Tận hưởng với Sơn Trà

Thứ ba, 21/06/2022 14:04
Ngay khi cả nước nói chung và thành phố Đà Nẵng nói riêng thích ứng an toàn, linh hoạt để vừa phòng chống dịch vừa phát triển kinh tế, cộng đồng doanh nghiệp trong lĩnh vực dịch vụ du lịch Q. Sơn Trà với sự tiếp sức mạnh mẽ về cơ chế, chính sách của chính quyền, đã bắt tay vào quá trình hồi phục mạnh mẽ. Từ đầu năm 2022, Quận ủy, UBND Q. Sơn Trà đã thực hiện nhiều giải pháp, định hướng chiến lược, trong đó chú trọng đa dạng và nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch để sẵn sàng bứt phá.
Các hoạt động du lịch trên bãi biển Sơn Trà đã sôi động trở lại.
Các hoạt động du lịch trên bãi biển Sơn Trà đã sôi động trở lại.

Triển khai đồng bộ các giải pháp phục hồi

Theo Phó Chủ tịch UBND Q. Sơn Trà Huỳnh Văn Hùng, phục hồi phát triển du lịch là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của quận sau 2 năm chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19. Để sớm đạt hiệu quả nhiệm vụ này, Quận ủy, UBND quận đã thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ như triển khai các chính sách hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người lao động tiếp cận các chính sách về hỗ trợ vốn vay, hỗ trợ đất đai, thuế, lao động, đào tạo nghề… Với nhiệm vụ làm mới sản phẩm du lịch để thay đổi “khẩu vị” của du khách, quận cũng đang thực hiện kế hoạch tổ chức thí điểm chương trình “Đêm Đà Nẵng - Danang By Night”, đầu tư sửa chữa Nhà thờ Tiền Hiền làng An Hải và Thoại Ngọc Hầu, xây dựng hoàn thành Lăng Ông - Mân Thái và đường tranh bích họa, nâng cấp hạ tầng phục vụ du lịch cộng đồng, tổ chức thí điểm dịch vụ phục vụ du lịch về đêm trên cầu Nguyễn Văn Trỗi và Công viên bờ Đông cầu Nguyễn Văn Trỗi.

Với thông điệp “Enjoy Danang - Tận hưởng Đà Nẵng” của ngành du lịch thành phố, chính quyền quận đã hỗ trợ các doanh nghiệp đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu sản phẩm, kết nối thị trường. Địa phương cũng tổ chức hiệu quả Quỹ xúc tiến du lịch thành phố với các hoạt động như xây dựng, phát hành sách ảnh di tích và danh thắng giới thiệu cảnh quan thiên nhiên, các loại hình văn hóa vật thể, phi vật thể trên địa bàn quận. Đồng hành với chính quyền, người dân cũng được tuyên truyền, vận động trở thành một “đại sứ”, một hướng dẫn viên du lịch để cùng quảng bá hình ảnh Sơn Trà luôn gắn với mảnh đất, con người Đà Nẵng đến với bạn bè trong nước và quốc tế. Ông Hùng cho hay, để sẵn sàng “phá băng” du lịch, chủ động khi mở cửa trở lại, từ cuối năm 2021 UBND Q. Sơn Trà đã triển khai tập huấn, tuyên truyền về bộ tiêu chí chuẩn chuyên nghiệp trong phục vụ khách du lịch tại các cơ sở ăn uống, mua sắm, lưu trú, điểm du lịch cùng nhiều biện pháp xây dựng môi trường du lịch an toàn thân thiện. Các lực lượng chức năng địa phương phối hợp với Thanh tra Sở Du lịch tăng cường kiểm tra, xử lý dứt điểm tình trạng bán hàng rong, đeo bám, chèo kéo khách tại các khu điểm như chùa Linh Ứng, các bãi biển, trục đường lớn. Bên cạnh đó, quận cũng ứng dụng khoa học kỹ thuật và công nghệ thông tin để quản lý, quảng bá, xúc tiến du lịch trực tuyến, sử dụng các phần mềm tiện ích hỗ trợ du khách, tiếp nhận, cung cấp, xử lý thông tin, sự cố gặp phải trong quá trình tham quan, nghỉ dưỡng, mua sắm, trải nghiệm trên địa bàn. “Đặc biệt, UBND quận Sơn Trà đã đề nghị các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch thực hiện nghiêm các quy định về đăng ký giá, niêm yết giá bán các sản phẩm, dịch vụ của đơn vị và bán đúng giá niêm yết, tuyệt đối không tùy tiện tăng giá, ép khách, găm giữ phòng, gây sốt giá, ảnh hưởng xấu đến hình ảnh của ngành du lịch của quận nói riêng và thành phố Đà Nẵng nói chung. Trong bối cảnh mới, bên cạnh việc làm mới sản phẩm thì chất lượng dịch vụ phải được đảm bảo để mời gọi khách đến, giữ chân khách ở lại và đủ hấp dẫn để họ trở lại lần sau”, ông Hùng cho biết.

