Tăng cường các biện pháp phòng chống cháy nổ tàu thuyền mùa nắng nóng

Thứ tư, 24/04/2024 07:00
Theo dự báo của cơ quan khí tượng thủy văn, các đợt nắng nóng trên địa bàn TP Đà Nẵng sẽ gay gắt hơn so với trung bình hàng năm. Âu thuyền và Cảng cá Thọ Quang (Q. Sơn Trà, Đà Nẵng) là nơi tập trung nhiều tàu cá nên luôn tiềm ẩn nguy cơ phát sinh cháy, nổ là rất cao.
Tàu thuyền neo đậu thành từng cụm, bình gas đặt chi chút ở boong tàu.
Lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH trên sông Công an TP Đà Nẵng thường xuyên nhắc nhở chủ tàu cảnh giác với các nguy cơ dẫn đến cháy, nổ, nhất là sự cố chạm chập điện.

Hàng năm, mối lo về nguy cơ cháy, nổ luôn thường trực khi trên mỗi con tàu việc sử dụng hệ thống điện, bình gas, bếp gas tồn tại nhiều bất cập. Trong không gian nhỏ trên tàu còn là một lượng lớn ngư lưới cụ và xăng dầu ở khoang tàu. Mặt khác, nhiều tàu được hoán cải, việc nâng cấp hệ thống điện chưa đạt yêu cầu. Dây dẫn điện đấu nối với các bình ắc-quy, không có thiết bị ngắt, dễ phát sinh tia lửa điện. Cá biệt có trường hợp chủ tàu vẫn còn thắp hương trong ca-bin. Vào mùa cao điểm, hàng trăm con tàu vào âu thuyền để bán hải sản và neo đậu tiếp nhiên liệu. Một số chủ tàu từ nơi khác đến, việc cập nhật kiến thức phòng cháy còn hạn chế dẫn đến sự chủ quan, lơ là.

Thiếu tá Lê Tuấn Anh- Đội trưởng Đội Cảnh sát PCCC và CNCH trên sông thuộc Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH Công an TP Đà Nẵng cho hay, một nguy cơ cháy, nổ mới đang hiện hữu tại các tàu cá là việc lắp đặt hệ thống điện năng lượng mặt trời trên tàu. Hệ thống điện này đấu nối vào các bình ắc-quy nên nguy cơ chạm chập rất cao. "Nỗi lo càng nhân lên gấp bội khi mùa cao điểm nắng nóng đang diễn ra hết sức phức tạp. Khoảng thời gian cao điểm xảy ra cháy, nổ các năm thường rơi vào giai đoạn mùa nắng nóng với nền nhiệt độ tăng cao, thời tiết hanh", Thiếu tá Lê Tuấn Anh bày tỏ.

Nỗi lo của lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH là có cơ sở khi theo thống kê của Công an TP Đà Nẵng, trong 3 năm qua (2021, 2022, 2023), Đà Nẵng chịu ảnh hưởng của hơn 42 đợt nắng nóng với các cường độ khác nhau, trong đó nhiều đợt nắng nóng rất gay gắt với nền nhiệt độ trên 40°C kéo dài nhiều ngày. Trong thời gian nắng nóng xảy ra 788 vụ cháy và sự cố cháy, chiếm hơn 71%, làm chết 4 người, bị thương 2 người, gây thiệt hại hơn 98,9 tỷ đồng về tài sản và hơn 3 ha rừng. Trong đó, nhiều vụ cháy tàu xảy ra tại TP Đà Nẵng, có thể kể đến vụ cháy lớn, gây thiệt hại nghiêm trọng xảy ra trong mùa nắng nóng tại âu thuyền là vụ cháy liên hoàn 3 tàu cá neo đậu xảy ra ngày 14-2-2021 gây thiệt hại ước tính gần 14 tỷ đồng.

