Taliban nắm quyền Afghanistan và mối lo Al-Qaeda và IS mạnh mẽ

Chủ nhật, 29/08/2021 09:41

Chiến thắng nhanh chóng đến kinh ngạc của các tay súng Taliban được cho là sẽ tạo ra cú hích to lớn cho các phần tử Hồi giáo cực đoan ở khắp mọi nơi, bất kể là Al-Qaeda, IS, các chiến binh ở Mozambique và Syria…

Taliban hiện đang kiểm soát Kabul và chuẩn bị thành lập chính phủ mới. Ảnh: AFP

Khi đưa ra quyết định rút quân khỏi Afghanistan, Mỹ nhấn mạnh các nhóm khủng bố sẽ không còn có thể hoạt động ở quốc gia Nam Á này để thực hiện các cuộc tấn công vào Mỹ như vụ khủng bố 11-9-2001.

“Chúng ta đến Afghanistan gần 20 năm trước với mục tiêu diệt những kẻ tấn công ngày 11-9 và đảm bảo Al-Qaeda không thể hoạt động ở Afghanistan để tấn công chúng ta một lần nữa", Tổng thống Joe Biden nói trong bài phát biểu từ Nhà Trắng hồi tuần trước khi bảo vệ quyết định rút quân khỏi Afghanistan bất chấp thực tế hiện nay rất nghiệt ngã.

Nhưng các chuyên gia cho rằng, Al-Qaeda có thể đã bị suy yếu nhưng thực tế vẫn hoạt động ở Afghanistan. Và nhóm IS, một đối thủ cực đoan hơn, cũng duy trì sự hiện diện ở Afghanistan. Theo một báo cáo gần đây của LHQ, Al-Qaeda duy trì sự hiện diện ở ít nhất 15 tỉnh của Afghanistan, ước tính có khoảng từ vài chục đến 500 thành viên.

Theo giới quan sát, đây luôn là một vấn đề bị chính phủ Mỹ phớt lờ. Nằm trong thỏa thuận năm ngoái với Mỹ, Taliban cam kết không cho phép hoạt động đào tạo, gây quỹ hoặc tuyển quân những kẻ khủng bố, trong đó có cả Al-Qaeda có thể đe dọa an ninh của Mỹ cùng các đồng minh. Zalmay Khalilzad, đại diện đặc biệt của Mỹ về hòa giải Afghanistan, phát biểu trước Quốc hội hồi tháng 5 rằng Taliban đã đạt tiến bộ đáng kể trong việc đáp ứng các cam kết này. Nhưng ngay cả khi điều này là sự thật tại thời điểm đó, thì bây giờ tình thế đã khác.

Nhưng Taliban vẫn một mực phủ nhận. Washington Post mới đây dẫn lời  phát ngôn viên của Taliban Mohammed Naeem tuyên bố Al-Qaeda không còn hoạt động ở Afghanistan. Ông cho biết, nhóm khủng bố này không thể hoạt động ở Afghanistan và không có mối quan hệ với Taliban, mặc dù có thể có "mối quan hệ gia đình" giữa các thành viên của hai tổ chức.

Chưa rõ Taliban sẽ chọn cách tiếp cận nào đối với Al-Qaeda hoặc các phần tử Hồi giáo cực đoan khác tham gia vào những chiến dịch bạo lực xuyên quốc gia bắt nguồn từ Afghanistan. Cũng không rõ Al-Qaeda sẽ phản ứng như thế nào về loạt sự kiện gần đây. Nhưng một báo cáo gần đây của LHQ cho biết, Al-Qaeda “không có dấu hiệu cắt đứt quan hệ” với Taliban. Sự liên kết về mặt tư tưởng và các mối quan hệ cá nhân, bao gồm cả những cuộc hôn nhân giữa các thành viên, khiến cả hai xích lại gần nhau hơn.

Mặc dù Taliban đã bắt đầu thắt chặt quyền kiểm soát đối với Al-Qaeda, LHQ cho rằng không thể chắc chắn Taliban sẽ thực hiện đúng cam kết kiểm soát được mối đe dọa từ Al- Qaeda ở Afghanistan.

Trong khi đó, theo một báo cáo của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), nhóm IS ở Khorasan (còn gọi là ISIS-K) bắt đầu hoạt động ở Afghanistan vào năm 2015. Nhóm này do tên Hafiz Zaeed Khan, quốc tịch Pakistan, người đã cam kết trung thành với cựu thủ lĩnh IS Abu Bakr al-Baghdadi, thành lập nên vào năm 2014. Giống như nhóm IS ở Iraq và Syria,  ISIS-K có tham vọng nắm giữ lãnh thổ và nổi tiếng với những vụ tấn công tàn bạo vào dân thường.

Mỹ từ lâu đã mở nhiều cuộc không kích tiêu diệt các thủ lĩnh chủ chốt của  ISIS-K, bao gồm cả người sáng lập Hafiz Zaeed Khan vào năm 2016. Tuy nhiên, IS vẫn cố sống sót. LHQ ước tính IS hiện còn nhóm nòng cốt khoảng 1.500 - 2.200 thành viên ở các tỉnh Konar và Nangahar. Các nhóm nhỏ hơn nằm rải rác trên khắp đất nước.

Và giờ đây chiến thắng nhanh chóng đến kinh ngạc của các tay súng Taliban được cho là sẽ tạo ra cú hích to lớn cho các phần tử Hồi giáo cực đoan ở khắp mọi nơi, bất kể là Al-Qaeda, IS, các chiến binh ở Mozambique và Syria…Một số chuyên gia cho rằng, các nhóm này sau đó có thể tự tái lập lực lượng ở Afghanistan. Các quan chức tình báo Mỹ trước đó đã nói rằng, Al-Qaeda cần 2 năm mới có thể làm được điều đó. Nhưng Nathan Sales, cựu quan chức chống khủng bố cấp cao trong chính quyền ông Trump, nói rằng sau khi Taliban tiếp quản, chỉ 6 tháng là Al-Qaeda tái lập lực lượng.

Một số nhà quan sát lo ngại, một thỏa thuận hòa bình giữa Taliban và chính phủ Afghanistan có thể khiến các thành viên cực đoan của Taliban gia nhập IS. Sau chiến thắng nhanh chóng lần này của Taliban, điều đó có vẻ ít xảy ra hơn. Trong khi đó, một yếu tố quan trọng cho mối quan hệ với Al-Qaeda có thể là sự thay đổi chiến lược của thủ lĩnh Ayman al-Zawahiri khi chiến binh gốc Ai Cập này nắm quyền lãnh đạo mạng lưới sau cái chết của trùm khủng bố Osama bin Laden vào năm 2011.

Thế giới sắp sửa chứng kiến sự kết hợp hỗn độn của một Afghanistan xập xệ do Taliban điều hành, một thất bại của Mỹ trong cuộc chiến chống khủng bố, nhất là sau vụ tấn công kinh hoàng ở sân bay Kabul hôm 26-8.

Thanh Văn