Tần Thủy Hoàng-dự án trường sinh và lăng mộ đất nung
(Cadn.com.vn) - Tần Thủy Hoàng (259 TCN-210 TCN), hoàng đế đầu tiên của Trung Quốc thống nhất năm 221 trước Công nguyên (TCN) sau khi tiêu diệt các chư hầu. Ông cai trị cho đến khi qua đời vào năm 210 TCN khi ở tuổi 49. Vị vua này nổi tiếng cả về tài năng lẫn sự độc ác khiến hậu thế phải “kiêng nể” trong đó có nhiều “thâm cung bí sử” đến nay vẫn chưa khám phá hết, đặc biệt là dự án thuốc trường sinh hay và lăng mộ chiến binh đất nung đồ sộ.
TỪ DỰ ÁN “TRƯỜNG SINH BẤT LÃO”...
Tần Thủy Hoàng là con trai cả của Trang Tương Vương nước Tần, mẹ là Triệu Cơ, tỳ thiếp của Lã Bất Vi, thương nhân sau trở thành tướng nước Tần.
Ông sinh tháng 1 năm 259 TCN tại Hàm Đan của nước Triệu nên lúc còn nhỏ mang họ Triệu tên Chính, nguồn gốc tổ tiên từ vùng Cam Túc. Theo sử ký Tư Mã Thiên, Tần Thủy Hoàng là con của Lã Bất Vi. Sau khi thống nhất, ông và thừa tướng Lý Tư thực hiện một loạt cải cách về kinh tế và chính trị, thực thi nhiều dự án khổng lồ, trong đó có dự án xây dựng và hợp nhất các đoạn Vạn Lý Trường Thành, lăng mộ kích thước giống như một thành phố được bảo vệ bởi đội quân đất nung có kích thước y người thật. Ngoài ra, Tần Thủy Hoàng còn nổi tiếng là người có những việc làm bất thường như đốt sách và chôn sống học giả.
Những năm cuối đời, Tần Thủy Hoàng rất sợ chết và quyết tâm tìm kiếm thuốc trường sinh với hy vọng giúp ông trường thọ. Do bị ám ảnh về dự án này nên Tần Thủy Hoàng bị nhiều người lừa, trong đó có tình tiết tới thăm đảo Chi Phù 3 lần để tìm kiếm sự bất tử. Tần Thủy Hoàng nghe theo lời Hầu Sinh và Lư Sinh muốn tu tiên, bèn tự xưng là chân nhân nhưng ít lâu sau hai người lại bất bình vì sự hà khắc của chính Tần Thủy Hoàng gây ra nên cùng nhau bỏ trốn.
Tần Thủy Hoàng cung cấp cho Từ Phúc một con tàu chở hàng trăm đồng nam và đồng nữ tìm kiếm núi Bồng Lai thần bí để gặp một người bất tử 1.000 năm tuổi tên là An Cơ Sinh mà Tần Thủy Hoàng cho là gặp trong một chuyến vi hành vì người này nói với vua là đang sống ở Bồng Lai. Sự thật, những người này không bao giờ quay trở lại, bởi họ biết, nếu quay về mà không có thuốc trường sinh thì chắc chắn sẽ bị giết. Theo các nguồn tin truyền lại, họ đã trốn sang Nhật Bản. Do bản tính sợ chết và bị ám ảnh bởi các "linh hồn xấu xa", nên Tần Thủy Hoàng cho xây dựng hàng loạt đường hầm và lối đi liên thông trong cung điện, giữ cho ông không bị các linh hồn xấu xa nhòm thấy.
Năm 211 TCN, một thiên thạch được cho là rơi xuống Đông Quận ở chỗ thấp của sông Hoàng Hà. Trên thiên thạch có người ghi dòng chữ “Nếu Tần Thủy Hoàng chết thì đất sẽ bị chia”. Khi biết được tin này Tần Thủy Hoàng phái người điều tra. Không ai nhận viết dòng chữ trên nên tất cả những người sống gần đó đều bị giết. Thiên thạch về sau bị thiêu và nghiền thành bột. Sau đó, Tần Thủy Hoàng đi kinh lý, trên đường đi về phía tây đến bến Bình Nguyên thì bị bệnh. Biết được nhà vua ghét nói đến chết chóc, nên mọi người không ai dám bàn chuyện hậu sự khi nhà vua qua đời. Khi bệnh nặng, Tần Thủy Hoàng viết thư đóng dấu gửi công tử Phù Tô nói về chuyện làm tang nhưng chưa kịp giao cho sứ giả thì Tần Thủy Hoàng qua đời ở Bình Đài, thuộc Sa Khâu vào ngày 10-9-210 TCN theo lịch Julius.
