Tái hôn có được hưởng thừa kế của chồng cũ?
* Bạn đọc hỏi: bà Ngọc Hạnh, trú Q. Cẩm Lệ (TP Đà Nẵng), hỏi: Con trai tôi kết hôn năm 2001. Trong quá trình sống chung, vợ chồng con trai tôi có tạo dựng được một căn nhà đứng tên sở hữu của cả 2 vợ chồng. Ngoài ra, chúng tôi có tặng riêng cho con trai tôi một căn nhà, do con trai tôi đứng tên sở hữu. Năm 2008, con trai tôi bị TNGT qua đời. Năm 2015, con dâu tôi kết hôn với người khác và vẫn tiếp tục sống trong căn nhà do 2 vợ chồng con trai tôi đứng tên. Chúng tôi có thống nhất là giao toàn quyền sở hữu căn nhà đó cho con dâu mà không đòi hỏi quyền lợi gì cả. Còn căn nhà do vợ chồng tôi tặng riêng cho con trai do chúng tôi quản lý, sử dụng, con dâu không có quyền yêu cầu gì. Con dâu tôi cũng đã đồng ý điều đó. Tuy nhiên, đến nay, chúng tôi muốn bán căn nhà đó thì con dâu lại yêu cầu được chia phần. Xin hỏi con dâu tôi có quyền lợi gì đối với căn nhà mà chúng tôi đã tặng riêng cho con trai tôi hay không?
* Ths. LS Lê Ngô Hoài Phong, Trưởng Chi nhánh Công ty Luật TNHH Phạm và Liên Danh tại TP Đà Nẵng, trả lời: Về nguyên tắc pháp lý, việc một người tái hôn sau khi vợ hoặc chồng của người đó qua đời không làm mất đi quyền thừa kế đối với di sản do người chết để lại. Do đó, theo Điều 655 Bộ luật Dân sự 2015 thì việc thừa kế trong trường hợp vợ, chồng đã chia tài sản chung; vợ, chồng đang xin ly hôn hoặc đã kết hôn với người khác được quy định: trường hợp vợ, chồng đã chia tài sản chung khi hôn nhân còn tồn tại mà sau đó một người chết thì người còn sống vẫn được thừa kế di sản; trường hợp vợ, chồng xin ly hôn mà chưa được hoặc đã được tòa án cho ly hôn bằng bản án hoặc quyết định chưa có hiệu lực pháp luật, nếu một người chết thì người còn sống vẫn được thừa kế di sản; người đang là vợ hoặc chồng của một người tại thời điểm người đó chết thì dù sau đó đã kết hôn với người khác vẫn được thừa kế di sản. Tại thời điểm con trai của bà Hạnh chết thì hai người vẫn là vợ chồng, nghĩa là quan hệ hôn nhân giữa hai người vẫn tồn tại. Do đó, sau này khi phân chia di sản thừa kế của con trai bà Hạnh, mặc dù con dâu bà đã kết hôn với người khác nhưng vẫn được hưởng di sản thừa kế do chồng cũ của cô ấy để lại. Trong trường hợp này, người con dâu vẫn thuộc hàng thừa kế thứ nhất của người để lại di sản thừa kế. Theo quy định của pháp luật, hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết. Như vậy, đối với căn nhà do con trai bà đứng tên sở hữu, mặc dù giữa gia đình bà và con dâu bà đã thống nhất để cho gia đình bà tiếp tục quản lý, sử dụng, con dâu không có quyền yêu cầu gì nhưng nếu nội dung này không được lập thành văn bản có giá trị pháp lý, thì con dâu bà vẫn có quyền và vẫn còn thời hiệu để yêu cầu chia di sản thừa kế đối với căn nhà do người chồng để lại. Tương tự, đối với căn nhà do vợ chồng con trai bà đứng tên mà hiện nay con dâu bà đang sử dụng, con dâu bà chỉ có quyền sở hữu đối với 50% giá trị nhà đất, 50% còn lại thuộc về di sản thừa kế. Do con trai bà Hạnh không để lại di chúc, nên di sản sẽ được phân chia theo pháp luật cho các hàng thừa kế thứ nhất. Theo đó, bà Hạnh, chồng bà hạnh, vợ, con đẻ, con nuôi (nếu có) của con trai bà Hạnh thuộc hàng thừa kế thứ nhất sẽ được hưởng các suất thừa kế bằng nhau trong số 50% giá trị di sản thừa kế của con trai bà Hạnh.
Chuyên mục này có sự hợp tác về chuyên môn của Chi nhánh Công ty Luật TNHH Phạm và Liên Danh tại TP Đà Nẵng. Đường dây nóng hỗ trợ tư vấn: 0236.3572456; 0905102425