Tâm hồn "người hát rong" qua những dòng thơ để lại

Thứ tư, 06/12/2017 11:36

Dù cho giây phút mà thôi

Hẹn hò buổi trước cũng lời tâm giao!

Hai câu thơ hay như từ truyện Kiều rơi ra này, thầy Nguyễn Văn Giai viết năm 1959 khi ở Moscow trong bài thơ có tên là "Hẹn hò", trước khi tôi sinh ra đến ba năm, và giờ đây tôi đọc được khi thầy ra đi đã 7 năm, vậy mà bỗng dưng trong một lúc khơi gợi trào đâng lên trong tâm trí tôi bao nhiêu hình ảnh sống động và ấn tượng về thầy! Cũng trong bài thơ ấy, tôi nhìn thấy thêm ở tận sâu trong tâm tình của thầy từ những năm tháng xa xưa kia đã có bao nhiêu điều bí ẩn ngổn ngang nỗi niềm với hai câu thơ đầy ám ảnh: Lỗi sóng hay tại lỗi đò/Lỗi người cầm lái chẳng cho ghé bờ. (Hẹn hò). Và ở một bài thơ khác của thầy, là một nét chân dung tâm hồn sâu kín nữa, với hình ảnh về cuộc đời không thể nào khái quát hơn, rõ ràng hơn được nữa về sự... "nét đời rối tung" mà vô cùng hư ảo: Bầy còng giỡn ánh trăng tươi/Tám chân vẽ một nét đời rối tung!!!/ Sóng xô trở lại bằng không/Để chi ảo ảnh lạnh lùng dưới trăng? (Ngắm trăng).

Biết bao sinh viên của khoa Ngữ văn ĐHSP Quy Nhơn những năm 1978 - 1988 và cả về sau nữa chắc chắn vẫn còn ghi đậm từng hình ảnh thân yêu của thầy chủ nhiệm khoa Nguyễn Văn Giai, nhất là mỗi khi thầy chủ trì các đêm họp khoa đông đủ sinh viên các khóa I, II, III... Một gương mặt trí thức giấu sự uyên thâm trong nụ cười chân thực, gần gũi; nổi tiếng nguyên tắc, nghiêm khắc cực kỳ về giờ giấc họp hành, học tập, kể cả giờ giấc tự quản và sinh hoạt của sinh viên nhưng bao giờ cũng điềm tĩnh và hiền từ, nhỏ nhẹ, giản dị cuốn hút từ lời giảng bài các tiết Văn học Nga mà thầy là một trong những người viết giáo trình đầu tiên đến từng lời phê bình kiểm điểm sinh viên khi cá nhân hay tập thể có "vấn đề". Trong mọi việc, thầy luôn có sức thuyết phục với mọi người bởi sự uyên bác về tri thức luôn đi đôi, hòa quyện với sự trung thực liêm khiết, tính nguyên tắc đi liền với sự sẻ chia thông cảm chân thành từ tâm hồn nhân hậu dung dị luôn tỏa sáng tình yêu thương của thầy.

Tôi nghĩ, mọi thế hệ sinh viên khoa Ngữ văn ĐHSP Quy Nhơn được học thầy, gặp gỡ tiếp xúc thầy đều sẽ mãi mãi giữ trọn vẹn những hình ảnh ấn tượng ấy về thầy trong lòng mình, và rất nhiều học trò đã cố gắng nỗ lực hết sức để ra trường sống và làm việc xứng đáng với một người thầy đã từng giảng dạy, dìu dắt mình trên giảng đường đại học. Ngày ấy, có học trò nào ngờ thầy đã từng lặng lẽ viết về nỗi cô đơn riêng mình, nỗi cô đơn chưa hẳn chỉ trong tình yêu như thế này:

Ôi cô đơn biết mấy/Khi nhầm bước yêu đương/Em đi về bên ấy/Mình ta đứng trên đường? (Cô đơn); hay: Đôi lúc chỉ mình ta với ta/Để lòng man mác nỗi buồn xa/(Một mình). Tôi lại nhớ buổi học ngày ấy, cả hai lớp ngồi im phăng phắc nghe như nuốt từng lời giảng xúc động sâu lắng của Thầy khi nói về cái chết của nhân vật Andrei Bolkonsky  trong tác phẩm "Chiến tranh và hòa bình" của đại văn hào Lev Tolstoy. Giữa người giảng và nhân vật chính, hình như trong đáy sâu tâm hồn có một sự tương đồng sẻ chia đến kỳ lạ! Đọc thơ thầy hôm nay, cho phép tôi chưa nói đến "hơi thở thời đại" vẫn gắn chặt và tỏa sáng trong thơ thầy, tình yêu mênh mông với đất nước, quê hương, gia đình, nỗi căm ghét chiến tranh và khát vọng hòa bình thống nhất đã được viết rất đằm thắm tha thiết trong nhiều bài thơ của thầy; như những câu hào sảng về đất nước:

Buổi bình minh thuở Hùng vương dựng nước/Dân tộc này chưa luồn cúi một ai/Những ảo mộng điên cuồng quân xâm lược/Sẽ như làn sương mỏng buổi ban mai.   (Trở về).

Bởi khi đọc thơ thầy, mọi điều lay động, khơi gợi lại trong tôi đang bao trùm là về hình ảnh thầy Nguyễn Văn Giai - một người thầy tôi chịu nhiều ơn nghĩa riêng tư sâu nặng trong nhiều bước ngoặt của đời mình khi học ở khoa những năm 1980 - 1984, khi thầy khuyên tôi nên ở lại khoa làm công tác giảng dạy sau khi tôi tốt nghiệp đại học năm 1984 rồi cũng chính sự nhân hậu độ lượng đã khiến thầy cho phép tôi được chuyển công tác về Nhà xuất bản Đà Nẵng năm 1986... Một người thầy uyên thâm, nhân hậu thiết tha yêu đời, yêu nghề, yêu người mà những câu thơ thầy gởi lại đã nói trọn vẹn chân xác cuộc đời thầy, cuộc đời hoa dạ hương:

Dạ hương đến phút cuối cùng/Vẫn luôn trong sạch, thủy chung với đời/ Ta dù sống một lần thôi/Chuỗi ngày không thể buông trôi lững lờ/ Cồn lên như sóng vỗ bờ/Và tỏa hương, không đợi chờ nắng lên.

(Qua gốc dạ hương)

...Có những người thầy luôn để lại hình ảnh đẹp đẽ của mình trong ký ức các thế hệ học trò, hình ảnh không bao giờ phai mờ mà ngược lại, mỗi ngày thêm đậm nét trong ký ức thân thương suốt cuộc hành trình đi vào cuộc đời có thể rất khác nhau của những người học trò đã từ lâu xa trường lớp, xa thầy cô bè bạn.

Thầy Nguyễn Văn Giai - Chủ nhiệm khoa Ngữ văn Trường Đại học Sư phạm Quy Nhơn ngày ấy là một người thầy như vậy trong lòng học trò. Đọc thơ thầy, hiểu thêm về tâm hồn thầy, điều ấy càng thấm thía sâu nặng hơn...

 NGUYỄN KIM HUY 

(Đọc NGƯỜI HÁT RONG - thơ Việt Thương Nguyễn Văn Giai, NXB Đà Nẵng - 2017)