Theo tài liệu phương Tây, Tần Thủy Hoàng chết vì uống phải thuốc thủy ngân do các ngự y chế ra mà những viên thuốc này vốn được làm nhằm mục đích giúp cho Tần Thủy Hoàng bất tử. Thừa tướng Lý Tư thấy nhà vua mất ở xa kinh đô nên vô cùng lo lắng vụ việc sẽ châm ngòi nổi dậy trong dân chúng nên giấu kín, chở quan tài trong một cỗ xe mát, cho một hoạn quan được vua yêu ngồi trong xe, đến đâu thì dâng thức ăn, trăm quan vẫn tâu việc như thường. Gặp lúc trời nắng, chiếc xe mát phát ra mùi thối, nên bèn chở theo cả các xe chở cá nhằm đánh bạt mùi hôi, khi về đến Hàm Dương mới báo tang Tần Thủy Hoàng đã băng hà.
![]() |
Đội quân đất nung của Tần Thủy Hoàng (phải). |
Một trong những dự án quan trọng Tần Thủy Hoàng thực hiện trong khi còn sống là xây dựng lăng mộ cho bản thân khi mới 13 tuổi, chính xác là năm 215 TCN.
Theo đó, ông vua này ra lệnh cho tướng Mông Điềm dùng 300.000 người xây dựng nhưng cũng có nguồn tin nói con số trên có thể lên tới hơn 720.000 người. Ngôi mộ chính có chứa thi hài Tần Thủy Hoàng song vẫn chưa được mở ra và có bằng chứng cho thấy, nó vẫn còn nguyên vẹn. Nghe đồn, ngôi mộ rất nhiều châu báu, có một bản đồ của một trăm con sông, trên đó sông Hoàng Hà, sông Dương Tử đều bằng thủy ngân. Hầm mộ ngày đêm đều thắp đèn đốt bằng dầu cá, một loại cá đặc biệt giống hình người. Quan tài hạ rồi, người ta nấu đồng để gắn phần mộ và đặt một cái máy để báo động khi có kẻ lạ đột nhập vào thì bắn ra những mũi tên từ mọi phía. Ngôi mộ được xây dựng trên núi Li Sơn, cách Tây An 30km. Các nhà khảo cổ học hiện đại xác định vị trí và đưa người máy vào thăm dò bên trong. Qua thăm dò cho thấy số lượng thủy ngân cao bất thường, gấp khoảng 100 lần so với tự nhiên, điều này cho thấy lời đồn khá đáng tin cậy. Tuy nhiên, cho đến nay, bí mật của ngôi mộ được duy trì vì hầu hết những người xây dựng đã bị giết.
Lăng mộ Tần Thủy Hoàng thuộc nhóm những phát hiện khảo cổ vĩ đại nhất của nhân loại, được UNESCO công nhận là di sản thế giới năm 1987. Kể từ khi được phát hiện năm 1974, khu hầm mộ này tiếp tục được khai quật. Phần lớn những tượng đất nung đều làm từ đất sét, nung trong lò nhiệt độ thấp, sau khi nung xong được quét lớp sơn bên ngoài để tăng độ bền. Theo các nhà khảo cổ, khuôn mặt, kích cỡ, biểu cảm, khóe mắt, hướng nhìn cho đến màu sơn không có tượng nào giống tượng nào, sống động và trông như thật. Cho đến nay, có 8.099 pho tượng được khai quật lộ thiên và đưa ra khỏi lòng đất. Đội quân đất nung này được bố trí trong 3 hầm mộ riêng biệt, hầm mộ thứ 4 mới phát hiện thấy nhưng là hầm trống, rất có thể là hầm trung quân.
Tất cả các bức tượng chiến binh trong các hầm mộ này đều rỗng, không chỉ có giá trị về mặt nghệ thuật mà còn có thể giúp nhân loại hiểu sâu thêm về nghệ thuật quân sự của Tần Thủy Hoàng áp dụng thời cổ đại.
Kim Hùng
(TheoNet/WP/NG)