Tan nát những bờ suối vàng (2)

Thứ tư, 15/05/2013 00:00

>> Tan nát những bờ suối vàng

* Kỳ cuối: "Vàng tặc" nhờn mặt chính quyền

(Cadn.com.vn) - Khai thác vàng đã gây nên nhiều hệ lụy đối với địa phương, như mất rừng, ô nhiễm nguồn nước và các tai tệ nạn... Hàng loạt cuộc truy quét của chính quyền từ cấp xã đến huyện và tỉnh nhưng "vàng tặc" vẫn ngang nhiên hoạt động. Cá biệt, có nơi địa điểm khai thác vàng trái phép chỉ cách UBND xã chưa đến 3km nhưng chính quyền... không hay.

Tác động xấu từ nạn khai thác vàng trái phép đầu tiên đó là những vạt rừng bị xới tung, những con suối trở thành dòng nước chết và người dân sống ở hạ lưu những con suối này. Không chỉ bị ô nhiễm bùn đất, các con suối quanh các bãi vàng trở thành bể nước độc, khi "vàng tặc" xả thẳng các hóa chất dùng để phân kim vàng như cyanua, thủy ngân ra suối.

Già làng K'kliêng A (thôn 2, xã Đắc R'măng, H. Đắc Glong, Đắc Nông) than thở: "Trước kia, người dân trong thôn sử dụng nước suối để ăn uống, tắm giặt, tưới cây và trâu bò uống. Nhưng từ khi có nhóm người khai thác vàng thì dòng suối đục ngầu, không thể sử dụng nước cho bất cứ việc gì được. Mùa khô, người dân thiếu nước, chỉ trông chờ ở con suối nhưng suối vàng khè thế này nên đành chịu khát". Không chỉ thế, các nguồn lợi thuỷ sản như tôm cá... đều không còn. Già làng K'kliêng A cho biết, làng vừa phạt một nhóm khai thác vàng ở cạnh làng cúng đền một con heo quay, hai ché rượu cần và 200 nghìn đồng.

Đồi núi sạt lở, bị đào khoét tan hoang do vàng tặc. 

Tình hình tại xã Quảng Hòa còn tệ hại hơn, do chất bẩn từ khai thác vàng ở hai xã Đắc R'măng và Đắc Ha đổ hết về Quảng Hòa. Ông Trần Văn Lăng- Chủ tịch UBND xã Đắc Ha (H. Đắc Glong) cho biết: "Khai thác vàng đã kéo theo nhiều tệ nạn, gây mất ANTT tại địa phương. Không chỉ người ngoài địa phương đến khai thác vàng trái phép mà còn lôi kéo cả người dân bản địa đi làm "vàng tặc" và đã có người phải bỏ mạng vì sập hầm". Địa bàn xã Đắc Ha hiện có 2 bãi vàng tại các tiểu khu 1697 và 1616, với 14 lán trại, có gần 100 đối tượng đang khai thác. "Phần lớn các đối tượng là người phía Bắc vào, chỉ duy nhất có một nhóm người địa phương"- ông Lăng cho biết thêm.

Còn tại xã Quảng Sơn, anh Đinh Minh Tuấn- Trưởng CAX, cho hay: "Thời kỳ khai thác vàng rầm rộ, vào các năm 2010-2011 đã khiến xã bùng lên tệ nạn ma túy. Hậu quả, trong xã giờ có khoảng 10 đối tượng nghiện hút". Tại xã Quảng Sơn, hiện có khoảng 100 đối tượng vàng tặc khai thác trái phép tại bãi vàng đồi 41. "Hiện tình trạng khai thác vàng được xem là tạm lắng do số đối tượng ít hơn nhiều lần so với lúc cao điểm vào các năm 2011-2012. Việc giải tỏa là không xuể và không biết khi nào thì tình trạng khai thác vàng lại bùng phát"- anh Tuấn nói.

 Truy quét, tiêu hủy lán trại, phương tiện hôm trước, ngay hôm sau "vàng tặc" lại lập lán mới,
với máy móc mới để khai thác tiếp.

Ông Nguyễn Hữu Kiện- Phó Chánh văn phòng UBND H. Đắc Glong cho hay: "Cái khó khi truy quét vàng tặc là đường vào các bãi vàng thường chỉ độc đạo nên khi đoàn truy quét đến lán đầu tiên thì các lán khác đã biết tin, họ chạy lên rừng hết. Nhiều bãi vàng cho đối tượng canh giữ từ bên ngoài, đoàn mới xuất phát vàng tặc đã biết tin. Mặt khác, các xã vùng sâu giáp Lâm Đồng, giao thông đi lại khó khăn, khi có đoàn truy quét thì các đối tượng chạy sang Lâm Đồng trốn". Theo thống kê của UBND H. Đắc Glong, toàn huyện hiện còn khoảng 25 "điểm nóng" khai thác vàng trái phép, thời kỳ cao điểm có hàng trăm đối tượng và máy móc cơ giới, hủy hoại môi trường, gây mất an ninh trật tự, thất thoát nguồn tài nguyên quốc gia. "Đi truy quét hôm trước thì vài ngày sau các đối tượng quay lại"- ông Kiện thừa nhận. Được biết, năm 2013, H. Đắc Glong giao dự toán truy quét vàng tặc cho các xã và phòng chức năng ngay từ đầu năm để các đơn vị chủ động công tác truy quét. Thời gian gần đây, H. Đắc Glong tổ chức 4 đợt truy quét, thu giữ và phá hủy nhiều máy móc, phương tiện, lán trại.

Dù các cấp chính quyền H. Đắc Glong đã vào cuộc quyết liệt nhưng tình trạng khai thác vàng vẫn còn rất nóng bỏng. Việc truy quét chẳng khác nào "bắt cóc bỏ dĩa", chỉ dừng lại ở tiêu hủy lán trại, phá phương tiện khiến nhiều vàng tặc "nhờn mặt" với chính quyền địa phương. Nói như phu vàng Nguyễn Văn Đam, thì vàng tặc nhẵn mặt hầu hết cán bộ xã, huyện... vì bị truy đuổi quá nhiều. Lán trại của ông Đam cũng chỉ cách UBND xã Đắc Ha khoảng 3 km. Việc giải quyết nạn khai thác vàng chỉ có thể triệt để khi bắt được vàng tặc và có chế tài nặng áp dụng với nhóm đối tượng này.

Bài, ảnh: Hoàng Táo