèm theo hình ảnh bệnh nhân, giấy nhập viện, giấy báo chi phí phẫu thuật, biên lai thu tiền tạm ứng và thông tin cụ thể về số tài khoản nhận tiền hỗ trợ. Tuy nhiên, qua xác minh của bệnh viện và các cơ quan chức năng, toàn bộ nội dung và hình ảnh của bệnh nhân được đăng tải là giả; hình ảnh giấy tờ của bệnh viện, các hóa đơn, chứng từ trong bài viết kêu gọi quyên góp cũng không đúng sự thật.

Để có thể phòng tránh được thủ đoạn lừa đảo tinh vi trên, cơ quan chức năng khuyến cáo người dân cần nâng cao cảnh giác, thận trọng tìm hiểu, kiểm chứng kỹ các thông tin đăng tải kêu gọi ủng hộ từ thiện trên các trang mạng xã hội. Nêu cao tinh thần cảnh giác, không gửi tiền quyên góp, ủng hộ vào các tài khoản không rõ nguồn gốc. Tuyệt đối không chuyển tiền cho các cá nhân hoặc tổ chức tự phát không có danh tính rõ ràng. Đặc biệt, người dân cần liên hệ với chính quyền địa phương, bệnh viện nơi họ điều trị để xác định chính xác thông tin. Trường hợp có nghi ngờ về hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản, người dân báo ngay cho cơ quan Công an gần nhất để có biện pháp ngăn chặn, xử lý kịp thời.

T.H