Nói về vụ cháy trên, Thiếu tá Lê Tuấn Anh cho biết, 3 tàu cháy nằm giữa cụm tàu gần 20 chiếc. Để tránh cháy lan, Cảnh sát PCCC và CNCH phối hợp với Bộ đội Biên phòng và ngư dân chặt dây neo để các tàu trôi tự do và tách 3 tàu cá đang cháy ra xử lý. Dù đã nỗ lực, cố gắng hết mình nhưng việc dập lửa ngay tức thì là rất khó khăn do góc độ tiếp cận cũng như trang thiết bị còn thiếu. Đây cũng là khó khăn lớn đối với công tác chữa cháy trên sông, biển mà lực lượng Cảnh sát PCCC phải đối mặt.

Tàu thuyền neo đậu thành từng cụm, bình gas đặt chi chút ở boong tàu.

Trước tình hình và nguy cơ tiềm ẩn cháy, nổ tại âu thuyền trong đợt nắng nóng, Công an TP Đà Nẵng đã triển khai các giải pháp để đảm bảo an toàn PCCC. Mới đây, Công an TP Đà Nẵng đã tổ chức hội nghị triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn PCCC mùa nắng nóng năm 2024. Trong đó, Âu thuyền và Cảng cá Thọ Quang được đánh giá là một trong những cơ sở trọng điểm, có nguy hiểm cao về cháy, nổ. Tại hội nghị, Đại tá Phan Văn Dũng- Phó Giám đốc Công an TP đã đề nghị Ban quản lý Âu thuyền và Cảng cá Thọ Quang tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức đảm bảo an toàn PCCC và CNCH đối với chủ tàu cá, thuyền viên và lực lượng trông, giữ tàu thuê, nhất là an toàn trong sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt. Đồng thời phối hợp với Công an TP tổ chức tập huấn, nâng cao năng lực, trình độ, kỹ năng chữa cháy, CNCH của lực lượng PCCC cơ sở và duy trì công tác thường trực 24/24 của lực lượng này để kịp thời phát hiện, xử lý ngay từ ban đầu.

Ông Phạm Trung Thành- Phó trưởng Ban quản lý Âu thuyền và Cảng cá Thọ Quang thông tin, với sự phát triển của ngành thủy sản nói riêng và nhu cầu phát triển kinh tế của khu vực nói chung, Trung ương và thành phố đã đầu tư nâng cấp, mở rộng cảng cá Thọ Quang. Hiện các gói thầu thi công nâng cấp, mở rộng cảng cá giai đoạn 1 đang trong giai đoạn hoàn thiện chuẩn bị bàn giao đưa vào khai thác vận hành (cả trên bờ và dưới nước), và thời gian đến sẽ triển khai nâng cấp, mở rộng cảng cá Thọ Quang giai đoạn 2 theo Quyết định số 202/QĐ-BNN-TCTS ngày 11-1-2023 của Bộ NN&PTNT. Trong đó chú trọng quy hoạch, đầu tư theo hướng cảng cá sinh thái, du lịch, vậy việc đảm bảo các quy định về PCCC trong khu vực cũng được chú trọng không kém.

Để đảm bảo an toàn PCCC, Ban quản lý Âu thuyền và Cảng cá Thọ Quang đã thành lập Ban chỉ huy PCCC với 9 thành viên và 35 đội viên Đội PCCC. Ban cũng thực hiện tốt Quy chế phối hợp với Phòng Cảnh sát PCCC & CNCH với Hải đội 2 Bộ đội Biên phòng và Đồn Biên phòng Sơn Trà trong công tác đảm bảo an toàn PCCC tại âu thuyền. "Tuy nhiên, vướng mắc hiện nay là việc xử lý đối với tàu cá vi phạm các quy định về PCCC chưa có quy định để làm cơ sở để xử lý", ông Thành nói.

Là âu thuyền và cảng cá lớn nhất khu vực miền Trung, công tác PCCC tại đây là một vấn đề hết sức quan trọng được đặt ra. Cùng với nỗ lực của lực lượng chức năng thì mỗi người dân cần nâng cao ý thức để bảo vệ tài sản và tính mạng của chính mình, nhất là trong những thời điểm nắng nóng, nguy cơ phát sinh cháy, nổ cao.

MAI VINH - THANH AN