DIỄN ĐÀN DU LỊCH MÊ kÔNG 2022:

Tái thiết ngành du lịch, kiên cường phục hồi du lịch

Thứ năm, 13/10/2022 07:24
Ngày 12-10, tại Khu nghỉ dưỡng Hoiana Resort & Golf (huyện Duy Xuyên, Quảng Nam), Bộ VH-TT&DL chủ trì phối hợp với Văn phòng Điều phối Du lịch Mê Công (MTCO) tổ chức Diễn đàn Du lịch Mê Kông 2022 (MTF) với chủ đề “Tái thiết ngành du lịch, kiên cường phục hồi du lịch”. Diễn đàn với hơn 250 đại biểu trong nước và quốc tế tham dự.
Ông Nguyễn Trùng Khánh - Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch phát biểu tại diễn đàn.
Ông Nguyễn Trùng Khánh - Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch phát biểu tại diễn đàn.

Du lịch Việt Nam thành công khi mở cửa trở lại

Diễn đàn Du lịch Mê Kông được tổ chức hàng năm nhằm mục đích nâng tầm khu vực Tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng (GMS) như một điểm đến du lịch chung, cung cấp một nền tảng toàn ngành cho khu vực công và tư để giải quyết các vấn đề du lịch của Tiểu vùng, đồng thời mở rộng mạng lưới tiếp thị và cơ hội quảng bá để thúc đẩy GMS trong khi tập hợp các nguồn lực tập thể để tạo ra sức mạnh tổng hợp trong ngành. Đây cũng là hội nghị trực tiếp đầu tiên của Tiểu vùng, do cơ quan cấp nhà nước chủ trì hội nghị kể từ khi đại dịch xảy ra, đánh dấu một cột mốc quan trọng trong việc phục hồi ngành du lịch ở các nước thành viên GMS. Sự kiện tương tác này đóng vai trò nền tảng để các bên liên quan đến du lịch kết nối lại, trao đổi kiến thức và kinh nghiệm truyền thông phục hồi du lịch, đồng thời thu thập những hiểu biết mới về du lịch GMS từ các chuyên gia trong ngành.

Phát biểu khai mạc tại diễn đàn, ông Nguyễn Trùng Khánh - Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch (Bộ VH-TT&DL) kêu gọi các bên liên quan đến du lịch nhìn nhận và định hình lại ngành du lịch để hướng tới một tương lai bền vững và toàn diện hơn. “Có thể khẳng định, du lịch Việt Nam đã thành công khi mở cửa trở lại du lịch quốc tế, được UNWTO ghi nhận là quốc gia Đông Nam Á đầu tiên dỡ bỏ hoàn toàn các rào cản đi lại liên quan đến COVID-19. Trong 9 tháng đầu năm 2022, Việt Nam đã đón hơn 1,65 triệu lượt khách quốc tế đến, phục vụ 86,8 triệu lượt khách du lịch nội địa, tổng thu khoảng 16,5 triệu đô-la Mỹ. Những con số này khẳng định sự phục hồi của du lịch Việt Nam, đặc biệt khi lượng khách du lịch nội địa chỉ trong 9 tháng đã vượt qua con số của cả năm 2019 trước đại dịch. Riêng trong Tiểu vùng Mê Kông mở rộng, Việt Nam đã đón hơn 110 nghìn lượt khách từ các nước GMS trong ba quý đầu năm. Tôi tin rằng lượng trao đổi khách sẽ còn tiếp tục tăng trưởng nhanh trong thời gian tới, khi các nước trong tiểu vùng đang lần lượt gỡ bỏ hoàn toàn các yêu cầu nhập cảnh liên quan đến COVID-19, tạo điều kiện kết nối điểm đến”- ông Khánh nhấn mạnh.

Mặc dù có những xu hướng tích cực trong phục hồi du lịch, môi trường kinh tế đầy thách thức do giá nhiên liệu tăng cao, lạm phát và gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu đã dẫn đến chi phí vận chuyển và lưu trú cho ngành du lịch tăng cao. Điều này tạo thêm áp lực cho các doanh nghiệp du lịch và ảnh hưởng tới mức chi tiêu của khách du lịch, làm trì hoãn sự phục hồi du lịch Tiểu vùng. Do đó, ông Nguyễn Trùng Khánh khuyến khích các bên liên quan đến du lịch ở mọi quy mô tận dụng các công cụ kỹ thuật số để hỗ trợ khả năng phục hồi và tính bền vững của ngành, cũng như nâng cao năng lực của ngành du lịch thông qua các chương trình đào tạo và nâng cao kỹ năng. Đồng thời nhấn mạnh về tầm quan trọng của các chương trình nâng cao năng lực và chia sẻ kiến thức nhằm nâng cao kỹ năng của các chuyên gia du lịch, đặc biệt trong việc phát triển xanh, tăng trưởng bền vững.

