Tái hiện không gian mùa giữ rẫy của đồng bào Kon Tum

Thứ bảy, 15/12/2018 09:24

Một không gian lao động, sản xuất và sinh hoạt cộng đồng  của bà con các dân tộc trên địa bàn tỉnh Kon Tum đã được tái hiện một cách sinh động, hấp dẫn tại buổi Triển lãm Di sản văn hóa. Đây cũng là một trong những chương trình nằm trong các chuỗi hoạt động của Tuần lễ Văn hóa–Du lịch tỉnh Kon Tum lần thứ 4 năm 2018 diễn ra từ ngày 14 đến 17-12,  mang đến những nét văn hóa độc đáo của từng dân tộc trên đại ngàn Tây Nguyên.

Người dân Xơ Đăng tổ chức lễ bên cây nêu dựng cao vút giữa nền trời xanh.

“Không gian mùa giữ rẫy”

Bao đời nay, hoạt động sản xuất của cộng đồng bà con các dân tộc ở Kon Tum nói riêng và đại ngàn Tây Nguyên luôn gắn với núi rừng, nương rẫy. Từ đó, cư dân ở đây đã chế tác cho mình những bộ công cụ sản xuất phong phú, độc đáo phù hợp với điều kiện tự nhiên. Ở không gian nương rẫy, không chỉ có nơi trồng bắp, tỉa lúa mà còn có những ngôi nhà kho dựng lên giữa lưng chừng núi, là nơi cất giữ những vật dụng như gùi, teo được đan lát kỳ công, những hình nộm, đàn Tơ-rưng nước làm từ ống nứa kết nối với nhau nhờ sức nước, sức gió để xua đuổi lũ chim, chuột phá hoại mùa màng… Đó cũng là không gian sinh hoạt văn hóa, khi là tiếng đàn ong eng tỉ tê tâm sự của vợ chồng bên ngôi nhà rẫy, tiếng sáo Ta Lin, Đun đô, Khêl vang bên triền rẫy, tiếng cồng, tiếng chiêng trong lễ mừng lúa mới…

Một không gian lúa rẫy, chòi canh và hình nộm đuổi chim, thú phá hoại mùa màng được tái hiện.

Bằng việc tái hiện “không gian mùa giữ rẫy” với sự tham gia của các nghệ nhân, nhân dân các dân tộc trong khuôn viên Bảo tàng tỉnh Kon Tum, đã giới thiệu đến người dân, du khách gần xa hiểu thêm về không gian lao động, sinh hoạt đầy sống động của bà con các dân tộc Tây Nguyên qua các hoạt động như: triển lãm, chế tác các bộ nông cụ, đan lát, dệt vải, nghề rèn truyền thống, lễ hội truyền thống gắn với nương rẫy. Nghệ nhân A Ngu (làng Đăk Riêng 2, xã Đăk Na, H. Tu Mơ Rông, Kon Tum) cho biết: “Hôm nay mình về đây phục dựng lại nhà kho, nhà canh rẫy hay cái hình nộm xua đuổi con chim, con thú của bà con Xơ Đăng khi vào vụ mùa. Trước mùa thu hoạch vào tháng 11, 12 hằng năm, bà con vào rừng tìm cái cây, bắt máng nước làm lễ mừng lúa mới, đưa cái lúa về kho”. 175 nông cụ độc đáo của các dân tộc, từ những chiếc rìu, rựa, cuốc, niếc có phần cán làm từ gốc nứa, gốc cây già, đến những chiếc gùi, teo, ang suốt lúa được đan lát tỉ mỉ hay cả những dụng cụ nay chỉ còn trong ký ức như những chiếc gậy bịt đầu sắt để chọc lỗ gieo hạt đã được các nghệ nhân trưng bày, chế tác tại triển lãm, mang đến cho du khách sự trải nghiệm thích thú. Qua thời gian, bộ công cụ sản xuất của cư dân các dân tộc ở Kon Tum ngày càng hoàn thiện và mang tính chuyên dùng.

Bên bệ rèn với các dụng cụ thủ công, già làng A Xê (84 tuổi, thôn 4, xã Đăk Uy, H. Đăk Hà, Kon Tum) đang  thổi lửa bằng 2 bệ chế tác bằng da. “Hồi trước bà con Xơ Đăng mình nổi tiếng với nghề rèn. Cứ trước mùa rẫy mới, bà con đến lò rèn sửa lại cái cuốc, cái niếc làm cỏ, cái gậy chọc lỗ, có như vậy mùa màng mới bội thu được”.

Những nông cụ được trưng bày tại Triển lãm.

