Tại sao Nga tiếp cận Taliban?
(Cadn.com.vn) - Hồi đầu tháng này, Đại sứ Nga tại Afghanistan, Alexander Mantyskiy, thông báo rằng chính phủ Nga đã tiếp cận ngoại giao với các thủ lĩnh Taliban. Ông Mantyskiy phản đối những chỉ trích của quốc tế đối với động thái này, khẳng định việc Moscow tiếp cận nhóm cực đoan là nhằm đảm bảo sự an toàn của người dân Nga.
Điện Kremlin cho rằng, họ đối thoại với Taliban vì hai lý do chính. Thứ nhất, đây là điều cần thiết bảo đảm sự ổn định chính trị lâu dài ở Afghanistan. Thứ hai, Nga có thể đàm phán với Taliban về buôn bán ma túy và lợi dụng sự đối đầu của Taliban đối với IS để phát triển các mục tiêu chống khủng bố.
Ổn định chính trị Afghanistan
Mặc dù Tổng thống Putin ủng hộ quyết định lật đổ chính quyền Taliban tại Afghanistan của Tổng thống Bush vào năm 2001, sự suy thoái của cuộc chiến của Mỹ ở Afghanistan khiến ông Putin thay đổi quan điểm. Ông cho rằng, các hoạt động quân sự của Lầu Năm Góc tại Afghanistan đã góp phần vào sự mất ổn định của nước này. Nhận thức này khiến Moscow thiết lập quan hệ với Taliban, bởi các nhà hoạch định chính sách của Nga tin rằng Taliban có thể chống lại việc triển khai sức mạnh của Mỹ ở Afghanistan.
Theo một thủ lĩnh cấp cao của Taliban, mối quan hệ Nga với Taliban bắt đầu vào năm 2007. Ngay cả sau khi Mỹ chính thức kết thúc cuộc chiến ở Afghanistan vào năm 2014, Nga vẫn tiếp tục tiếp cận Taliban, với lý do Afghanistan không thể hòa bình nếu chính phủ Kabul và Taliban không đàm phán.
Chính phủ Nga khẳng định, việc Moscow ủng hộ Taliban tham gia vào các cuộc đàm phán hòa bình không dẫn đến việc Taliban trở thành một đối tác liên minh trong chính phủ Afghanistan.
Lực lượng an ninh Afghanistan ở thành phố Kunduz. Ảnh: Diplomat |
Chống ma túy, IS
Mặc dù mối quan hệ của Nga -Taliban trở nên xấu đi trong những năm 1990, khi Taliban hỗ trợ phiến quân Chechnya và cung cấp nơi trú ẩn cho mạng lưới khủng bố Trung Á, Moscow không còn xem Taliban là mối đe dọa lớn đối với an ninh Nga. Thay vào đó, Nga xem Taliban là đối tác chống ma túy và chống khủng bố hiệu quả.
Taliban kiếm được 100 triệu -300 triệu USD mỗi năm từ buôn bán ma túy hoặc bảo kê những kẻ vận chuyển thuốc phiện. Tuy nhiên, Nga cho rằng có thể thương lượng với Taliban để nhóm này chấm dứt các hoạt động buôn bán ma túy bất hợp pháp. Kết luận này dựa trên sự thành công của Moscow trong các giao dịch với Taliban trước đây. Zamir Kabulov, đặc phái viên của Nga tới Afghanistan, đã đàm phán thành công với Taliban trong việc thả 7 con tin vào năm 1996. Nếu Moscow chứng minh rằng, họ có thể đạt được thỏa thuận với Taliban về buôn bán ma túy, ông Putin sẽ giành được thắng lợi ngoại giao quan trọng, qua đó tăng cường đáng kể vị thế của Nga trong các cuộc đàm phán về tương lai chính trị của Afghanistan sau này.
Ngoài ra, Nga tin rằng, Taliban là một đối tác chống IS hữu ích. Hồi tháng 12-2015, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova tiết lộ rằng, Moscow chia sẻ thông tin tình báo với Taliban để giúp Taliban đánh bại 3.000 phần tử IS tại Afghanistan.
An Bình
(Theo Diplomat)