Cơ hội vàng để Quảng Nam thể hiện hình ảnh

Thay mặt lãnh đạo tỉnh Quảng Nam, phát biểu tại diễn đàn, ông Trần Văn Tân - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam bày tỏ lòng biết ơn chân thành nhất đến các đại biểu tham gia Diễn đàn Du lịch Mê Kông 2022, sự kiện du lịch cấp vùng trực tiếp đầu tiên được tổ chức tại Quảng Nam từ năm 2020. Ông Tân cho rằng đây là cơ hội vàng để tỉnh Quảng Nam thể hiện hình ảnh là điểm đến và tăng cường liên kết du lịch với các nước thành viên GMS và hơn thế nữa. “Tỉnh Quảng Nam đang tăng cường nỗ lực để giúp ngành du lịch phục hồi do tầm quan trọng về kinh tế, cũng như các giá trị xã hội và môi trường mà du lịch mang lại. Tỉnh Quảng Nam cũng là đơn vị đăng cai tổ chức sự kiện du lịch quốc gia lớn nhất trong năm “Du lịch Việt Nam 2022” với chủ đề “Điểm đến du lịch xanh”. Tỉnh cũng cam kết tăng trưởng bền vững ngành du lịch bằng cách tận dụng công nghệ để giảm thiểu tác động tiêu cực đồng thời thúc đẩy bảo vệ môi trường tự nhiên”- ông Trần Văn Tân nói.

Diễn đàn Du lịch Mê Kông 2022 bao gồm ba phiên thảo luận. Phiên thảo luận thứ nhất “Doanh nghiệp công: Một công cụ hiệu quả và có mục đích để phục hồi, phát triển và xúc tiến du lịch bền vững”, tìm hiểu cách các doanh nghiệp công đưa ra mô hình kinh doanh hứa hẹn cho tăng trưởng bao trùm, môi trường bền vững và xây dựng thương hiệu tích cực cho các điểm đến. Các diễn giả đã thảo luận về kiến thức, kỹ năng và các nguồn lực cần thiết để nâng cao tầm nhìn, tính hợp pháp và khuôn khổ pháp lý để thúc đẩy khả năng cạnh tranh và tận dụng sức mạnh của các doanh nghiệp xã hội đối với phục hồi du lịch bền vững trong GMS.

Phiên thảo luận thứ hai: “Các phương pháp mới để kết nối người mua và nhà cung cấp du lịch bền vững”. Qua đó xem xét các chiến lược mới để kết nối các nhà cung cấp và người mua với thị trường, tài chính và thiên nhiên. Các diễn giả trao đổi về các công cụ tài chính, hình thức hợp tác và cơ chế khuyến khích cả nhà cung cấp dịch vụ du lịch và người mua hợp tác với nhau, các nhà đầu tư và các đối tác phát triển vì một tương lai bền vững và linh hoạt.

Phiên thảo luận cuối cùng có chủ đề “Công nghệ: Mở ra cơ hội du lịch xanh”, các diễn giả đã chia sẻ phương pháp tối ưu nhất về việc tận dụng các công cụ kỹ thuật số để tối đa hóa tác động tích cực của du lịch đối với môi trường và cộng đồng địa phương. Phiên thảo luận đã nêu bật những thách thức, giải pháp và cơ hội cho các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa để áp dụng tốt hơn công nghệ và hội nhập vào nền kinh tế kỹ thuật số đang bùng nổ.

Tham gia thảo luận tại diễn đàn, chuyên gia cao cấp về Du lịch bền vững, Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), ông Wouterus Schalken đã đã chia sẻ quan điểm cá nhân về “Hồi sinh du lịch bền vững - Suy ngẫm về Mê Kông”. Ông Wouterus Schalken nhấn mạnh các chính sách, quy định và đầu tư liên quan cần thiết để đảm bảo khả năng phục hồi và tính bền vững của du lịch, tập trung vào cơ sở hạ tầng chất lượng, các giải pháp dựa vào thiên nhiên và áp dụng các thực tiễn điều hành và đa dạng hóa thân thiện với môi trường trong toàn ngành du lịch.

Còn bà Liz Ortiguera, Giám đốc điều hành Hiệp hội Du lịch Châu Á - Thái Bình Dương cho rằng, ngành du lịch đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch. Cuộc khủng hoảng này đặt ra yêu cầu cần phải tư duy và định hình lại du lịch theo hướng phát triển bền vững hơn, bao trùm hơn và có khả năng phục hồi. Dự báo sau năm 2022, ngành du lịch sẽ tiếp tục gặp nhiều thách thức, trong đó có giá nhiên liệu, chi phí du lịch về khách sạn, ăn uống; đặc biệt ngành hàng không gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, bà Liz Ortiguera cũng lạc quan về ngành du lịch châu Á, khi thị trường này đang trở lại mạnh mẽ. Đặc biệt là nhu cầu của khách ngày càng tăng cao, các tour du lịch bùng nổ…

Được biết, Vương quốc Campuchia sẽ đăng cai Diễn đàn Du lịch Mê Kông tiếp theo từ ngày 16 đến 20-3-2023 tại tỉnh Preah Sihanoukville với chủ đề “Suy nghĩ lại về khả năng phục hồi và số hóa”. Năm 2023 là năm Du lịch Campuchia và Campuchia cũng là nước chủ nhà của SEA Games 32 và ASEAN Para Games 12 trên tinh thần “Yêu thể thao trong hòa bình”.

LÊ HẢI