Nương rẫy và mùa lễ hội

Cùng với những hoạt động sản xuất, chế tạo nông cụ, bà con các dân tộc cũng đã trình diễn cây nêu truyền thống của riêng mình. Đối với cư dân bản địa dọc dải Trường Sơn – Tây Nguyên, không có lễ hội lớn nào mà lại vắng bóng cây nêu. Đó không chỉ là nghệ thuật của kiến trúc mà cây nêu còn là biểu tượng tâm linh, là trục nối, là đường đi của con người đến với các đấng thần linh, các Yang. Anh A Đruế (dân tộc Mơ Nâm, ở H. Kong Plông, Kon Tum) chia sẻ: “Cây nêu của người Mơ Nâm được dựng lên trong lễ hội đâm trâu, các lễ hội quan trọng khác và đặc biệt với người Mơ Nâm ở Kon Plông, cây nêu còn được dựng lên trong lễ làm chuồng trâu diễn ra hàng năm. Theo quan niệm của người Mơ Nâm, cây nêu được trang trí 3 phần: phần gốc là dành cho Yang (thần) đất, giữa là tượng trưng cho con người và phần trên cùng là tượng trưng cho Yang (trời)”. Còn nghệ nhân Rơ Châm Banh (dân tộc Gia Rai, thôn Klâu Ngol Zố, xã Ia Chim, TP Kon Tum) tự hào khi giới thiệu cây nêu của dân tộc mình: “Trên ngọn cây nêu của đồng bào Gia Rai luôn gắn 1 con chim mà người Gia Rai gọi là chim Tlang, biểu tượng của sự tự do, của thần mặt trời. Đoạn giữa gắn hoa văn hình bông gạo biểu hiện cho sự cầu mong khỏe mạnh, an lành tỏa ra 4 hướng. Ngày trước, để làm cây nêu, thanh niên trong làng phải đi vào rừng tìm cây lồ ô cao nhất. Sau khi xin Yang rừng rồi mới được mang về”.

Đặc biệt, gắn với đời sống, lễ hội của bà con các dân tộc nơi đây không chỉ có tiếng cồng, tiếng chiêng mà có những nhạc cụ được chế tác tinh xảo dù chỉ từ những vật dụng đơn giản nhất. Từ những ống nứa, các nghệ nhân chế tác thành nhạc cụ, tạo âm thanh trầm hòa theo tiếng cồng, chiêng, tiếng Tà Vẩu (loại sáo của người Mơ Nâm), hay tiếng Ta Lin, Đun đô, tiếng đàn ong eng da diết đầy tâm sự của người Giẻ Triêng… Nghệ nhân dân gian Brôl Vẻ, người Giẻ Triêng ở xã Đăk Dục (H. Ngọc Hồi, Kon Tum) có thể chế tác và chơi thành thạo 15 loại nhạc cụ của dân tộc mình, vui cười khi giới thiệu về các loại nhạc cụ với du khách: “Nhờ Nhà nước quan tâm mà mình có thể tiếp tục chế tác, chơi các loại nhạc cụ của bà con dân tộc mình. Mình còn có thể truyền dạy lại cho con, cho cháu để các loại nhạc cụ truyền thống không bị mai một đi”.

Bà Trần Thị Nga, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum cho biết: “Trong những năm qua, tỉnh Kon Tum thường xuyên quan tâm, triển khai nhiều giải pháp nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa vật thể, phi vật thể của cộng đồng các dân tộc, như: cồng chiêng, múa xoang, các nhạc cụ truyền thống, trò chơi dân gian, hệ thống tín ngưỡng, nghi lễ dân gian… Từ đó, tạo nên sự gắn kết giữa các thành viên trong cộng đồng, góp phần quảng bá giới thiệu di sản văn hóa của các dân tộc tỉnh Kon Tum đến với bạn bè trong nước và quốc tế”.

MINH TÂN

Tuần Văn hóa - Du lịch tỉnh Kon Tum lần thứ 4 năm 2018 là hoạt động văn hóa, chính trị, xúc tiến đầu tư nhằm tiếp tục tôn vinh, quảng bá đến bạn bè trong nước và quốc tế về tiềm năng, thế mạnh phát triển kinh tế, văn hóa, du lịch, xúc tiến đầu tư của khu vực nói chung, tỉnh Kon Tum nói riêng trong công cuộc hội nhập và phát triển. Qua đó, góp phần giữ gìn, tôn vinh bản sắc văn hóa dân tộc, đồng thời xúc tiến thu hút đầu tư trên các lĩnh vực. Tuần Văn hóa – Du lịch tỉnh Kon Tum năm nay diễn ra với các hoạt động: Trình diễn trang phục truyền thống, lễ hội đường phố, liên hoan văn hóa ẩm thực, triển lãm Di sản văn hóa, trình diễn cây nêu truyền thống, các trò chơi dân gian, liên hoan tạc tượng gỗ dân gian...