Tân Giáo hoàng nhậm chức

Thứ tư, 20/03/2013 00:00

(Cadn.com.vn) - Ngày 19-3, tân Giáo hoàng Francis chính thức đăng quang, mang lại hy vọng về thời kỳ cải cách đầy hưng thịnh cho Giáo hội Công giáo La Mã.

Thánh lễ nhậm chức bắt đầu vào lúc 9 giờ 30 (15 giờ 30 Việt Nam) tại Quảng trường Thánh Peter, chính thức đưa Giáo hoàng Francis trở thành nhà lãnh đạo mới của thế giới 1,2 tỷ giáo dân.

Hơn 1 triệu người đã có mặt tại Rome để chào đón tân giáo hoàng trong bối cảnh an ninh được thắt chặt. Đây là số lượng người đông đúc nhất kể từ sau sự kiện phong chân phước cho cố Giáo hoàng John Paul II hôm 1-5-2011 với 1,5 triệu người tham dự. Người dân địa phương cùng với những lá cờ Argentine, quê hương của Giáo hoàng tràn ngập đường phố Vatican, chờ giây phút lên ngôi của ngài. 6 quốc vương, cùng lãnh đạo các nước như Thủ tướng Đức Angela Merkel, Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy, Thủ tướng Pháp Jean-Marc Ayrault, Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden cùng những người đứng đầu của nhiều tín ngưỡng khác có mặt trong số 130 đoàn đại biểu đến tham dự lễ nhậm chức. Đặc biệt trong số này có Đức Thượng phụ Đại kết Bartholomew đến từ Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ). Đây là lần đầu tiên lãnh đạo tinh thần của các Kito hữu Chính thống giáo tham dự lễ nhậm chức của một Giáo hoàng La Mã kể từ năm 1054.

Điểm nhấn của lễ đăng quang là khi Giáo hoàng Francis nhận chiếc nhẫn và dây Pallium biểu tượng cho quyền lực trước sự chứng kiến của các nhà lãnh đạo thế giới và hàng chục ngàn con chiên. Dây Pallium là dải lông cừu biểu tượng cho vai trò của Giáo hoàng như một người chăn cừu còn chiếc nhẫn Ngư phủ được đặt tên theo vị giáo hoàng đầu tiên Thánh Peter, người vốn là một ngư dân.

 Tân Giáo hoàng nhậm chức tại Quảng trường Thánh Peter. Ảnh: Reuters

Thay đổi  và vì người nghèo

Tại buổi lễ, Giáo hoàng Francis kêu gọi các Hoàng gia, lãnh đạo các nước và mọi người dân hãy bảo vệ môi trường, những người nghèo khổ, yếu đuối, và ít quan trọng nhất. Ông cũng khẳng định sẽ nỗ lực vì những đối tượng “dễ bị tổn thương” này đồng thời kêu gọi các nhà lãnh đạo chính trị và kinh tế tránh xa “sự hủy diệt”. Những tuyên bố này cho thấy, trọng tâm ưu tiên dưới triều đại của tân giáo hoàng: vì người nghèo.

Buổi lễ nhậm chức lần này cũng cho thấy sự giản dị của Giáo hoàng khi ông rút ngắn lại chỉ còn 2 giờ (so với 3 giờ như cựu Giáo hoàng Benedict XVI từng làm năm 2005) và đơn giản hóa nhiều lễ phô trương như muốn gửi tín hiệu rằng, ông muốn sự thay đổi quan trọng trong Giáo hội Công giáo La Mã. Sự giản dị càng tiếp diễn khi ông vừa bỏ qua truyền thống cũ với việc chọn chiếc nhẫn Ngư phủ bằng bạc thay vì bằng vàng.

Trước khi thánh lễ diễn ra, tân giáo hoàng có chuyến diễu hành quanh Quảng trường Thánh Peter trong chiếc xe jeep màu trắng mui trần, chào đón hàng triệu con dân. Việc Giáo hoàng Francis bỏ qua chiếc xe chống đạn thường xuyên được “người tiền nhiệm” Benedict XVI sử dụng, thổi bùng niềm hy vọng về một cuộc canh tân trong Giáo hội Công giáo La Mã. Đặc biệt, trong chuyến diễu hành, tân giáo hoàng thường xuyên dừng lại ôm hôn những đứa trẻ. Thậm chí, có lúc, ông ra khỏi xe để ban phước cho một người đàn ông tàn tật. Nhiều người nói rằng, họ hy vọng rất nhiều về một triều đại Giáo hoàng luôn vì người nghèo. “Ông là một giáo hoàng của người nghèo, luôn khiêm tốn và đơn giản, chứ không phải là nhà lãnh đạo bất khả xâm phạm”, một người tên Valetin đến từ Buenos Aires (Argentine) nói.

Thời còn là Tổng giám mục Buenos Aires, ông nổi tiếng giản dị khi  từ chối sống trong tư dinh hoành tráng mà chỉ ở trong một chung cư nhỏ.

Thách thức đầu tiên

Trở thành người đứng đầu Tòa thánh Vatican là một vinh dự cao cả nhưng cũng đầy khó khăn. Ngay sau khi nhậm chức, Giáo hoàng Francis phải chuẩn bị cho một lịch trình dày đặc.

Tân giáo hoàng bắt đầu triều đại bằng việc đến thăm các nhà lãnh đạo chính trị ở Tòa thánh. Hôm nay (20-3), Giáo hoàng Francis I sẽ tiếp hơn 30 đoàn đại biểu đại diện cho các nhà thờ Kito giáo khác, cũng như các đoàn Phật giáo, Do Thái, Hồi giáo, đạo Sikh... Ông cũng sẽ đón tiếp đại sứ các nước đến Vatican vào ngày 22-3 sau đó có buổi ăn trưa với ông Benedict XVI. Đây cũng là cuộc họp đầu tiên giữa hai người kể từ sau Mật nghị Hồng y bầu Giáo hoàng.

Tân Giáo hoàng cũng đang vấp phải thách thức ngoại giao đầu tiên khi trước đó cùng ngày, Tổng thống Argentine Cristina Fernandez yêu cầu ngài hỗ trợ Buenos Aires trong tranh chấp với Anh quanh chủ quyền quần đảo Falkland/Malvines. Phát biểu tại cuộc họp báo sau khi hội kiến Giáo hoàng Francis, bà Kirchner nói: “Tôi đề nghị ông can thiệp để thúc đẩy đối thoại giữa hai bên”, đồng thời lưu ý rằng, Giáo hoàng John Paul II cũng từng làm trung gian trong một cuộc xung đột tương tự giữa Argentine và Chile. Hiện, người phát ngôn Vatican chưa có bình luận nào về đề nghị này.

Khả Anh