Tháo gỡ vướng mắc

Để bứt phá sau đại dịch, lãnh đạo UBND Q. Sơn Trà cũng cho biết cần có chính sách, biện pháp để sớm khắc phục những vướng mắc, tồn tại trong thời gian qua. Dù được xem là “bảo bối” của Đà Nẵng nhưng hiện tại Sơn Trà vẫn chưa có khu vực được quy hoạch riêng biệt dành cho hoạt động dịch vụ du lịch về đêm. Một số địa điểm, khu vực còn xen lẫn với khu dân cư, gây ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân, tạo xung đột giữa nhiệm vụ phát triển kinh tế và đời sống nhân dân. Cùng với đó, cơ sở hạ tầng, hoạt động dịch vụ tại một số điểm đến, điểm tổ chức sự kiện chưa được đầu tư đồng bộ; nhiều dự án triển khai còn chậm, chưa được khớp nối; ô nhiễm môi trường ở một số nơi chưa được xử lý dứt điểm. Các dự án tạo sản phẩm cho hoạt động dịch vụ du lịch đêm chưa được hình thành do hạn chế nguồn lực đi kèm các thủ tục đầu tư còn mất nhiều thời gian; dịch vụ vui chơi có thưởng dành cho người nước ngoài còn ít; công tác quản lý, điều hành, ANTT, vệ sinh môi trường còn gặp nhiều khó khăn… Đây là những nguyên nhân khiến thời gian lưu trú, trải nghiệm của du khách còn ngắn, mức chi tiêu chưa cao, tỷ lệ khách trở lại chưa nhiều như kỳ vọng.

Đến 2025, các dịch vụ cơ bản phải đạt chuẩn

Báo cáo của Phòng Văn hóa - Thông tin Q. Sơn Trà cho biết, sau khi có chủ trương mở cửa trở lại các hoạt động du lịch vào giữa tháng 3-2022, du lịch trên địa bàn quận có chuyển biến mạnh mẽ. Các khu điểm, bãi tắm, nhà hàng, khách sạn đã thu hút lượng lớn khách tham quan, du lịch. Trong dịp nghỉ lễ Giỗ tổ Hùng Vương và kỳ nghỉ lễ 30-4, 1-5, công suất buồng, phòng bình quân vào dịp cuối tuần của các khách sạn ven biển đạt 60-80%. Các cơ sở kinh doanh dịch vụ cũng đã tham gia chương trình kích cầu du lịch, tăng cường công tác vệ sinh môi trường, đẩy mạnh mở cửa đón khách du lịch trở lại.

Theo ông Huỳnh Văn Hùng, Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ VI Đảng bộ quận Sơn Trà nhiệm kỳ 2020-2025 đã xác định 3 định hướng đột phá trong 5 năm tới, trong đó có định hướng đột phá về phát triển du lịch. Ngoài ra, quận đã xây dựng và ban hành Đề án “Đa dạng hóa sản phẩm và nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch biển, du lịch nghỉ dưỡng, tập trung phát triển các dịch vụ giải trí nhất là dịch vụ giải trí về đêm trên địa bàn quận Sơn Trà, đáp ứng nhu cầu khách du lịch giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030”. Đề án gồm các mục tiêu tập trung khôi phục lại hoạt động của ngành du lịch, đẩy nhanh tiến độ cho các doanh nghiệp du lịch tiếp cận các gói hỗ trợ của Chính phủ, thành phố, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 trong tình hình mới. “Với những lợi thế sẵn có, Sơn Trà phấn đấu đến năm 2025, tất cả khách sạn, nhà hàng, cửa hàng quà lưu niệm, chợ, trung tâm mua sắm đều đạt chuẩn chuyên nghiệp phục vụ, chuẩn văn minh thương mại. Chất lượng nhân lực quản lý, phục vụ của các cơ sở dịch vụ, du lịch đạt chuẩn phục vụ. Môi trường du lịch được cải thiện, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm được kiểm soát tốt, thân thiện. Quận phải làm sao để du khách háo hức đến, hài lòng khi trải nghiệm và luôn có mong muốn trở lại”, ông Hùng nhấn mạnh.

BẢO NAM